Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, thành phố tạo điều kiện và hướng dẫn DN tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng chống dịch theo một trong 4 phương án.
Trong đó, phương án 1, DN tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ” hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp”. Phương án 2, DN tiếp tục thực hiện phương án “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc phương án “1 cung đường 2 điểm đến” mở rộng; cho phép DN tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau và tổ chức đưa đón công nhân từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc. Phương án 3, DN tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh.
Trong đó, “người lao động xanh” được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa “nơi làm việc xanh” và “nơi ở xanh” theo “một cung đường xanh”. Phương án 4, DN có thể kết hợp các phương thức tại các phương án nêu trên.
Theo các DN, trong số 4 phương án nêu trên thì phương án 2 và 3 có thể phù hợp cho nhiều DN. Tuy nhiên, theo ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn, tiêu chí cụ thể từ cơ quan chức năng và các quận huyện nên DN vẫn phải chờ. Ví dụ yêu cầu công nhân phải đi làm qua “cung đường xanh”, song đó là những con đường nào hoặc công nhân lưu trú ở “vùng xanh” là họ đến lưu trú tập trung tại một nơi an toàn hay được về nhà trong những “vùng xanh”; ai thẩm định cho việc đó...
Góp ý với dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, UBND thành phố kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng ít nhất đến hết quý 1-2022 và có thể đến hết tháng 6-2022. Đối với DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, cần nâng mức giảm VAT lên 50% (thay vì 30% như dự thảo). Về chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, UBND TPHCM kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất cho người thuê đất gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 với mức giảm là 30% trong năm 2021; riêng các DN ngành du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp và liên tục trong hai năm 2020 và 2021 thì mức giảm là 50%. Đặc biệt, UBND TPHCM kiến nghị cho phép DN được khấu trừ chi phí phòng chống dịch Covid-19 để duy trì sản xuất trong các khoản nộp ngân sách.
Bình luận về các giải pháp tổng thể hỗ trợ của UBND TPHCM, một số DN cho rằng, dịch bệnh diễn ra trên diện rộng, hơn lúc nào các DN rất cần sự trợ giúp của Nhà nước. Vấn đề DN cần hiện nay không chỉ dừng lại ở việc giảm giá điện, hỗ trợ các chi phí phát sinh, quan trọng hơn cả là họ cần được tiêm vaccine đầy đủ, cần chính sách linh hoạt và tiêu chí cụ thể về một mô hình hoạt động an toàn, trên cơ sở đó họ sẽ triển khai sản xuất phù hợp và tự chịu trách nhiệm trước các cơ quan chức năng.