Mới đặt chân tới nơi này, chúng ta sẽ ngỡ như mình đang ở cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Tủa Chùa có đến 3/4 diện tích là dạng núi đá vôi trong tổng số 679,41km2 toàn huyện.
Hệ thống núi đá vôi sừng sững, rộng mênh mông ở huyện Tủa Chùa nằm ở độ cao từ 1.200-1.500m so với mực nước biển, chính vì thế nó đã ra một bức tranh phong cảnh hùng vĩ, cuốn hút. Nhiều người đã gọi cao nguyên đá Tủa Chùa là “tiểu Đồng Văn” thứ 2 của Việt Nam.
Điểm độc đáo nhất ở cao nguyên đá Tủa Chùa là hình dạng núi đá tai mèo, nhô lên tua tủa như các ma trận đá dọc theo sườn núi và lòng thung lũng. Nhiều chỗ đá tai mèo còn tạo hình thành hàng lũy ngay ngắn, nhìn rất ấn tượng. Vùng núi đá tai mèo tập trung nhiều nhất ở xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa.
Cũng giống như vùng Đồng Văn (Hà Giang), cư dân ngự trị và làm chủ ở trên các vùng núi đá tai mèo Tủa Chùa là đồng bào Mông. Đồng bào Mông ở đây đã đặt cho cao nguyên đá tai mèo của mình một số cái tên để chỉ các địa danh ấn tượng nhất như: núi đá Tò Cu Nhe, bãi đá Chung Khóa, núi đá Chung Si Seng, di tích thành đá Vàng Lồng…
Người Mông ở đây đã tận dụng mảnh đất bằng phẳng nhỏ bé xen giữa các bãi đá tai mèo để dựng nhà sàn, mái lợp pro-ximăng. Còn lại những hốc đá giữa ma trận đá tai mèo sẽ được người Mông tận dụng để canh tác trồng ngô. Vốn sẵn có là đá, nên bà con Mông từ xa xưa đã biết sử dụng vật liệu chắc chắn này vào việc xây dựng như: làm đường, làm móng nhà, mái nhà, hàng rào, vách ngăn, bờ ruộng…





