Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định với PV Báo SGGP khi đề cập đến những thách thức mà nền kinh tế đang đối mặt.
Ông Phan Đức Hiếu |
* PHÓNG VIÊN: Ông có thể nói rõ hơn về những nhận định trên?
- Ông PHAN ĐỨC HIẾU: Cùng với những khó khăn từ tình hình bất định của kinh tế, địa chính trị thế giới nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta thì các động lực tăng trưởng trong nước cũng đang gặp nhiều thách thức.
Rõ nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp. Từ quý 4-2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh khu vực này đã có dấu hiệu chậm lại khi tốc độ tăng trưởng giảm, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) và đơn đặt hàng của ngành chế biến, chế tạo cũng giảm.
Từ tháng 8-2022 đến nay, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) liên tục giảm tốc và 2 tháng đầu năm nay đã giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo - vốn là động lực dẫn dắt tăng trưởng đã giảm 6,9%. Cũng trong 2 tháng, số doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường là 51.400 DN, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022; số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động là 37.900 DN, giảm 11,2%. Tới đây, khó khăn có thể còn tiếp tục khi nhu cầu thị trường thế giới thu hẹp, tín dụng vẫn thắt chặt…
Nhìn theo lĩnh vực, khu vực dịch vụ du lịch dự kiến đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng khi thị trường khách quốc tế phục hồi nhưng có đột phá được hay không thì vẫn chỉ là kỳ vọng. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp chắc chắn gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng thị trường thế giới.
Nông nghiệp được kỳ vọng vẫn duy trì mức độ đóng góp ổn định, song khó có sự đột phá bởi 2 yếu tố: một số thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ suy giảm; Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ mở ra một thị trường lớn nhưng đồng thời cũng là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam ở nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng khác.
Động lực chúng ta kỳ vọng là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhưng từ năm 2018, FDI đang có những dấu hiệu thách thức về vốn đăng ký mới. Vốn thực hiện tăng từ những DN đang hoạt động ở Việt Nam nhưng thu hút FDI mới là thách thức.
Các con số thực tế cho thấy, dòng vốn FDI mới không như kỳ vọng. Đầu tư FDI là một động lực quan trọng nhưng đang có những vấn đề nổi lên. Chúng ta kỳ vọng vào một làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư, nhưng thực tế chưa cho thấy điều đó.
Nếu không có diễn biến mới, theo dự kiến, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng từ 1-1-2024 và sẽ tác động lớn đến thu hút FDI trong thời gian tới. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải điều chỉnh thể chế, chính sách về ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng lại không thể làm trong ngày một, ngày hai và việc tìm giải pháp thay thế rất thách thức.
* Liệu thách thức từ việc thu hút vốn FDI có là cơ hội để DN trong nước vươn lên, thưa ông?
- Đối với vốn đầu tư tư nhân, một tín hiệu cần lưu ý là số vốn đăng ký mới giảm. Mặc dù thống kê vốn đăng ký mới của DN không thực sự phản ánh đầy đủ đầu tư vào nền kinh tế của khu vực này, nhưng sự suy giảm cũng là một chỉ báo cho thấy động lực từ khu vực tư nhân chưa có dấu hiệu tích cực.
Sự suy giảm của dòng vốn này sẽ ảnh hưởng đến vốn đầu tư tư nhân chung đưa vào nền kinh tế.
* Các số liệu nêu trên cho thấy, những khó khăn của DN sẽ vẫn còn tiếp tục trong năm nay. Vậy cần những giải pháp gì, chính sách gì để DN và nền kinh tế vượt qua khó khăn?
- Quốc hội, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ. Có thể nói những giải pháp đưa ra đã là tốt nhất. Tuy nhiên, có vẻ các chính sách này vẫn chưa đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Do đó, theo tôi, cần chú trọng hơn vào chính sách tài khóa và tôi kỳ vọng ở động lực đầu tư công.
Vấn đề hiện nay là Chính phủ và các cơ quan cần hành động cụ thể, thực chất, quyết liệt, đầy đủ để triển khai các giải pháp đã đề ra. Khó khăn, bất định có thể kéo dài nên càng cần phải được hóa giải bằng hành động mạnh mẽ hơn, kịp thời hơn. Có như vậy mới tạo được nền tảng cho tăng trưởng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần bám sát diễn biến tình hình thực tế để phát hiện và hỗ trợ khó khăn cho nền kinh tế, DN, người dân. Đối với khó khăn của DN hiện nay, Chính phủ có thể cân nhắc điều chỉnh, bổ sung chính sách, chẳng hạn như các giải pháp về chính sách tài khóa, hỗ trợ DN và người dân trong sản xuất kinh doanh… nhằm giúp DN cầm cự, vượt qua giai đoạn khó khăn này, tránh việc họ phải rút lui khỏi thị trường.
Sức chống chịu, khả năng cầm cự của DN Việt có thể coi là một điều kiện cần để duy trì các động lực đã làm nên tăng trưởng kinh tế năm 2022 và tiếp tục là động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Ngoài ra, một điều khác tôi muốn nhấn mạnh là từ phía DN, hơn lúc nào hết, DN cần phát huy sự hợp tác, nâng cao chất lượng quản trị; sự chia sẻ, hợp tác giữa DN - nhà đầu tư và ngược lại… Về phía nhà quản lý, cần sớm có thông điệp rõ ràng, minh bạch hóa quá trình giải quyết các vướng mắc, để từ đó củng cố lòng tin của thị trường, của nhà đầu tư.
* Rất nhiều DN vẫn tiếp tục phàn nàn về sự thiếu ổn định và tính khó dự báo của chính sách dẫn đến rất khó khăn trong hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Những quan ngại này được nêu lên từ lâu nhưng sự thay đổi vẫn còn chậm, thưa ông?
- Đúng vậy. Điều DN cần là họ có thể dự báo trước được chính sách để xây dựng các kịch bản sản xuất, kinh doanh. Chính sách ban hành đột ngột như đi xe mà phải phanh gấp, ngoài khả năng dự phòng sẽ làm khó cho DN.
DN rất sợ chính sách “over night”, kiểu chính sách thay đổi trong vòng một đêm, không dự đoán trước được. Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh là ngoài việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính thì cần quan tâm đặc biệt đến môi trường kinh doanh, trong đó đề cao sự công khai, minh bạch và công bằng để tạo sự cạnh tranh lành mạnh.
* Được nhắc đến rất nhiều như là một động lực tăng trưởng của năm 2023: đầu tư công. Và ông cũng đã nói về kỳ vọng ở đầu tư công. Nhưng, giải ngân vốn đầu tư công rất nhiều năm chưa khi nào là việc dễ dàng?
- Chúng ta thấy nhiều năm qua và cả năm 2022 giải ngân đầu tư công là rất thách thức bởi những khó khăn vướng mắc về đầu tư công vẫn còn đó. Nhưng, năm nay, tôi kỳ vọng nhiều vào động lực tăng trưởng là đầu tư công.
Kỳ vọng vì nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách theo kế hoạch được Quốc hội giao là khoảng hơn 707.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022; cùng với đó là khoảng 147.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn lực đầu tư lớn như vậy là động lực rất quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế năm nay.
Động lực này gặp thách thức lớn về vấn đề giải ngân chậm, không đồng đều đã diễn ra nhiều năm qua. Vì thế, tác động của động lực này đến đâu sẽ phụ thuộc vào việc khắc phục, giải quyết được những vướng mắc về giải ngân để đảm bảo mức độ, tốc độ giải ngân.
Thứ hai, đầu tư công năm nay có cơ sở để kỳ vọng hơn bởi một số lý do. Trước hết, nhiều dự án theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã và đang được triển khai. Theo tôi được biết, đến nay các dự án trong chương trình đã cơ bản được phân bổ vốn xong, nhiều dự án đã xong hết thủ tục. Các thủ tục đã cơ bản hoàn thành và giờ chỉ tập trung vào làm một cách thực chất, quyết liệt, đảm bảo đúng tiến độ, mục tiêu.
Thứ ba, nhiều dự án năm trước chưa giải ngân do đang trong thời gian hoàn thành thủ tục, đến năm nay đã xong thủ tục và đi vào triển khai. Bên cạnh đó, đầu tư công năm nay sẽ tốt hơn do Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội (về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) sẽ giúp triển khai một số dự án công trình hạ tầng giao thông lớn do áp dụng chính sách tiền tệ “phù hợp”, đẩy nhanh được tốc độ giải ngân.