Thực tế cho thấy, câu chuyện "sốt đất" luôn gây bất ổn và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản cũng như việc triển khai chính sách phát triển nhà ở của Nhà nước.
Khi nguồn lực của các nhà đầu tư cả nước bị hút vào vòng xoáy tăng giá đất đai sẽ giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác. Không dừng lại ở đó, nhiều loại tài nguyên trên đất bị xâm phạm, chuyển đổi chức năng không phù hợp quy định pháp luật, gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng phát triển kinh tế-xã hội và kéo theo nhiều hệ lụy.
Vì vậy, sự vào cuộc của chính quyền địa phương là yêu cầu cấp bách nhằm “cắt sốt” cho thị trường đất đai.
Nhiễu thông tin
Là thời điểm năm đầu của một kỳ quy hoạch mới, nhiều ý tưởng về quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng đã được đưa ra. Điển hình là Thủ Đức, thành phố biển Cần Giờ và nhiều tuyến cao tốc huyết mạch tại Thành phố Hồ Chí Minh được đề xuất. Ở Hà Nội, quy hoạch thành phố Sơn Tây, thành phố Sông Hồng và các tuyến cao tốc cũng được đưa ra.
Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố cũng đề ra nhiều dự án lớn về sân bay, bến cảng, đô thị trong quy hoạch phát triển của mình như tại sân bay Long Thành (Đồng Nai) hay những "cơn sốt" đất đã xảy ra ở Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) khi Nhà nước có chủ trương thành lập ba đặc khu hành chính-kinh tế...
Những ý tưởng đó được chấp nhận trong phê duyệt quy hoạch hay không vẫn chưa rõ ràng và khi mọi thông tin vẫn mù mờ, không minh bạch thì "cơn sốt" đất càng có cơ hội lan rộng.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc BHS Group đánh giá: “Chưa thấy khi nào các thông tin quy hoạch được tung ra ồ ạt như hiện nay, từ hệ thống cao tốc miền Tây đến quy hoạch sân bay, thành phố vệ tinh, đường ven biển rồi thành phố cấp 1 lên thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố trực thuộc Trung ương lên đô thị đặc biệt, quy hoạch hai bên sông Hồng, xây 12 cây cầu nối 2 bờ sông Hồng... Cả nước như một đại dự án được tung ra với quy hoạch đồng bộ. Những thông tin tích cực này đã "chắp cánh" cho nhau, tạo sự gia tăng về thanh khoản và giá bất động sản.”
Thực tế, lợi nhuận từ tiền gửi ngân hàng chỉ ở mức 4%, gần ngang với tỷ lệ lạm phát cơ bản khiến nhiều người nghĩ tới giải pháp đầu tư bất động sản để tăng thu nhập. Chưa kể đến các chiêu trò của giới đầu cơ, cò mồi đất vì trục lợi bất chính đã gây nhũng nhiễu thông tin, tung tin thất thiệt về quy hoạch, tạo nên những "cơn sốt" đất ảo để lôi kéo mọi người tung tiền vào mua đất. Hoặc đôi khi chỉ nghe phong phanh ý tưởng được đề xuất trong quy hoạch cũng khiến cho giới buôn đất tung ra những chiêu trò để ăn chi phí môi giới đất trong chuyển nhượng đất.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, thực trạng thị trường đất đai trên cả nước sau dịp Tết Nguyên đán đến nay có mức giá tăng chóng mặt và diễn ra ở nhiều nơi. Mức tăng trung bình khoảng 10% sau mỗi tháng. Thậm chí, một vài điểm nóng có mức tăng gấp 2-3 lần chỉ trong 1 đến 2 tháng.
“Sốt đất gây bất ổn và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản cũng như việc triển khai chính sách phát triển nhà ở của Nhà nước. Việc gia tăng giá trị đất bất thường sẽ cản trở rất mạnh việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào các địa phương bởi tăng giá đất kéo theo hàng loạt các chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng... Như vậy, phát triển kinh tế địa phương tại những nơi có sốt đất sẽ gặp khó khăn."
"Trong khi đó, nếu kinh tế không phát triển thì giá đất sẽ lại giảm mạnh. Những người đầu tư đất chưa kịp bán ra sẽ thua lỗ nặng. Đặc biệt là những người sử dụng đòn bẩy tín dụng có cầm cố tài sản của chính mình có thể rơi vào tình trạng phá sản. Đặc biệt, giá đất tăng cao cũng làm tăng chi phí phát triển nhà ở, gây khó khăn cho việc thực thi các chính sách phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ,” ông Nguyễn Văn Đính phân tích.
Sức hút tăng giá đất tại nhiều nơi đã khiến người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đầu tư. Cùng đó, tại nhiều địa phương xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án. Thậm chí lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm.
Đặc biệt, hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như đất rừng, đất ruộng, vườn... xuất hiện thường xuyên trên thị trường. Nhiều "cò mồi" thường xuyên tụ tập ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động và tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc.
Vào cuộc quyết liệt
Trước thực trạng này, chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện dự án đầu tư, giao dịch đất đai... nhằm đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.
Bà Phan Thị Kim Oanh. Chủ tịch Ủy ban Nhân dan huyện Hớn Quản (Bình Phước) cho biết, trước sức nóng của "cơn sốt" đất ăn theo thông tin về sân bay Téc-níc Hớn Quản, thời gian qua, huyện liên tục khuyến cáo người dân cũng như các nhà đầu tư không để các đối tượng đầu cơ lôi kéo, xúi dục mua bán đất khu vực sân bay cũng như vùng lân cận xã An Khương và Tân Lợi; tránh rơi vào bẫy làm giá, thổi giá trục lợi của các đối tượng đầu cơ; đồng thời, phải xem xét kỹ tính pháp lý cũng như giá trị thực của thửa đất trước khi giao dịch.
“Người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiều số cần cảnh giác, tránh tình trạng bị các đối tượng cơ hội lôi kéo, xúi dục bán đất dẫn đến mất đất sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ đói nghèo,” bà Oanh khuyến cáo.
Nhiều địa phương cũng đã nhanh chóng vào cuộc nhằm đem sự minh bạch cho thị trường. Liên quan Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Thành ủy Hà Nội cũng vừa thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương chỉ đạo đối với Đồ án; trong đó, yêu cầu Ủy ban Nhân dân các quận, huyện làm tốt công tác tuyên truyền, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của người dân.
Đồng thời, Hà Nội chủ động tăng cường quản lý quy hoạch, đất đai, đô thị, trật tự xây dựng để tuyệt đối không xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch hay hành vi vi phạm trục lợi chính sách về đất đai, đầu cơ đất đai, xây dựng các công trình trái phép, gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Mới đây, trong văn bản gửi đến Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cũng khẳng định, thời gian qua, bên cạnh những diễn biến tích cực, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số hạn chế, phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định; giá bất động sản tăng quá mức so với giá trị thực của lô đất. Đồng thời, Sở Xây dựng Bắc Giang yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tăng cường quản lý để đảm bảo ổn định thị trường bất động sản.
Tương tự, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh cũng chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra 6 dự án bất động sản phân lô, bán nền trái phép khi chưa đủ điều kiện, thậm chí có dự án mới trúng đấu giá đất, chỉ là bãi đất trống vẫn được huy động vốn rầm rộ.
Lo ngại nhà đầu tư mua phải đất "chui," thành phố Thanh Hóa cũng vừa ra văn bản cảnh báo rủi ro khi người dân đầu tư, góp vốn, chuyển nhượng vào các dự án chưa đủ yếu tố pháp lý.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình nhập cuộc với những chỉ đạo về biện pháp ổn định giá đất trên địa bàn, giao cơ quan chức năng tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về đất đai, quản lý đất đai, quản lý giá và siết chặt biện pháp thu thuế chuyển quyền sử dụng đất... nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, nếu có dấu hiệu hình sự phải chuyển cho cơ quan Công an điều tra theo thẩm quyền.
Tỉnh Ninh Bình cũng giao nhiệm vụ cho đơn vị chức năng phổ biến rộng rãi, công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng theo đúng luật quy hoạch đô thị; chủ trương, lộ trình, tiến độ thực hiện các công trình, dự án. Điều này giúp người dân tiếp nhận các nguồn thông tin chính thống, tránh sa bẫy đầu tư ồ ạt, làm tăng giá đất bất thường; đồng thời, cảnh báo kịp thời những rủi ro khi đầu tư theo hiệu ứng đám đông...