Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến "Định hướng thu hút vốn FDI trong thời gian tới", Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) khuyến nghị: Việt Nam cần coi trọng hơn vốn đầu tư vào ngành và lĩnh vực công nghệ cao.
FDI vào Việt Nam liên tục tăng...
Cụ thể, theo GS. Nguyễn Mại, từ năm 1991 đến nay khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài trở thành động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Đáng chú ý là vốn FDI thực hiện giai đoạn 1991- 2000 đạt 19,462 tỷ USD, và tăng liên tục đến giai đoạn 2001- 2010 đạt 58,497 tỷ USD, bằng 3 lần thập niên trước đó. Và đến giai đoạn 2011- 2016 đạt 84 tỷ USD, bằng 4,55 lần giai đoạn 1991- 2000 và 1,43 lần 10 năm trước đó.
Trong 26 năm từ 1991 đến 2017 nước ta đã thu hút được 161,959 tỷ USD vốn FDI thực hiện. Tính bình quân mỗi năm giai đoạn 1991- 2000 đạt 1,95 tỷ USD, 10 năm tiếp theo đạt 5,85 tỷ USD, 7 năm gần đây là 12 tỷ USD, bằng 6,1 lần của giai đoạn 1991- 2000 và 2,09 lần của giai đoạn 2001- 2010.
Giai đoạn 1991- 2000 phần lớn dự án FDI có quy mô nhỏ, vốn đầu tư trung bình mỗi dự án khoảng 4 triệu USD, đến giai đoạn 2011- 2016 có thêm nhiều dự án quy mô lớn với vốn đầu tư từ 1 tỷ USD trở lên.
Năm 2016 khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp, trong đó dầu khí, điện tử, smartphone, mobilphone, linh kiện điện tử, thức ăn gia súc, đồ uống... có tỷ trọng cao hơn nhiều; chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu mà mặt hàng chủ lực là hàng chế tạo có giá trị gia tăng cao, xuất siêu khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu của khu vực này, chẳng những bù đắp được nhập siêu của doanh nghiệp trong nước mà còn tạo ra xuất siêu gần 3 tỷ USD; đóng góp khoảng 20% thu nội địa và 20% GDP.
Đối với những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh hóa ở miền Bắc, Bình Dương, Đồng Nai ở miền Nam thì vốn FDI góp phần làm thay đổi cơ bản cơ cầu kinh tế của từng tỉnh, thành phố. Điển hình là Bắc Ninh nhờ thu hút có hiệu quả FDI mà chỉ trong 5 năm gần đây đã biến đổi cơ bản, từ tỉnh nông nghiệp trở thành tỉnh công nghiệp, hiện nông nghiệp chiếm khoảng 8%, công nghiệp và dịch vụ chiếm 82%.
Bình luận về những con số nêu trên, GS. Nguyễn Mại, cho rằng "thống kê trên đây thể hiện quy mô vốn FDI vào nước ta ngày càng lớn, đồng thời chất lượng và hiệu quả kinh tế- xã hội của khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài ngày càng cao hơn."
Thu hút FDI có chọn lọc
Bên cạnh những thành quả trên, nhiều báo cáo phân tích cũng đã chỉ ra dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, trong đó có tình trạng chuyển giá, trốn thuế, lậu thuế, gây ô nhiễm môi trường, tranh chấp lao động... GS. Nguyễn Mại cho rằng, cần dựa vào thực tiễn trên cơ sở tổng kết, đánh giá bằng phương pháp khoa học, với quan điểm khách quan, không định kiến thì mới có thể đưa ra nhận xét phù hợp với tình hình thực tế được.
Do vậy, về định hướng chính sách thu hút FDI trong thời gian tới, GS. Nguyễn Mại khuyến nghị: Trong khi vẫn coi trọng các ngành nghề thu hút nhiều lao động ở những địa phương còn kém phát triển thì cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMA), cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏ cộng đồng...
Cùng với đó, cần coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế (TNCs) hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Coi trọng chính sách kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để khắc phục nhược điểm tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI còn hạn chế; Điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư theo hướng gắn với định hướng phát triển kinh tế- xã hội ở từng vùng kinh tế, từng địa phương. Đặc biệt, cần kiên quyết không lựa chọn dự án FDI thâm dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính.