Cảnh báo điều kiện kinh doanh 'ngầm' làm khó doanh nghiệp

(ĐTTCO)-Điều kiện kinh doanh ''ngầm'' đang làm khó doanh nghiệp, đây là cảnh báo được các chuyên gia pháp luật kinh doanh đưa ra. Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị cần khắc phục tình trạng này để đảm bảo tính thông thoáng của dòng chảy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế đất nước.
“Ma trận” điều kiện kinh doanh vẫn đang là rào cản rất lớn đối với hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
“Ma trận” điều kiện kinh doanh vẫn đang là rào cản rất lớn đối với hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Nghị quyết 68 năm 2020 của Chính phủ đã ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, “ma trận” điều kiện kinh doanh vẫn đang là rào cản rất lớn đối với hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu thực tế: “Số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định trong luật là 227 nhưng rà soát cụ thể rất nhiều, có lĩnh vực lên gấp 3 lần, theo Luật đầu tư chỉ là mũ ngành thôi, số đếm ít hơn nhưng thực tế nhiều hơn rất nhiều. Về hình thức. nhiều cơ chế chế tài quy định và tính liên ngành rất nhiều…”.

Không chỉ những điều kiện kinh doanh “hiện hữu” trong các luật, nghị định có thể dễ dàng đo đếm được, doanh nghiệp lo ngại hơn là đối với những điều kiện kinh doanh “ngầm” hiện nay. Qua phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận: “Yêu cầu quá mức trong các tiêu chuẩn, như đảm bảo sức khỏe còn cao hơn cả EU, xu hướng gần đây lạm dụng ban hành quy chuẩn kỹ thuật cao vì ít bị kiểm soát hơn là ban hành điều kiện kinh doanh”…

Rõ ràng, hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp khó vì những điều kiện kinh doanh, thủ tục chuyên ngành, “cả nổi, cả chìm”. Thực trạng này làm giảm hiệu quả của các cải cách lớn của Chính phủ về cải cách thủ tục kinh doanh, như Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, các bộ ngành và địa phương cần quyết tâm, quyết liệt thực hiện yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 68, là thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trong các văn bản hiện hành, nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế đất nước.

Các tin khác