Doanh thu hàng trăm tỷ, không nộp thuế
Với nền tảng là công nghệ thông tin, hoạt động trên không gian mạng, các giao dịch diễn ra không phụ thuộc vào vị trí, khoảng cách địa lý, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đang có sự phát triển rất nhanh và mạnh, trong đó, đặc biệt là Youtube, Google và Facebook…
Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ thanh tra kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, đại dịch Covid-19 cũng hình thành thói quen mua bán hàng qua lĩnh vực TMĐT, trong đó, hoạt động TMĐT chủ yếu xuất hiện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, 2 địa bàn có nền công nghệ thông tin phát triển. Theo dữ liệu của các ngân hàng thương mại cung cấp, riêng Hà Nội đã có 18.304 cá nhân, tổ chức cá nhân đã nhận được số tiền từ Google và Facebook, Youtube là 1.462 tỷ đồng.
“Chúng tôi đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho người nộp thuế hiểu và thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ. Riêng năm 2017, ngành Thuế đã gửi 13.000 tin nhắn tới người nộp thuế, đồng thời kết hợp, yêu cầu 45 ngân hàng thương mại cung cấp thông tin để ngành Thuế có cơ sở dữ liệu quản lý thuế”, ông Cường cho hay.
Ngành thuế đã trực tiếp hướng dẫn kê khai nộp thuế và số tiền truy thu thuế 13,9 tỷ đồng. Theo ông Cường, một số vụ việc điển hình, trường hợp cá nhân tên Trần Đức Phương nhận thu nhập từ Google hơn 41 tỷ đồng, Tổng cục Thuế đã mời người này lên làm việc và số tiền truy thu thuế, tiền phạt là hơn 4 tỷ đồng.
Hay như liên quan tới dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet Netflix, theo dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Netflix cung cấp dịch vụ tại Việt Nam từ đầu năm 2016 với các gói có mức phí từ 180.000 đến 260.000 đồng/tháng. Đến nay, tổng số thuê bao trả phí cho Netflix ở Việt Nam đã đạt trên con số 300.000. Tính ra, mỗi năm, Netflix thu về hàng trăm tỷ đồng từ Việt Nam. Thế nhưng, Netflix tại Việt Nam hầu hết đăng kí sử dụng dịch vụ, thanh toán phí… đều thông qua phương thức trực tuyến, thẻ tín dụng.
Hiện hoạt động kinh doanh TMĐT có 3 nhóm lớn, gồm: Bán hàng thông qua trang mạng xã hội (bán hàng online); Có thu nhập thông qua hoạt động viết các ứng dụng, trò chơi và hưởng thu nhập từ quảng cáo qua các trang mạng xã hội (Facebook, Youtube...); Các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà thông qua các trang mạng điện tử (Agoda, Booking...). Trong 8 tháng năm 2020, cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế xác định có 5.000 tỷ đồng doanh thu từ các loại hình nói trên, trong đó, số thuế phải thu khoảng 93 tỷ đồng.
Cách nào truy thu được thuế xuyên biên giới?
Theo đại diện Tổng cục Thuế, hiện tại theo quy định, các doanh nghiệp TMĐT, cá nhân bán hàng trên Facebook, Zalo, Viber… nếu doanh thu bán hàng trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (ngưỡng doanh thu quy định hiện hành là từ 100 triệu đồng/năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
Quy định này đã được ban hành và có hiệu lực, nhưng đến nay, việc thu thuế vẫn gặp khó khăn. Bản thân cơ quan thuế cũng đã có một thời gian “ráo riết” gửi tin nhắn đến các chủ tài khoản kinh doanh qua mạng đến kê khai nộp thuế nhưng kết quả không như mong đợi. Chưa kể, hoạt động TMĐT không chỉ bó gọn trong phạm vi một nước, mà hướng tới những giao dịch xuyên biên giới.
Cụ thể, giao dịch giữa các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT thường là các giao dịch điện tử nên cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc thu thập dữ liệu. Để xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, cơ quan thuế phải phối hợp thu thập dữ liệu từ các cơ quan liên quan như ngân hàng, cơ quan truyền thông... Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu còn gặp nhiều hạn chế, chưa đầy đủ, một số ngân hàng, trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển từ chối cung cấp với lý do: Hệ thống công nghệ thông tin không đủ khả năng hỗ trợ, cung cấp; bảo mật thông tin khách hàng.
Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, ngành Thuế đã phối hợp với các đơn vị liên quan (các ngân hàng thương mại…) kiểm soát luồng tiền từ nước ngoài chuyển về cho các tổ chức, cá nhân (thực chất là chi trả lợi tức, thu nhập, lương…).
Ông Huy cho rằng, quan trọng nhất là sự phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để truy xuất dòng tiền thu nhập bất thường của các cá nhân, doanh nghiệp qua các nền tảng mạng xã hội.
“Cần có giải pháp, cơ chế để các tập đoàn đa quốc gia như Google, Facebook, YouTube phối hợp cung cấp thông tin giao dịch, dòng tiền chi trả cho các cá nhân ở Việt Nam. Từ đó, cơ quan thuế có thể tổng hợp, theo dõi một cách hiệu quả nhất”, ông Nguyễn Đức Huy nói.
Để quản lý, thu đúng, thu đủ thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, dịch vụ trực tuyến, ông Nguyễn Đức Huy cho biết, ngành Thuế sẽ phối hợp với Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông xác định nhân thân của người nộp thuế; thu thập dữ liệu từ các công ty trung gian vận chuyển, các ứng dụng trung gian vận chuyển; dữ liệu từ các ngân hàng, ví điện tử để xác định dòng tiền. Từ đó, ngành Thuế quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân tốt hơn.
Còn theo ông Vũ Mạnh Cường, sắp tới, ngành thuế áp dụng biện pháp nghiệp vụ để thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đối với những trường hợp chây ì không kê khai và nộp thuế. Đặc biệt, sẽ phối hợp với công an phường, xã xác minh nơi cư trú để nắm thông tin về đối tượng cố tình không nộp thuế.
“Chính sách Việt Nam đã có rồi và thực tế các doanh nghiệp đã kê khai và nộp thuế thông qua một đại diện tại Việt Nam. Thông qua đó, tổ chức phía Việt Nam sẽ nộp thuế phần thu nhập mà tổ chức nước ngoài nhận được ở Việt Nam”, ông Cường khẳng định.