Về kinh phí thực hiện đề án, nguồn lực từ ngân sách sẽ dành ưu tiên cho phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, dự kiến khoảng 52.489 tỷ đồng. Theo Sở GTVT TPHCM, đề án khi thực hiện sẽ giảm ùn tắc giao thông, giảm thời gian đi lại, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, xây dựng hình ảnh TP văn minh, hiện đại. Khi giảm phương tiện cá nhân và tăng sử dụng phương tiện công cộng, sẽ góp phần tiết kiệm chi phí chung của xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hãy nhìn sang các nước phát triển trong khu vực như Singapore, Malaysia… với hạ tầng giao thông rất tốt, chuyện xe máy chạy ngoài đường rất hiếm, người dân di chuyển trong các TP chủ yếu bằng phương tiện vận tải công cộng, như tàu điện ngầm, xe buýt…
Nhưng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, nguồn lực đầu tư từ ngân sách còn khó khăn, điều kiện hạ tầng giao thông còn rất hạn hẹp - như ở TPHCM, chủ trương cấm xe cá nhân, nhất là xe máy như lộ trình nêu trên nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng lắm ý kiến phản đối cho là chưa hợp lý.
Thực tế ở đô thị lớn nhất nước như TPHCM, có tới hơn 90% người dân đang sử dụng xe máy làm phương tiện giao thông chính, họ đang làm ăn, sinh sống phụ thuộc rất lớn vào loại phương tiện này. Cấu trúc các tuyến đường nội ô TPHCM chủ yếu là đường nhỏ, hẻm, chỉ phù hợp cho xe máy mà không hề phù hợp với ô tô cũng như phương tiện công cộng. Nếu ngành chức năng muốn biến toàn bộ TP thành một nơi không có xe máy, nhất thiết phải cải tạo lại cấu trúc hạ tầng của TP.
Hiện nay có thể thấy TP lúc nào cũng chật cứng các loại phương tiện giao thông cá nhân, xe buýt cồng kềnh, mỗi lúc đầu giờ đi làm hay giờ tan tầm xe nhích từng chút một, người dân đi trên loại phương tiện này vô cùng sốt ruột vì trễ nãi công việc. Chính vì vậy xe buýt cũng không thu hút người dân đi nhiều, mỗi năm người đi xe buýt ở TP lại giảm đi một ít, điều này đồng nghĩa phương tiện cá nhân tăng lên. Trong lúc này, các tuyến metro đang thi công, người dân vẫn chưa thấy ngành GTVT tổ chức các tuyến đường kết nối với metro.
Như vậy khi di chuyển vào trung tâm TP bằng phương tiện metro, người dân gửi xe máy ở đâu trong khi lòng, lề đường chưa giải quyết được? Vậy nên chăng, trước khi đưa ra đề án cho đến lúc cấm xe mô tô và xe máy, Sở GTVT phải làm tốt và chi tiết những công việc như phát triển hạ tầng giao thông kết nối, phương tiện giao thông công cộng, tổ chức giao thông hợp lý, bố trí lại lề đường cho người đi bộ.
Để hạn chế xe máy, qua đó nâng cao ý thức giảm thiểu ô nhiễm môi trường do sử dụng phương tiện cá nhân, TP cần mang lại cho người dân hệ thống giao thông công cộng hiện đại, văn minh, giá rẻ. Lúc đó tự động người dân sẽ dừng đi xe máy, chuyển sang đi phương tiện giao thông công cộng. Trong xu thế chung, ngành chức năng và người dân TP phải coi xe buýt là loại hình công cộng chiến lược trong tương lai.
Nói như TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, việc hạn chế xe máy phải có một tiến trình lâu dài theo năng lực tài chính của TP, chứ không thể “cưỡng bức”. Quyền đi lại, quyền chọn phương tiện là của mỗi người dân, tạo điều kiện như thế nào để họ chọn phương tiện là việc của Nhà nước. Nếu có hệ thống đường sá tốt, hệ thống giao thông công cộng thông các tuyến đường, người dân TP sẽ chọn phương án đi xe công cộng, bằng ngược lại “cưỡng bức” sẽ dễ làm mất lòng dân.