Dịch bệnh covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là khi đã có hơn 100 ca nhiễm Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong một số khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Đà Nẵng. Cùng với đó, nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ, kinh tế hộ gia đình bị hạn chế để phòng, chống dịch. Nhiều chuyên gia cho rằng, mức độ ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống là rất lớn, cần có ngay các biện pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Theo các chuyên gia phải triển khai ngay các yêu cầu của Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh quốc gia về việc xây dựng “Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19” tại các nhà máy, cơ sở sản xuất tại địa phương. Bên cạnh đó, cần ban hành “hướng dẫn phòng, chống đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng”… nghiên cứu để có ngay các chính sách hỗ trợ cho những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh.
Bộ Công Thương đã yêu cầu Cục Điều tiết điện lực xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; miễn giảm tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm Covid-19 theo danh sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cũng cần tính đến việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng điện nói chung, với các điều kiện, thủ tục đơn giản, thuận tiện.
“Hiện nay đa số các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất đều có sử dụng điện. Nhà nước có thể xem xét bằng việc hỗ trợ thông qua tiêu dùng điện? Ví dụ, với những hóa đơn sử dụng điện của doanh nghiệp nhà nước có thể hỗ trợ ở mức độ chi trả là bao nhiêu %, như vậy doanh nghiệp không cần phải có những hồ sơ để chứng minh bị thiệt hại hay ảnh hưởng của dịch bệnh mà vẫn có thể được hưởng các lợi ích từ chính sách hỗ trợ của nhà nước một cách thiết thực” - ông Trần Thanh Hải nói.
Đánh giá cao các chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người dân nói chung trước tác động của dịch Covid-19 thời gian qua, từ các gói chính sách về tài chính tín dụng, thuế đến cho vay hỗ trợ người lao động… Tuy nhiên, các chuyên gia đều khẳng định có quá nhiều thủ tục rườm rà, điều kiện khắt khe khiến nhiều chính sách chưa đến kịp được với doanh nghiệp và người dân.
"Thời gian tới, cần phải duy trì những gói này ở mức độ và cách nhìn nhận phải cải thiện, theo hướng chung của thế giới là tăng quy mô, tăng đối tượng, giảm điều kiện và ngăn chặn sự lạm dụng cũng như cải cách thủ tục hành chính để số hóa những gì có thể để giảm thiểu chi phí đi lại khi tiếp xúc không cần thiết, để từ đó giúp cho các doanh nghiệp và người dân tiếp cận tốt hơn", TS Nguyễn Minh Phong đề xuất.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh, chính sách cần được các bộ, ngành, địa phương phối hợp đồng bộ để doanh nghiệp có thể tiếp cận được một cách nhanh nhất.
“Chúng ta thấy Nghị định 52 của Chính phủ mới ban hành đã mở rộng đối tượng cho một số lĩnh vực, nhưng thời hạn vẫn là giãn, hoãn từ 3 - 6 tháng. Tuy nhiên, tôi kiến nghị là cần đơn giản hóa thủ tục. Khâu truyền thông phải thực hiện tốt hơn, đặc biệt là khâu hướng dẫn cho doanh nghiệp phải sát hơn và nhanh hơn” - ông Cấn Văn Lực nói.
Còn dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, cần đơn giản hóa các thủ tục để đưa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước phải được triển khai ngay, bởi doanh nghiệp và người dân không thể chờ đợi trước diễn biến khó lường của dịch bệnh để tồn tại, nhất là khi các biện pháp hỗ trợ của chúng ta đang được thực hiện trong một thời gian ngắn – đòi hỏi tính kịp thời, đúng thời điểm là vô cùng quan trọng.