Xây dựng thương hiệu gạo phải từ cánh đồng, làm cánh đồng lớn, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ thể cùng nông dân thực hiện. Xây dựng thương hiệu gạo cần chú trọng đến vấn đề sở hữu trí tuệ, bản quyền giống tác giả.
Tại hội nghị triển khai đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam tổ chức ngày 20/10 tại TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một nước thiếu lương thực đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, sau Thái Lan và Ấn Độ.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành lúa gạo khi ngành hàng này vẫn còn khá nhiều hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ lẻ; tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, chất lượng nông sản không đồng đều, sản phẩm không có thương hiệu; mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu là công đoạn sản xuất, giá trị gia tăng thấp.
Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Huỳnh Minh Huệ cho rằng, xây dựng thành công thương hiệu gạo cần chú trọng 2 vấn đề chính là định hướng thị trường và đảm bảo năng lực sản xuất thương mại.
Thời gian qua, chúng ta tập trung chạy theo sản lượng mà quên đi vấn đề chất lượng. Trong khâu tổ chức sản xuất cũng vậy, nông dân đã quen với tập quán thâm canh tăng vụ, cần năng suất hơn là chất lượng.
Về thị trường, chúng ta lệ thuộc nhiều vào thị trường tập trung, nhu cầu gạo chất lượng thấp. Hiện nay nhu cầu thị trường đã thay đổi, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao chất lượng và có thương hiệu.
“Chúng ta làm thương hiệu gạo rất chậm chạp và con đường phía trước còn rất dài, đầy thách thức. Nhưng có đi thì mới có ngày về đích”, ông Huệ nhận định.
Giám đốc Công ty TNHH Trung An (TP. Cần Thơ) Phạm Thái Bình thì đề xuất: Xây dựng thương hiệu gạo phải từ cánh đồng, làm cánh đồng lớn. Trước hết là phải có chính sách khuyến khích phát triển, đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển giống lúa, quản lý khâu sử dụng phân, thuốc, bảo quản sau thu hoạch, chế biến… Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ thể cùng nông dân thực hiện”.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng thương hiệu gạo cần chú trọng đến vấn đề sở hữu trí tuệ, bản quyền giống tác giả. Việc sử dụng giống lúa quá dễ dãi sẽ dẫn đến thoái hóa và làm giảm chất lượng, tình trạng này sẽ dẫn đến phá vỡ dự án.
Một số đại biểu cũng đề nghị cần thành lập ban chỉ đạo xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, chọn ra từng nhóm gạo để xây dựng thương hiệu và xây dựng tiêu chuẩn về từng loại gạo.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, xây dựng thương hiệu gạo, các doanh nghiệp đóng vai trò chính, Nhà nước sẽ hỗ trợ, quảng bá giới thiệu thương hiệu trên thị trường.
Mục tiêu Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam là đến năm 2020 đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đến năm 2030, 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và đặc sản.