Tận dụng tối đa nguồn tài nguyên
Đợt giám sát mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM về quy hoạch và thực hiện quy hoạch trên địa bàn TPHCM, nhiều đại biểu yêu cầu làm rõ một số vấn đề như: bồi thường giải phóng mặt bằng, tích hợp quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn và quy hoạch sử dụng đất để đồng bộ thống nhất, làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Về không gian ngầm, theo ông Trương Trung Kiên, đã cập nhật xác định ranh giới không gian ngầm để phục vụ các hoạt động công cộng như: nhà ga metro, các tòa nhà đều có quy định kết nối đồng bộ đầu mối giao thông. Hiện thành phố đang chuẩn bị thi ý tưởng thiết kế không gian ngầm khu vực trung tâm thành phố và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Liên quan đến việc người dân không biết nhà, đất nằm trên quy hoạch cây xanh hay quy hoạch hỗn hợp, đất quy hoạch dân cư xây dựng mới, Phó Giám đốc Sở QH-KT Trương Trung Kiên cho hay, thực tế trong hệ thống quy hoạch, thành phố có dành ra một số chức năng quy hoạch là đất hỗn hợp, chức năng, nhằm mục tiêu mềm hóa quy hoạch tại các địa phương. Cụ thể, những nội dung đất hỗn hợp gồm có cây xanh, công trình công cộng, công trình xã hội, tạo điều kiện cho các quận, huyện phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên, hiện nay có trường hợp các quy hoạch hỗn hợp chưa được chi tiết hóa. Vì vậy, với những dự án, những địa điểm này, Sở QH-KT và các quận, huyện rà soát để có những xem xét điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, một số vị trí vẫn còn yêu cầu phát triển trong tương lai thì đề nghị giữ nguyên và sẽ có chi tiết hóa hơn. Còn với một số dự án còn bất cập thì quận, huyện, sở, ngành tham mưu cho thành phố điều chỉnh quy hoạch để không gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình, hiện thành phố đang lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo quy định của Luật Quy hoạch. Nhiệm vụ quy hoạch thành phố đến nay đã được xây dựng hoàn chỉnh, bài bản trên cơ sở tiếp thu ý kiến từ các cấp, các ngành, nhân sĩ, trí thức và các cơ quan trung ương. Dự kiến, thành phố sẽ sớm trình thẩm định và phê duyệt trong quý 1 năm 2022.
Liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, đồng chí Lê Hòa Bình cho biết, hiện nay nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Thành phố đang tiến hành các bước tiếp theo để lập đồ án điều chỉnh quy hoạch trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.
Về việc triển khai thực hiện các quy hoạch, TPHCM tiếp tục chỉ đạo Sở QH-KT phối hợp với các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát, đánh giá quá trình thực hiện đối với đồ án đã được duyệt quy hoạch quá 5 năm để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.
Cùng với đó, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý kiến trúc chung của thành phố (thay thế Quyết định 29/2014 sẽ hết hiệu lực) và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm. TPHCM cũng đang xây dựng thiết kế đô thị xung quanh khu vực nhà ga các tuyến metro số 1, 2 và các khu vực trọng tâm để xác định quỹ đất kêu gọi đầu tư và chỉnh trang đô thị; tiến hành tổ chức thi tuyển ý tưởng quốc tế và hoàn thành quy hoạch không gian ngầm khu trung tâm hiện hữu (930ha), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (657ha) và các khu đô thị mới khác.
Đáng chú ý, TPHCM đang cho điều chỉnh quy hoạch phân khu của các Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Khu đô thị du lịch biển huyện Cần Giờ…
Đối với công tác lập - điều chỉnh quy hoạch, lập quy chế và thiết kế đô thị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình cho hay, TPHCM có nhiều biện pháp để cải thiện chất lượng các đồ án. Trong đó, chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể 41 đồ án quy hoạch phân khu đã được duyệt trước đây.
Đồng thời, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đối với 194 khu vực quy hoạch và tuyến đường giao thông; đã lập, điều chỉnh quy hoạch một số khu vực quan trọng của TPHCM như: các đồ án quy hoạch 1/5000 Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Hiệp Phước; quy hoạch 1/2000 khu trung tâm hiện hữu…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai thực hiện công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.
Tiến độ công tác lập và điều chỉnh quy hoạch chưa theo kịp với yêu cầu phát triển; chất lượng và tính khả thi của một số đồ án quy hoạch chưa cao; hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, chưa theo kịp để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; công tác quản lý quy hoạch còn xảy ra sai phạm; việc triển khai thực hiện các dự án đô thị chưa theo lộ trình và chưa đáp ứng yêu cầu…
Nhằm đẩy nhanh công tác quy hoạch, TPHCM mong muốn Chính phủ, các bộ ngành liên quan rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, quy chuẩn quy hoạch mới và có quy định đặc thù cho thành phố.
Quy hoạch lạc hậu Từ năm 2012, TPHCM đã cơ bản hoàn thành việc phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 - 1/5000. Tổng cộng có 600 đồ án với quy mô hơn 88.000ha, cơ bản đáp ứng nhu cầu quản lý, phát triển đô thị, kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. |