Tuy nhiên, để tạo động lực có tính đột phá cho tăng trưởng, Việt Nam cần phát triển cả kinh tế số và kinh tế xanh, trong đó cả 2 đều chung mục tiêu và cùng hỗ trợ nhau.
PHÓNG VIÊN: - Mô hình tăng trưởng xanh là xu hướng chung của thế giới và Việt Nam không thể ngoài cuộc. Ông nhận định thế nào về thuận lợi, hạn chế của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh?
PGS.TS VŨ MINH KHƯƠNG: - Thực tế nhiều quốc gia đã áp dụng mô hình tăng trưởng xanh từ rất lâu, và họ đã tạo ra được thành quả rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Vì thế, nếu chúng ta không chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh, vẫn giữ mô hình tăng trưởng cũ, tức nền kinh tế chỉ chú trọng mở rộng, không chú trọng đến năng suất, Việt Nam sẽ bị hụt hơi so với thế giới. Thí dụ, Việt Nam có lợi thế về nhân công giá rẻ nhưng lợi thế này hiện không còn. Hay tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM luôn xảy ra tình trạng tắc đường, không khí ô nhiễm, sẽ rất khó thu hút nhà đầu tư.
Hiện tại, Việt Nam có nhiều lợi thế về các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Australia... đều rất chú trọng các chỉ tiêu xanh, sản phẩm xanh, hàng hóa xanh. Nếu chúng ta chậm thay đổi có thể sẽ mất các bạn hàng lớn. Trước thực tế này, tôi cho rằng tăng trưởng xanh là con đường Việt Nam cần phải làm và làm nhanh để bắt kịp với thế giới.
Về lợi thế trong chuyển đổi xanh, tôi cho rằng đầu tiên là quyết tâm chính trị của các cấp lãnh đạo Trung ương tới địa phương rất cao, chủ trương cũng rất nhất quán. Tôi đã có nhiều dịp trao đổi với giới chức, chuyên gia nước ngoài về vấn đề này, họ đều rất ấn tượng và không nghĩ Việt Nam lại quyết liệt như thế. Tiếp đó là nguồn lực, bao gồm nhân lực và vốn.
Cũng chính vì quyết tâm, chúng ta có lợi thế nữa là nhận được nhiều hỗ trợ từ nước ngoài về cả nguồn lực lẫn vật lực. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có chất lượng, tập trung vào những lĩnh vực có tính chất then chốt trong chuỗi cung ứng sản xuất của khu vực cũng như thế giới.
Tuy nhiên, đi đôi với những lợi thế là những hạn chế, mà lớn nhất là trong quá trình chuyển đổi này chúng ta chưa có “kiến trúc sư” chính thiết kế nền móng cho tăng trưởng xanh. Điều này khiến quá trình tổ chức thực hiện cho tăng trưởng xanh vẫn còn chậm. Bên cạnh đó, pháp lý của Việt Nam vẫn còn phức tạp, ảnh hưởng tâm lý không nhỏ cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ động tìm kiếm con đường tăng trưởng bền vững.
Kinh tế số và kinh tế xanh đều có chung mục tiêu, là động lực để giúp duy trì tăng trưởng và phát triển kinh tế theo hướng xanh bền vững.
- Ông đã từng nói Việt Nam cần đẩy mạnh kinh tế số. Nay chúng ta chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh. Để chọn hướng đi phù hợp cho tăng trưởng xanh, theo ông cần chọn mô hình nào?
- Tôi cho rằng 2 mô hình này thực chất là 2 trụ cột quan trọng, có tính chất đột phá của tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay. Cả 2 đều có chung mục tiêu là động lực để giúp duy trì tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Việt Nam cần xây dựng cả 2 trụ cột này.
Cụ thể, Việt Nam phải đón nhận và vận dụng mô hình trên ở cả 2 thế “công” và “thủ”. “Công” ở đây có nghĩa là CMCN 4.0, là cơ hội cực kỳ quý hiếm, mà theo “lý thuyết đuổi bắt” đây là thời cơ vô giá để các nước còn nghèo như Việt Nam tận dụng cơ hội để vượt lên phát triển.
Còn “thủ” là Việt Nam cần có cái thế nhất định để nắm bắt, để không bị thua thiệt. Nghĩa là, để nắm bắt được ta phải trang bị những gì, nền tảng gì để tương thích với nó.
Tôi tin rằng nếu nhận thức được rõ ràng và đầy đủ, từ đó làm tốt điều này, Việt Nam sẽ thành công trong việc bứt phá vươn lên phát triển ngoạn mục, trở thành một trong những “con rồng” của châu Á.
- Để chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh hiệu quả, đạt được mục tiêu phát triển bền vững, theo ông cần những giải pháp gì?
- Như tôi đã nói, hạn chế lớn nhất của chúng ta là chưa có “kiến trúc sư” tạo nền móng cho tăng trưởng xanh, hay nói cách khác cách tổ chức thực hiện của chúng ta vẫn còn chậm.
Vì vậy, để tiến đến tăng trưởng xanh, Việt Nam cần tìm được vị “kiến trúc sư” này. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và các giải pháp tăng trưởng xanh ở nước ngoài, hoặc phối hợp, liên kết với các chuyên gia trong và ngoài nước, nhất là các quốc gia hàng đầu về lĩnh vực này như Singapore, để tìm kiếm giải pháp phù hợp với Việt Nam. Trong khoảng thời gian chờ đợi đó, Việt Nam cần phải làm ngay việc xây dựng các tiêu chí, cam kết của doanh nghiệp trong việc giảm phát thải ra môi trường.
Đơn cử, với các doanh nghiệp sản xuất thép, phải cam kết lộ trình giảm phát thải, năm nay giảm bao nhiêu, năm sau giảm bao nhiêu. Nếu doanh nghiệp thực hiện được thì thưởng, không thực hiện được tùy từng mức độ có các biện pháp nhắc nhở, khắc phục, thậm chí xử phạt.
Điều này có thể tạo ra cuộc chạy đua trong việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh ngay từ chính các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chú trọng vào ý thức, trách nhiệm và sự đồng thuận từ cộng đồng, cụ thể là nhận thức của người dân. Bởi nếu chúng ta cứ hô hào tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, nhưng người dân vẫn vứt rác thải bừa bãi, đâu thể gọi là kinh tế xanh.
Do đó, Việt Nam cần bắt đầu từ thứ nhỏ nhất, là tạo ra cuộc cách mạng từ chính ý thức của người dân.
Để tận dụng tối đa cơ hội và nguồn lực, biến nó thành động lực chủ đạo cho sự phát triển, theo tôi điều cần làm hiện nay là phải dốc toàn lực để sử dụng, phát triển công cụ chiến lược này. Đơn cử về nguồn nhân lực, ở thời điểm hiện tại phải nói khá dồi dào. Nhưng để kiến tạo cho nguốn nhân lực này ở đẳng cấp cao hơn, có năng lực và trình độ cao hơn, chúng ta vẫn thiếu giải pháp một cách hệ thống.
Cái yếu nhất hiện nay là mọi người đều năng động làm mọi thứ, nhưng để biến thành sức mạnh cộng hưởng còn nhiều hạn chế. Đây là những rào cản cần sớm được tháo gỡ.
- Xin cảm ơn ông.