“Năm 2022, nền kinh tế nói chung, khu vực doanh nghiệp nói riêng sẽ có nhiều cơ hội cho sự phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, mức độ và tốc độ phục hồi cũng như đà tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào mức độ cải cách thể chế, hiệu quả, kịp thời của việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ Chính phủ đã đề ra.
Đây là những chia sẻ của ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong cuộc trao đổi với phóng viên nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần.
Nghịch lý của thực tiễn
- Là người theo sát và tham gia đóng góp tích cực vào quá trình cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam trong tám năm qua, ông đánh giá như thế nào về các mục tiêu tại Nghị quyết 02 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn có thể còn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến thể mới?
Ông Phan Đức Hiếu: Trước hết phải khẳng định rằng Đảng, Quốc hội, Chính phủ vẫn rất nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Quốc hội đã họp bất thường thông qua việc sửa đổi, bổ sung 9 dự luật nhằm tháo gỡ kịp thời khăn cho sản xuất kinh doanh.
Chính phủ tiếp tục kiên trì, bền bỉ, nỗ lực cải cách và năm nay là năm thứ 8 liên tiếp (kể từ năm 2014), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đặc biệt, Nghị quyết 02 tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong năm 2022, như cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh đồng bộ với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của các tổ chức Moody’s, S&P và Fitch.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quyết tâm cải thiện Năng lực cạnh tranh 4.0 theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), như nâng xếp hạng chỉ số Kiểm soát tham nhũng lên 10 bậc, chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai lên ít nhất 1 bậc, chỉ số
Tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ lên 2-3 bậc; cải thiện về Năng lực Đổi mới sáng tạo theo xếp hạng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trong đó nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin và chỉ số Tuyển dụng lao động thâm dụng tri thức, chỉ số Giáo dục đại học lên ít nhất 5 bậc.
Tuy nhiên, kết quả cải thiện môi trường kinh doanh xét trên bình diện chung bị chậm lại bởi tác động của COVID-19 khi cả nước phải chia sẻ nguồn lực, thời gian, công sức cho công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua. Trong khi ngược lại, nền kinh tế bị suy giảm, cùng với yêu cầu phải ban hành các quyết sách nhanh và kịp thời trong phòng chống dịch lại đòi hỏi phải đẩy nhanh cải cách thể chế cả ở mức độ và tốc độ. Đây chính là nghịch lý của thực tiễn!
Ngoài ra, còn có sự không đồng đều, xu hướng ngược nhau trong nỗ lực, kết quả cải thiện môi trường kinh doanh. Ví dụ như so sánh với khu vực, quốc tế, nhiều lĩnh vực mặc dù có cải thiện song thứ hạng của Việt Nam trên một số khía cạnh vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc (năm 2021 so sánh với năm 2020), như chỉ số Đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc từ thứ 42 xuống 44, Quyền tài sản tụt hạng 78 xuống 84, Cảm nhận tham nhũng giảm từ 96 xuống thứ hạng 104….
Hay giữa các địa phương khác nhau thì mức độ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển kinh tế cũng khác nhau, có địa phương rất nỗ lực, đạt kết quả tốt mặc dù cũng bị tác động bởi dịch bệnh, nhưng có địa phương dù không bị tác động của dịch vẫn ít có sự cải thiện.
Dư địa thời gian cải cách không còn nhiều
- Trên thực tế, các mục tiêu tại Nghị quyết đã nêu rất rõ về mặt định lượng, song thể chế là do con người thực hiện. Vì vậy, ông có niềm tin khu vực hành chính “sẵn lòng”nỗ lực hoàn thành mục tiêu đặt ra trước áp lực mất đi những nguồn thu nhập thông qua việc nhũng nhiễu, tham nhũng trước đó?
Ông Phan Đức Hiếu: Cần nhấn mạnh lại rằng bối cảnh mới đòi hỏi lực lượng quản lý Nhà nước phải nâng cao năng lực, chất lượng phục vụ mới có thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Hiện tại, chúng ta bị áp lực rất lớn về dư địa thời gian và nếu không tăng tốc độ và mức độ cải cách lên rất nhiều, Việt Nam sẽ bị chậm và lạc nhịp so với khu vực.
Đây là một thực tế đồng thời là thách thức của quá trình cải cách. Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện khiến khu vực công chức, viên chức mất dần những cơ hội tạo đặc quyền, đặc lợi... đồng thời có thể vất vả hơn, áp lực hơn trong công việc. Đây là một lực cản lớn tác động đến tốc độ cũng như chất lượng của cải cách.
Tuy nhiên, tôi có niềm tin vào sự cải thiện đối với vấn đề này trong thời gian tới nếu chúng ta có thêm cách làm. Bởi, bằng chứng thực tế cho thấy từ khảo sát cộng đồng doanh nghiệp của VCCI năm 2021 cho thấy gánh nặng chi phí không chính thức nhìn chung giảm dần, trong đó một số tỉnh giải quyết tốt vấn đề này để có được cải cách mạnh mẽ, như Quảng Ninh, Đồng Tháp, …Quan sát từ thực tiễn tốt, tôi cho rằng trên hết vẫn là vai trò của người đứng đầu các cơ quan.
Nếu người lãnh đạo gương mẫu, quyết liệt, sâu sát và hiểu rõ về yêu cầu cũng như phương thức cải cách, từ đó đặt mình vào trong quá trình này thì sẽ tạo ra sự lan tỏa, động lực và thúc đẩy cải cách, vượt qua thách thức.
Bên cạnh việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu đã phát huy hiệu quả, Chính phủ có thể cân nhắc thêm “cơ chế cải cách từ trên áp xuống,” như thành lập bộ phận cải cách thuộc Chính phủ với các đơn vị chuyên môn cao, chủ động nghiên cứu, đề xuất, thực hiện cải cách, đặc biệt trong lĩnh vực liên ngành, liên cơ quan.
Việc cải thiện và tạo lập môi trường làm việc tốt có tác động tạo động lực đáng kể thay đổi hành vi cán bộ, thúc đẩy cải cách - đó là môi trường làm việc khách quan, công bằng và sự đánh giá phải dựa trên năng lực thực sự của cán bộ. Như vậy, vai trò lãnh đạo và tập thể lãnh đạo rất quan trọng.
- Bước sang thềm năm mới Nhâm Dần, trước vận hội mới, ông đặt kỳ vọng vào những yếu tố cơ bản nào sẽ thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước hồi phục bền vững?
Ông Phan Đức Hiếu: Mặc dù dịch COVID-19 dự đoán vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường nhưng nhìn chung các nước đã có những phương thức, cách thức hiệu quả cùng với năng lực nhất định để ứng phó và thích ứng với dịch trong tổ chức sản xuất và đời sống xã hội.
Trong nước, Chính phủ đã rất nỗ lực ban hành và thực thi nhiều giải pháp, biện pháp phòng chống dịch hiệu quả đồng thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; trong đó một số biện pháp đã có tác động tích cực đến doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đặc biệt gần đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/ 2022/QH15 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Các chuyên gia, doanh nghiệp cũng có những đánh giá cao về biện pháp hỗ trợ này và cho rằng cùng với Chiến lược phòng chống COVID-19 sớm được ban hành, những chính sách này sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, bản thân khu vực doanh nghiệp có xu hướng tự sàng lọc, tự tái cơ cấu duy trì doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh. Thời gian qua, nhiều lĩnh vực chứng kiến đồng thời các doanh nghiệp rút lui cùng số lượng lớn doanh nghiệp khác gia nhập thị trường.
Cùng nhiều yếu tố khác, đây là các cơ hội để nước ta và cộng đồng doanh nghiệp khôi phục đời sống, hoạt động sản xuất và phát triển.
Tuy nhiên, mức độ tác động của các yếu tố trên đến phục hồi và tăng trưởng sẽ phụ thuộc lớn vào việc hiệu quả tổ chức thực hiện các giải pháp đã đề ra và sự chủ động, tích cực của doanh nghiệp trong sử dụng nguồn lực hỗ trợ.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.