Chỉ chấp nhận rủi ro thương trường
Với 4 “chìa khóa” này, người kinh doanh được bảo vệ khỏi những rủi ro pháp lý, thể chế, rủi ro hành chính…, chỉ phải đối diện với rủi ro thương trường. Có như vậy, nhà đầu tư mới sẵn lòng bỏ tiền của, tận công, tận sức đầu tư sản xuất kinh doanh.
Đối chiếu với thực tế nước ta, điểm đáng ghi nhận nhất là tự do kinh doanh đã được cải thiện ở mức chấp nhận được, hướng đến nguyên tắc được phép kinh doanh những gì luật không cấm - tôi nhấn mạnh là luật, chứ không phải “pháp luật”. Nghĩa là các văn bản dưới luật không được phép “cấm”. Không thể phủ nhận là thứ hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam có xu hướng tiến bộ trong những năm qua và Việt Nam đang là một trong những điểm đến khá hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Ở điểm này, cần lưu ý là cuộc sống luôn phát triển, luôn phát sinh thêm những ngành nghề mới, vậy phương pháp tư duy phải là “chọn bỏ”, nghĩa là quy định những điều cấm và hễ không cấm thì được làm.
Tuy nhiên, đó mới chỉ bàn đến doanh nghiệp được làm gì. Khi nói đến môi trường kinh doanh, cần phân tích cả các yếu tố doanh nghiệp được làm như thế nào, với quy mô ra sao và phục vụ ai. Và, khúc mắc bắt đầu xuất hiện ở việc doanh nghiệp được làm như thế nào khi mà ở lĩnh vực chưa có quy định, quy trình thì doanh nghiệp phải đối diện với rủi ro rất lớn là hỏi đâu bị bắt lỗi tới đó.
Các nước tiên tiến không quản lý như vậy. Họ quản lý theo đầu ra, yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; còn dùng cách gì là việc của doanh nghiệp. Như thế mới phát huy được khả năng sáng tạo vô hạn của người dân, doanh nghiệp.
Tương tự như thế với 2 yếu tố là quy mô và phục vụ những ai. Đây là việc mà nhà đầu tư toàn quyền quyết định trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thị trường và phải chấp nhận có thất bại, có thành công.
Bảo đảm an toàn và minh bạch
Nhìn vào kết quả một số khảo sát đánh giá, cảm nhận của doanh nghiệp vừa được công bố gần đây, người ta có thể thấy những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đã đem lại một số kết quả tích cực, song vẫn chưa thể nói là đã an toàn như mong muốn.
Các quy định vẫn tầng tầng lớp lớp, điều chỉnh bằng nhiều tầng văn bản quy phạm pháp luật mà không hiếm trường hợp luật đá luật, các nghị định điều chỉnh cùng một hoạt động “chỏi” nhau và thông tư thì mâu thuẫn với nghị định… Tuy đã giảm, nhưng vẫn không ít trường hợp luật một đằng, thực thi một nẻo. Hệ thống pháp luật của ta, từ luật xuống nghị định, thông tư, trong đó có tình trạng một luật có đến chục thông tư và khi thông tư quy định khác luật thì cơ quan quản lý lại áp dụng thông tư chứ không áp dụng luật. Đây là một thực tế rất rủi ro và phiền hà cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, nếu có tranh chấp xảy ra trong kinh doanh, nhiều doanh nghiệp tìm đến các mối quan hệ quen biết để tìm kiếm sự “bảo trợ” chứ không tìm đến tòa án vì có một thực tế là quá trình tố tụng rất mệt mỏi.
Về tính bình đẳng cũng vậy, có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, đều đang bất lợi hơn so với doanh nghiệp nước ngoài. Có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, các doanh nghiệp nước ngoài lại đang được hưởng khá nhiều ưu đãi mà ít phải chịu sự giám sát hay thanh tra, kiểm tra, ít phải chịu các chi phí không chính thức hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều rủi ro, bất định và tính cạnh tranh giữa các nền kinh tế trong thế giới hội nhập ngày càng cao như hiện nay, có lẽ cải thiện, cải biên, cải tiến… vẫn chưa đủ, mà cần kiến tạo lại môi trường kinh doanh. Cần quán triệt tư duy pháp luật được xây dựng là để nâng đỡ, phát triển; tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, chứ không lấy quản lý, áp chế làm trọng.
Ví dụ, khi ban hành một chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ, hiện doanh nghiệp vẫn phải tự tìm đến, tự làm hàng loạt thủ tục để được xét duyệt xem có đủ điều kiện được hỗ trợ, ưu đãi hay không... Trong khi với lối tư duy kiến tạo, cởi mở hơn, doanh nghiệp có thể đương nhiên được hỗ trợ mà không cần phải qua xét duyệt hay chờ đợi. Đã có nhiều doanh nghiệp chết yểu vì quá nhiều rủi ro mà nguồn hỗ trợ thì vẫn còn xa vời.
Một giải pháp hết sức hiệu quả hiện nay là tăng cường tính kết nối hạ tầng. Khi nghiên cứu về vùng kinh tế Đông Nam bộ, chúng tôi nhận thấy khu vực này có vô số tiềm năng vẫn chưa được tận dụng vì thiếu kết nối.
Đơn cử như hệ thống cầu đường phục vụ hàng hóa xuất khẩu từ Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai... đến những hải cảng lớn, phải sử dụng container, mà phải xếp được 3 lớp container mới hiệu quả nhưng các cầu không cho phép, hệ thống đường sá không đồng nhất giữa các tỉnh thành. Nếu đầu tư công từ Trung ương được rót vào đây để giải tỏa những điểm tắc này thì đó sẽ là một cú hích đúng lúc, đúng chỗ, tạo lực đẩy rất tốt cho nền kinh tế.