PHÓNG VIÊN: - Ngày 18-10, Bộ VH-TT-DL đã ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP trong hoạt động VH-TT-DL. Theo ông hướng dẫn này có thể giải bài toán thiếu đồng bộ giữa các địa phương về các tiêu chí an toàn du lịch?
Ông NGUYỄN QUỐC KỲ: - Nghị quyết 128 của Chính phủ đã giúp tháo gỡ những ách tắc xuất hiện trong đợt dịch lần thứ 4, đồng thời đưa chúng ta chuyển sang giai đoạn mới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19.
Đáng tiếc, khi triển khai xuống các địa phương, mỗi nơi tùy theo tình hình của mình lại có những tiêu chí riêng. Điều này dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong triển khai, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế nói chung, khiến hiệu quả thực thi Nghị quyết bị thu hẹp.
Để đảm bảo Nghị quyết 128 được thực thi thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, đảm bảo kết nối giữa các địa phương với nhau cần có thêm kế hoạch tổng thể. Trên cơ sở đó, mỗi bộ ngành sẽ có những hướng dẫn cụ thể cho các lĩnh vực mình phụ trách.
Hiện tất cả 63 tỉnh đã hoàn tất đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 128, phân rõ tỉnh nào thuộc vùng màu nào (xanh, vàng, cam, đỏ).
Theo đó, cả nước có 26 tỉnh, thành đang ở cấp độ dịch 1 (màu xanh, bình thường mới), 37 tỉnh, thành phố ở cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình), không có địa phương ở cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao) và cấp 4 (vùng đỏ, nguy cơ rất cao).
Từ phân định vùng màu này sẽ chỉ rõ khu vực đó được làm gì, không được làm gì, mở đến đâu, kế hoạch phân bổ vaccine như thế nào. Như vậy sẽ tránh được việc mỗi địa phương thực hiện Nghị quyết 128 theo tiêu chí của riêng mình.
Thí dụ, mới đây Bộ Giao thông-Vận tải đã mở lại toàn bộ chặng bay trên cả nước, hành khách và trẻ em đi cùng không cần tiêm đủ liều vaccine, chỉ cần có xét nghiệm âm tính. Thế nhưng người bay vẫn bị điều chỉnh bởi quy định của 2 địa phương (đầu đến - đi) khác nhau. Việc này khiến du khách cảm thấy chán nản không muốn đi du lịch.
- Không chỉ gặp khó với việc thiếu đồng bộ giữa các địa phương, ngành du lịch sẽ còn vấp phải nhiều khó khăn khác nữa, thưa ông?
Trợ lực cho doanh nghiệp bật dậy cần giải bài toán tổng thể, trong đó chú ý đến bài toán dân sinh. Nên chăng cần có nghị quyết riêng về khôi phục và phát triển du lịch. |
Chúng ta luôn nói an toàn để đi du lịch, du lịch phải an toàn, có nghĩa yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu. Song hiện nay vẫn chưa có truyền thông chính thống giải tỏa tâm lý cho người dân, để họ hiểu rõ phạm vi nào là an toàn, hay khi đã tiêm đủ vaccine và thực hiện 5K sẽ được tự do đến mức độ nào.
Đơn cử, truyền thông cho hình ảnh của TPHCM sau dịch chưa được làm mạnh mẽ. Trước câu hỏi TPHCM hiện có an toàn không, câu trả lời là rất an toàn vì tỷ lệ tiêm 2 mũi vaccine cao đạt miễn dịch cộng đồng.
Còn nếu tiêm chưa an toàn, đẩy mạnh tiêm chủng làm gì. Khi truyền thông chưa làm cho người dân nhận thức được điều này, họ sẽ ngần ngại đi du lịch.
Ngoài ra, hiện việc mở cửa của các địa phương cho du lịch cũng rất hạn chế. Khách đi du lịch để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí. Trong khi đó, nhiều địa phương vì lo ngại an toàn nên các hoạt động mở rất chậm, sẽ đánh mất lợi thế du lịch, mất lợi thế thu hút dòng tiền từ du khách.
Theo quan điểm của tôi nếu địa phương nào chưa giải quyết được các băn khoăn, chưa thể mở cửa các hoạt động du lịch thì chưa vội mở. Khi chưa mở chúng ta còn có cơ hội chứ mở nhưng chưa chuẩn bị tốt sẽ mất cơ hội. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nếu thiếu hụt dịch vụ du lịch khó trở lại.
Bản thân doanh nghiệp trong ngành du lịch đã kiệt sức. Theo thống kê sau 4 đợt dịch có khoảng 30-40% doanh nghiệp mảng lữ hành rời thị trường vĩnh viễn, số doanh nghiệp hoạt động thực sự chỉ còn 10-15%, còn mảng nhà hàng, khách sạn gần như “ngủ đông”. Dịch đã kéo toàn thị trường lùi lại rất sâu, dự báo phải đến năm 2023 du lịch mới trở lại như năm 2019.
Một số ý kiến cho rằng hiện các doanh nghiệp như những lò xo nén sau dịch sẽ bật lại rất nhanh. Nhưng thực tế sau 4 lần nén, lò xo đã giãn, phần đông các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp du lịch không còn lực để bật dậy nhanh.
Vì thế, để giúp trợ lực cho doanh nghiệp bật dậy cần giải bài toán tổng thể, trong đó chú ý đến bài toán dân sinh. Chỉ khi người dân có tiền chi tiêu, doanh nghiệp mới có thể hoạt động trở lại.
Thời gian qua Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ thế nhưng quy mô còn nhỏ, thực hiện thiếu đồng bộ, thời gian giải ngân chậm. Chúng ta cần những gói lớn hơn, trợ cấp được trả trực tiếp vào tài khoản lương thông qua thẩm định với doanh nghiệp.
Chỉ có như vậy mới kích thích người dân chi tiêu, từ đó thúc đẩy nền kinh tế. Bên cạnh gói an sinh cho người dân cần những chương trình cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, giúp họ có thêm tiềm lực quay lại thị trường.
- Quá nhiều khó khăn cho sự phục hồi của ngành du lịch. Vậy có điểm sáng nào, thưa ông?
- Thuận lợi được nhìn thấy là mong muốn được đi du lịch trở lại của nhiều người dân, mong muốn ngành du lịch sẽ sớm phục hồi. Tuy nhiên, nó lại bị trì kéo bởi những điều như tôi đã nói là tâm lý lo sợ của người dân và tâm lý “an toàn” của các địa phương.
Để du lịch hồi phục trở lại cần bước đi dài, nhanh, mạnh, dứt khoát của Chính phủ, trong đó đầu tiên phải mở được hệ thống dịch vụ, vận chuyển và giải quyết câu chuyện đồng bộ, xuyên suốt giữa các địa phương.
Khôi phục ngành du lịch không thể nhanh nhưng cũng không thể chậm hơn được nữa vì các nước trong khu vực đã tái khởi động. Lâu nay du lịch vẫn được coi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn vì những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế nói chung.
Trong bối cảnh hiện nay ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch cần được bàn thảo kỹ hơn về cách thức phục hồi và giải quyết các nút thắt. Đặc biệt, nên chăng cần có nghị quyết riêng về khôi phục và phát triển du lịch.
- Xin cảm ơn ông.