PHÓNG VIÊN: - Nhiều lần bà đã từng nhận xét, thiếu vốn để tái sản xuất, đầu tư, kinh doanh đã và đang là một trong những khó khăn ngắn hạn DN trong nước đang phải đối mặt. Động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa rồi có giải quyết được vấn đề trên?
TS. NGUYỄN MINH THẢO: - Chính sách NHNN mới đây nới room tín dụng được xem là dư địa để DN có thể tiếp cận vốn tốt hơn. Tuy nhiên, với mặt bằng lãi suất cao hiện nay, cùng với áp lực của lạm phát, rất nhiều DN sẽ gặp khó khăn và chần chừ trong việc vay vốn. Điều này cũng cho thấy vấn đề hiện nay DN thiếu vốn, song để họ tiếp cận được vốn phải từ khía cạnh giảm lãi suất, không chỉ đơn thuần là nới room tín dụng, có nghĩa phải thực hiện đồng bộ cả 2 giải pháp này.
Còn trường hợp như hiện nay, chi phí đầu vào tăng, tiêu dùng suy giảm, rất nhiều DN sản xuất gặp khó. Việc lãi suất tăng cao, dù có mở rộng room tín dụng song chưa chắc DN sản xuất cần vốn thực sự có thể tiếp cận được vốn. Khi NHNN nới room tín dụng cũng là giải pháp trong số rất nhiều giải pháp.
Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn cho rằng đây chỉ là giải quyết vấn đề trong ngắn hạn như là thanh khoản. Còn để đáp ứng được đúng nhu cầu vốn thực tế của các DN, cần những giải pháp đồng bộ hơn. Cụ thể, phân loại những lĩnh vực có nhiều tác động cần ưu tiên vốn, hay những lĩnh vực có tiềm năng để phục hồi, từ đó có cơ chế chính sách, giải pháp về vốn đặc thù cho những lĩnh vực này. Hay có thể hỗ trợ lãi suất thêm cho các DN, giảm các điều kiện ràng buộc DN khi tiếp cận vốn.
- Phải chăng đây là lúc cần có sự cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, thay vì những chính sách chung chung, thưa bà?
- Tôi đồng ý với quan điểm này. Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy những năm gần đây, môi trường kinh doanh đã có sự cải thiện mạnh mẽ với những chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt của Chính phủ. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, có thể do tác động của dịch Covid-19, tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang bị chững lại. Thậm chí, dường như mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường có dấu hiệu tăng lên trong những năm gần đây, cao hơn hầu hết quốc gia trong ASEAN, trừ Lào và Campuchia.
Điều này cho thấy, yêu cầu giảm sự can thiệp của Nhà nước, tạo sự chủ động tốt hơn cho DN trong sản xuất kinh doanh. Chỉ số về quyền tài sản tiếp tục suy giảm, cho thấy DN thiếu niềm tin về sự đồng hành của cơ quan quản lý trong bảo vệ quyền tài sản của DN. Những số liệu thống kê gần đây cũng cho thấy, dù số DN thành lập mới cao, nhưng số DN ngừng hoạt động cũng cao. Điều này thể hiện sức chống chịu của DN còn yếu, vòng đời của DN ngắn.
- Bà có nói đến những yếu tố can thiệp của Nhà nước tạo thành những rào cản dường như tăng lên với các DN, vậy cụ thể là gì?
- Tôi lấy đơn cử như quy định “con” đang ẩn trong những quy định thuộc phân ngành tại danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, phải nói thực sự đáng lo ngại. Tôi chỉ mới rà soát sơ bộ 2 lĩnh vực trong ngành nông nghiệp là thủy sản và chăn nuôi, đã thấy số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện nêu trong Danh mục của Luật Đầu tư ít hơn nhiều số lượng ngành nghề cụ thể có quy định về điều kiện kinh doanh tại pháp luật chuyên ngành. Thí dụ, trong dòng ngành kinh doanh thủy sản của Danh mục, thực tế có 6 ngành kinh doanh có điều kiện trong đó. Tương tự, ngành kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi cũng có 6 ngành bên trong. Nhưng đây không phải là những trường hợp cá biệt.
Cũng cần nhắc lại, năm 2014 cải cách quy định liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện của môi trường kinh doanh Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể. Sau các lần sửa đổi Luật Đầu tư, số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện được công bố giảm từ 267 xuống còn 227 ngành, nghề hiện tại. Cùng với đó, những điều kiện kinh doanh gây rối cho DN trong tuân thủ, như có phương án, kế hoạch kinh doanh phù hợp, điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự đã giảm đáng kể. Nhờ vậy, thứ hạng của môi trường kinh doanh Việt Nam thay đổi vượt bậc, từ xếp thứ 78 (năm 2014) lên vị trí 69 (năm 2019), chỉ số tự do kinh tế năm 2022 tăng 6 bậc, từ thứ 90 năm 2021 lên thứ 84.
Tuy nhiên, hiện vẫn có tới 60,1% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức cho việc cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là 61,36%. Đáng nói hơn, những phiền hà này khiến 21,7% DN phải trì hoãn hay hủy bỏ kế hoạch kinh doanh. Như vậy, nếu không đi sâu vào từng ngành nghề cụ thể, đi vào thực chất những điều kiện DN phải tuân thủ để tiến hành cắt giảm, những quyết định thu hẹp ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ chỉ là hình thức, không tác động tích cực tới DN.
- Xin cảm ơn bà.
Những năm gần đây, môi trường kinh doanh đã có sự cải thiện mạnh mẽ với những chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt của Chính phủ. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, có thể do tác động của dịch Covid-19, tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang bị chững lại. Thậm chí, dường như mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường có dấu hiệu tăng lên. |