Cao tốc Bắc-Nam: Nguồn vật liệu thiếu, giá chênh lệch cao 'chót vót'

(ĐTTCO)-Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ đề nghị các tỉnh khẩn trương bổ sung quy hoạch, tăng công suất các mỏ vật liệu nhằm đáp ứng nhu cầu thi công dự án cao tốc Bắc-Nam.
Các mỏ vật liệu khai thác, cung ứng cho cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 như hiện nay chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Các mỏ vật liệu khai thác, cung ứng cho cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 như hiện nay chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Mặc dù đến nay toàn bộ 25 gói thầu thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đã tổ chức thi công, tuy nhiên, các nhà thầu vẫn đang “đau đầu” với việc thiếu nguồn vật liệu cung ứng, dẫn tới tiến độ bị ngắt quãng và chậm chạp.

Giá vật liệu chênh lệch và cao “chót vót”

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy tổng nhu cầu vật liệu của 10 dự án thành phần đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa theo kết quả tính toán tổng khối lượng đá khoảng 17,1 triệu m3; tổng khối lượng cát khoảng 8,95 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khoảng 45,3 triệu m3.

Theo hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu của Tư vấn đã thực hiện khảo sát gồm 102 mỏ đá, tổng trữ lượng 189,2 triệu m3, dự kiến sử dụng đá tại 82 mỏ với trữ lượng khoảng 152,3 triệu m3; 114 mỏ cát, tổng trữ lượng 33,66 triệu m3, dự kiến sử dụng cát tại 104 mỏ có trữ lượng khoảng 32 triệu m3; 109 mỏ đất đắp, tổng trữ lượng 134,8 triệu m3, dự kiến sử dụng đất tại 90 mỏ có trữ lượng khoảng 113,8 triệu m3.

Các mỏ đều đáp ứng về trữ lượng, chất lượng để phục vụ dự án nhưng về khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép khai thác như hiện nay chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án.

Đơn cử, vật liệu đá còn thiếu khoảng 7,5 triệu m3 (tỉnh Hà Tĩnh 1,4 triệu m3; Quảng Bình 1,56 triệu m3; Quảng Trị 0,75 triệu m3; Quảng Ngãi 0,23 triệu m3; Bình Định 1,43 triệu m3; Phú Yên 1,64 triệu m3; Khánh Hòa 0,5 triệu m3); vật liệu cát các mỏ đang khai thác còn thiếu khoảng 1,9 triệu m3 (tỉnh Hà Tĩnh 0,21 triệu m3; Quảng Bình 1 triệu m3; Quảng Trị 0,08 triệu m3; Quảng Ngãi 0,03 triệu m3; Bình Định 0,3 triệu m3; Phú Yên 0,17 triệu m3; Khánh Hòa 0,1 triệu m3); vật liệu đất đắp còn thiếu khoảng 3 triệu m3 (tỉnh Hà Tĩnh 2,3 triệu m3; Quảng Ngãi 0,7 triệu m3).

Trong khi chờ cấp phép được giao mỏ, một thực tế rất khó khăn và bất cập đó là giá vật liệu theo thông báo giá của tỉnh là rất cao so với mặt bằng chung của các địa phương lân cận và giá mà nhà thầu phải mua thực tế cao “chót vót” so với giá niêm yết của các mỏ…

Đại diện nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả thi công gói thầu XL-01 đoạn Chí Thạnh-Vân Phong than thở công suất các mỏ cát 10.000m3/năm chưa đáp ứng được yêu cầu của dự án. Giá bán thực tế cao hơn rất nhiều so với công bố của tỉnh Phú Yên. Nhà thầu khảo sát các mỏ cát dự toán 190.000 đồng/m3 nhưng giá bán thực tế gần 300.000 đồng/m3.

Qua rà soát, so sánh một số giá vật liệu chủ yếu cho dự án ở các địa phương Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đang có sự chênh lệch giá tương đối lớn. Ví dụ đá 1cmx2cm Bình Định công bố giá 243.000 đồng/m3, Phú Yên công bố 459.000 đồng/m3; cấp phối đá dăm Bình Định công bố 127.000 đồng/m3 nhưng Phú Yên 299.000 đồng/m3; cát Bình Định có giá 95.000 đồng/m3, còn Phú Yên là 190.000 đồng/m3; đất Bình Định công bố 30.000 đồng/m3, còn Phú Yên là 120.000 đồng/m3.

Về vấn đề này, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi) cho rằng, các địa phương có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác phải làm quyết liệt, khó đến đâu cần kiến nghị và mời các bộ chuyên ngành vào cuộc phối hợp, tìm phương án tối ưu.

“Với các mỏ đã được giao cho tư nhân, các bộ, ngành, địa phương liên quan cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý ngay đối với chủ mỏ có hành vi ‘găm hàng , ’ chờ thời cơ đẩy giá. Không thể để một công trình huyết mạch, trọng điểm của đất nước phải đi mặc cả giá tài nguyên quốc gia, làm đội vốn, chậm tiến độ,” ông Chủng nhấn mạnh.

Không được trục lợi “ép giá”

Khẳng định dự án cao tốc Bắc-Nam là công trình trọng điểm quốc gia, không để ai được phép lợi dụng, trục lợi, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, địa phương phải mời các chủ mỏ và các nhà thầu lên để trao đổi, thống nhất, Sở Xây dựng phải cầm trịch, thống nhất giá niêm yết của mỏ là bao nhiêu, nhà thầu cần mua bao nhiêu… giá thống nhất được là phải ký hợp đồng ngay.

“Chủ mỏ nào không chấp thuận có thể thu hồi giấy phép, phải nhìn thẳng vào sự thật là thực trạng tăng giá, ‘ép giá’ là có và gây khó khăn, bức xúc cho nhà thầu. Địa phương cần trực tiếp vào cuộc khống chế giá vật liệu,” Bộ trưởng Thắng nói.

Nhìn nhận hầu hết các mỏ đất là người dân thuê, không phải đất thổ cư, ông Thắng cho biết đơn giá đền bù thì Nhà nước đã có quy định, nên nếu tăng cỡ 1,5 lần là kịch khung, còn nâng cao 3-4 lần là không thể chấp nhận, có vấn đề nên công an tỉnh phải vào cuộc.

Nhiều nhà thầu cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đang gặp khó khăn vì thiếu hụt nguồn vật liệu thi công cho dự án. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tư lệnh ngành giao thông cũng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh phải vào cuộc, chỉ đạo trực tiếp việc cấp mỏ cho các nhà thầu thi công, đặc biệt phải đảm bảo việc quản lý giá; đề nghị lực lượng chức năng như công an và thanh tra phải vào cuộc xử lý ngay nếu phát hiện vi phạm, xử lý phải thật nghiêm để đảm bảo kỷ cương.

“Chúng ta phải chung nhận thức đây là dự án quan trọng của quốc gia, song địa phương cũng được hưởng lợi trực tiếp, phải phối hợp, hỗ trợ với nhau tích cực, trong sáng và hiệu quả để dự án về đích đảm bảo tiến độ và chất lượng” Bộ trưởng Thắng nói thêm.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ đề nghị các tỉnh khẩn trương bổ sung quy hoạch các mỏ đất, mỏ cát chưa có trong quy hoạch để triển khai các thủ tục cần thiết, sẵn sàng cho nhà thầu khai thác khi triển khai dự án; hỗ trợ trong công tác thăm dò, khảo sát các mỏ; tăng công suất khai thác, mở thêm các mỏ mới...

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt các thủ tục đối với các mỏ khai thác mới (thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất hay thực hiện theo hình thức chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất); rà soát lại quy hoạch mỏ cát sông trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm nguồn cung cấp cho các dự án...

Các tin khác