Đáng nói, các đối tượng kinh doanh bằng hình thức đầu tư tài chính siêu lợi nhuận thường đưa ra rất nhiều lời hứa như hợp tác đầu tư với hoa hồng, lợi nhuận cao, ví dụ như đầu tư 1 tỷ trong tháng 9/2020, đến tháng 9/2021, sẽ nhận về 1,5 tỷ…
Bên cạnh đó, việc dùng “mác” sử dụng công nghệ cao khiến các nhà đầu tư càng chủ quan trong việc định hình các yếu tố lừa đảo, dễ dàng giao tiền cho các tổ chức, cá nhân, dẫn đến trình trạng mất sạch toàn bộ số tài sản đã dùng để đầu tư sau khi các đối tượng tuyên bố phá sản, bỏ trốn, hoặc bị công an khởi tố…
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), đã có nhiều dự án quảng cáo đưa ra rất nhiều lợi ích khi hợp tác đầu tư với hoa hồng, thu nhập cao ngất ngưởng, người tham gia không cần tính toán nhiều cũng có thể thấy lợi ích lớn và có thể đổi đời nhanh chóng. Với sự hưởng ứng của một số lượng lớn nhà đầu tư, nhiều dự án mới vẫn tiếp tục ra đời và dùng lợi nhuận để quảng cáo, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của người tham gia.
Có thể khẳng định, các mô hình dự án lừa đảo là đều không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Toàn bộ rủi ro sẽ nằm trọn về phía người bỏ tiền tham gia dự án, bởi họ khó có thể rút lại khoản tiền gốc đã nộp ban đầu.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, các mô hình đầu tư tài chính “siêu lợi nhuận” có hai yếu tố rõ ràng là mức lợi nhuận cao và phát triển mạng lưới theo mô hình đa cấp.
Các mô hình này ban đầu cung cấp cho các nhà đầu tư một môi trường an toàn cho việc đầu tư tiền và sau đó hứa trả lợi nhuận cực cao, vài phần trăm đến vài chục, vài trăm phần trăm trong thời hạn không chỉ một năm mà là một tháng, thậm chí là trong một tuần, đảm bảo lợi nhuận ổn định, bất kể thị trường biến động hay không.
Việc thanh toán số tiền lợi nhuận này trong thời gian đầu được tuân thủ vì họ sẽ lấy tiền của người sau trả cho người trước, bản chất là họ chỉ dùng chiêu trò hút tiền vào hệ thống, ngày nào còn hệ thống thì họ vẫn cứ tồn tại. Họ sẽ trả lợi nhuận cao cho người mới vào hệ thống và phí hoa hồng cho những người giới thiệu người vào hệ thống.
Đương nhiên, mức độ rủi ro của hình thức đầu tư này cũng là điều tất yếu và dễ nhận thấy, khi rất nhiều công ty đầu tư gắn mác “ủy thác đầu tư” bị đánh sập sau khi huy động hàng ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư rồi bỏ trốn, song vẫn xuất hiện tình trạng nhiều công ty, cá nhân âm thầm hoạt động chui.
Về góc độ pháp luật, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, hành vi thông qua hình thức đầu tư kinh doanh để tiến hành chiếm đoạt tài sản của người khác hoàn toàn có đầy đủ các yếu tố cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định pháp luật hình sự.
Các chế tài đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiện Bộ luật Hình sự cũng đã quy định. Tuy nhiên, nếu không sớm có cơ chế điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể, hoạt động này sẽ tiếp tục biến tướng, ngày càng nhiều người dân cho rằng, họ bị chiếm đoạt tiền. Do vậy, trong thời gian chờ khung pháp lý, các cơ quan chức năng cần ngăn chặn, cảnh báo sớm các hoạt động này.
Bên cạnh đó, khung pháp lý cho các hoạt động đầu tư tài chính cần phải được quy định rõ. Những hành vi nào bị cấm, những “sàn giao dịch” nào thì được phép thực hiện. Người dân sẽ tham khảo khung pháp lý để nhận biết các mô hình kinh doanh nào hợp pháp, các mô hình nào là biến tướng, lừa đảo.
“Người dân cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về tài chính, hết sức cảnh giác và tỉnh táo với các kênh tài chính như thế này bởi có rất nhiều rủi ro với hậu quả vô cùng lớn. Các mô hình đầu tư lừa đảo có điểm chung dễ nhận thấy nhất đó là nhấn mạnh vào tỷ lệ sinh lời cao. Những mô hình đầu tư với lời hứa hẹn mức lãi suất gấp nhiều lần ngân hàng, với lời quảng cáo gắn mác “siêu lợi nhuận” sẽ luôn có yếu tố lừa đảo. Bởi lẽ nếu thật sự có mức lợi nhuận 2-4%/ngày, thì các công ty sẽ dễ dàng kêu gọi các nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp lớn với số tiền đầu tư lớn, không cần thiết phải mời gọi các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ. Chỉ cần mức lãi suất cao hơn 3 lần mức lãi suất ngân hàng thì nhà đầu tư cần phải xem xét kỹ lưỡng trước khi lựa chọn”, luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo.