Cấp hạn mức tín dụng cho nông dân

Trần lãi sất cho vay 4 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp nhỏ và vừa) đã giảm xuống 12%/năm theo quy định của NHNN. Nhưng nhiều doanh nghiệp, nông dân cho biết vẫn còn khó vay vốn NH. Vậy thời điểm này các NHTM sẽ tháo gỡ ra sao? ĐTTC đã trao đổi với ông NGUYỄN NGỌC BẢO, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, xoay quanh vấn đề này.

Trần lãi sất cho vay 4 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp nhỏ và vừa) đã giảm xuống 12%/năm theo quy định của NHNN. Nhưng nhiều doanh nghiệp, nông dân cho biết vẫn còn khó vay vốn NH. Vậy thời điểm này các NHTM sẽ tháo gỡ ra sao? ĐTTC đã trao đổi với ông NGUYỄN NGỌC BẢO, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, xoay quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nhiều doanh nghiệp phản ánh có dự án tốt nhưng không dễ vay vốn do các NH đòi hỏi tài sản bảo đảm, chứng minh tiền trong tài khoản, hay yêu cầu ký quỹ 100%. Sự thật của vấn đề này như thế nào? 

Ông NGUYỄN NGỌC BẢO: - Các NHTM nói chung và Agribank nói riêng đều có quy định về khách hàng uy tín về tiền gửi, dịch vụ, tiền vay. Nếu doanh nghiệp đã có quan hệ với NH 1-3 năm và dòng tiền về NH đều đặn, sẽ được xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm dựa trên uy tín của doanh nghiệp đó.

Còn với khách hàng mới, để phòng ngừa rủi ro các NHTM phải xem xét dựa trên tài sản bảo đảm. Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp có tài sản bảo đảm nhưng thủ tục pháp lý như sổ hồng, sổ đỏ không đảm bảo, khi đăng ký tài sản bảo đảm không được, nên các NHTM không thể chấp nhận cho vay.

Còn các doanh nghiệp dù mới thành lập nhưng có phương án kinh doanh tốt và tài sản có đầy đủ thủ tục pháp lý để có thể đăng ký bảo đảm được, Agribank sẵn sàng chấp nhận tài sản bảo đảm đó và thẩm định tài sản để cho vay.

- Nhiều doanh nghiệp ứng vốn cho nông dân trước để sản xuất, nên giao dịch của họ với nông dân không thể có hóa đơn đỏ theo yêu cầu thủ tục của NH. Hiện nay ngành thuế chỉ yêu cầu bảng kê thay vì hóa đơn đỏ, tại sao NH không làm như vậy?

- Vấn đề này các NHTM thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính là các giao dịch trên 100.000 đồng phải có hóa đơn đỏ nhằm hạn chế thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng theo tôi, quy định này chưa phù hợp với nông dân. Do vậy, Agribank đã có kiến nghị với các cơ quan nhà nước và cũng đang xin ý kiến của NHNN để chủ động tháo gỡ vấn đề này trong thời gian tới.

Thí dụ, quan hệ mua bán nông sản, thực phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân chỉ cần thông qua bảng kê với các doanh nghiệp. Có vậy mới mở rộng được tín dụng cho nông dân.

- Ông nghĩ sao về kiến nghị cho vay nông dân qua thẻ tín dụng? 

- Tôi nghĩ cho vay hình thức này sẽ khả thi ở TPHCM, vì đi kèm với các điểm giao dịch ở ngoại thành, Agribank đang tiếp tục mở rộng hệ thống ATM, POS… Khi nông dân mua vật tư, máy móc thiết bị, Agribank sẽ lắp đặt máy POS ở các cửa hàng này để tiện cho họ thanh toán.

Kiến nghị này chúng tôi sẽ nghiên cứu ngay và áp dụng trong năm 2013. Thực chất, hiện nay nhiều hộ nông dân cũng đã sử dụng thẻ, như hộ nông dân ở miền Tây khi bán lúa, tiền vào thẻ Agribank, họ dùng thẻ đó rút tiền chi tiêu và mua nguyên liệu cho sản xuất.

Tới đây Agribank cũng coi hộ nông dân là thành phần kinh tế và cấp hạn mức tín dụng như đối với doanh nghiệp, thay vì sử dụng tiền mặt giải ngân qua thẻ, sẽ giảm chi phí và phù hợp với thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Điều này còn giúp NH quản lý tốt dòng tiền của hộ nông dân, giảm được rủi ro trong hoạt động tín dụng.

Tư vấn cho khách hàng vay vốn tại Agribank chi nhánh 4 TPHCM. Ảnh: C. THĂNG

Tư vấn cho khách hàng vay vốn tại Agribank chi nhánh 4 TPHCM. Ảnh: C. THĂNG

- Thưa ông, cho vay nông nghiệp, nông thôn có nợ xấu cao?

- Cho vay nông nghiệp, nông thôn nợ xấu rất thấp. Đối với các huyện ngoại thành TPHCM (hay Hà Nội), nếu tính riêng các hộ nông dân, nợ xấu chỉ dưới 1%. Đối với các địa phương khác cho vay nông nghiệp, nông thôn nợ xấu dưới 2%, thậm chí có nơi nợ xấu dưới 0,8%.

Vì số tiền vay nhỏ và cán bộ Agribank đi sâu sát nên nắm được thu nhập từng hộ nông dân. Hơn nữa, các nơi đều có tổ, nhóm hỗ trợ cho nhau để trả nợ nên nợ xấu đối với hộ nông dân thấp. Bên cạnh đó hiệu quả kinh tế của nông dân cũng khá tốt. Vốn tự lực của họ cũng khá cao, khoảng 70-80%, và chỉ vay thêm 30%.

- Vậy tại sao đến nay tín dụng nông nghiệp vẫn hạn chế?

- Hiện nay đối với cả nước, tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank khá lớn, khoảng 70%. Riêng kinh tế hộ hiện có khoảng 4 triệu hộ, nông dân vay vốn tại Agribank và số dư nợ cho vay xấp xỉ 200.000 tỷ đồng. Riêng TPHCM thời gian qua Agribank cũng chú trọng nhưng mức độ đầu tư chưa lớn.

Vừa rồi chúng tôi đã cam kết phát triển mạnh tín dụng đối với bà con ở địa bàn nông thôn TPHCM một cách bài bản, bền vững. Trong đó Agribank sẽ đa dạng hóa sản phẩm tín dụng (như cho vay qua thẻ) cho từng hộ thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nông nghiệp công nghệ cao…

- Có ý kiến nói cho vay nông thôn chi phí cao nên lãi suất cao hơn các lĩnh vực khác?

- Đối với hộ nông dân lãi suất không phải là vấn đề lớn, mà quan trọng là cung ứng vốn đúng thời điểm, đúng nhu cầu của bà con và thủ tục làm sao nhanh, gọn, đặc biệt NH phải trở thành nhà tư vấn thủ tục cho bà con nông dân. Đây mới là điểm  quan trọng. Về lãi suất cho vay, chúng tôi thực hiện theo chính sách của Nhà nước, thấp hơn các đối tượng vay tiêu dùng, bất động sản.

- Về nợ xấu trong bất động sản, Agribank đã xử lý ra sao? Tới đây NH có chính sách gì để giải cứu thị trường bất động sản theo chủ trương của Nhà nước?

- Đến nay chúng tôi đã phân loại nợ và tiến hành trích lập dự phòng rủi ro. Về việc tháo gỡ tín dụng bất động sản, Agribank đã làm từ năm 2011, trong đó đánh giá phân loại từng dự án, những dự án nào chuyển công năng từ nhà ở cao cấp sang nhà ở xã hội NH sẵn sàng cho vay.

Theo chỉ đạo của TP, nếu doanh nghiệp nào ổn định được dự án và có phương án tiêu thụ được sản phẩm, NH sẵn sàng hỗ trợ. Thực tế Agribank đã cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi và hỗ trợ vốn cho dự án trên hoạt động lại theo phương án của TP.

Ngoài ra, Agribank cho vay các hộ tiêu dùng để mua dự án này, phân tán rủi ro và đảm bảo thanh khoản cho dự án tốt hơn. Tới đây, khi Chính phủ triển khai mạnh mẽ nhà ở xã hội, Agribank sẽ tiếp tục tham gia với khả năng của mình, nhưng nhiệm vụ hàng đầu của Agribank vẫn là tam nông.

- Theo ông, cơ chế hỗ trợ lãi suất cho tín dụng nhà ở NHNN vừa đưa ra liệu có khả thi? Và làm thế nào để đi vào cuộc sống?

- Phát biểu của Thủ tướng cho thấy rõ quan điểm không phải là giải cứu, mà là tạo cho thị trường thanh khoản ấm dần lên để hàng hóa trên thị trường bất động sản lưu thông.

Những cam kết của Thống đốc NHNN dễ thực hiện, nhưng nó còn phụ thuộc vào liều lượng của thị trường, tổng lượng tín dụng, tổng lượng thanh toán mà NHNN sẽ điều hành phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác