Hiện nay, khu vực TPHCM đã bắt đầu xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, cũng là lúc nhiều loài thủy hải sản bắt đầu sinh sôi nảy nở sau một mùa khô kéo dài, trong đó có cua đồng. Vì thế, dịp cuối tuần, nhiều người đã tìm đến những con kênh rạch, bàu nước ở ngoại ô Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh để câu cua. Một thú vui khá đặc biệt nhưng cũng nhiều thú vị.
Thú vui mới mẻ
Có mặt ở khu vực cầu kênh Xáng, ở xã Tân Hiệp (Hóc Môn) vào một buổi sáng cuối tuần, chúng tôi thấy hàng chục cần thủ câu cua đang cần mẫn. Không như câu cá, câu cua không cần mồi, chỉ có một chiếc cần bằng tre, trúc đơn giản với chùm lưỡi câu gắn vào mà thôi. Thế nên, chỉ cần vài chục ngàn đồng bất kỳ ai cũng có thể tìm ra một bộ cần câu cua chứ không tốn tiền triệu như câu cá.
Anh Thanh, một người câu cua, tâm sự: “Mặc dù không cần mồi nhưng mình phải rang gạo, xay nhuyễn trộn với bỗng rượu, thả xuống đây để cua tìm tới. Vì cua di chuyển với tốc độ chậm, bò luẩn quẩn quanh khu vực có thức ăn nên người câu chỉ việc đưa cần tới, chọn đúng thời điểm là có thể nhấc cua lên được. Riêng với vùng nước đục khó quan sát cần kỹ thuật câu phải điêu luyện hơn, thấy có cua di chuyển phải đưa chùm lưỡi theo lựa thời điểm để móc cua lên”.
Theo anh Thanh, dù không phải đợi cắn câu như cá, nhưng khi câu cua người câu phải làm sao để cua nằm gọn trong chùm lưỡi câu của mình, chắc chắn sẽ dính câu mới nhấc chúng lên. Đó cũng chính là kỹ thuật khó của người tìm đến thú vui độc đáo này.
Câu cua, thú vui khá độc đáo ở vùng ngoại thành. |
Nếu như câu cá, người câu thường chọn những vùng nước rộng, giao nhau có dòng chảy để thả mồi, ngược lại câu cua thường chọn những bãi hẹp, con kênh um tùm nước tĩnh hoặc bàu rộng nhưng kín nước, nơi cua thường tìm tới sinh sản. Anh Bảo, một người câu cua khác, cho biết mùa mưa đầu mùa chính là thời điểm cua đồng bước vào mùa sinh sản. Những khu bàu nước, kênh rạch ở vùng Củ Chi có rất nhiều cua vì nơi này toàn đồng cỏ, nước lưu qua cả mùa khô, rất thuận lợi cho việc sinh sống của cua.
“Bình thường, cua hầu hết sống trong hang, sâu trong lòng đất nhưng vào mùa mưa, nhất là những cơn mua đầu mùa như hiện nay, chúng thường chui ra khỏi hang, đi kiếm mồi và mở rộng địa bàn sống, là thời điểm thích hợp để đi câu. Tại vùng này, những cánh đồng hoang ở Bình Mỹ, Tân Phú Trung (Củ Chi) là nơi tập trung nhiều cua đồng bởi khu vực này trũng, lại ăn thông với sông Sài Gòn, cá cua nhiều quanh năm, thu hút nhiều người tìm tới để câu” - anh Bảo kể thêm.
Chút quà vùng đồng đất
Khi vùng ngoại ô thành phố đang bị đô thị hóa với nhiều nhà ở, xí nghiệp, nhà máy khiến số lượng cua đồng giảm đi. Theo người dân địa phương, cách đây chừng hai chục năm, vùng ngoại ô Củ Chi này cua đồng nhiều vô kể, muốn bắt không cần câu, chỉ cần xúc hoặc giăng lưới. Còn hiện nay phải tìm những nơi hiếm hoi mới có cua đồng.
Ngoài ra, theo một số người thường xuyên đi câu cua ngoài mục đích giải trí, nhiều người cũng có thể kiếm cả trăm ngàn nhờ cua. Giá cua đồng hiện nay khá cao, lên đến 70.000-80.000 đồng/kg nên nếu chăm chỉ, một ngày có thể câu được 1-1,5kg bình thường. “Do đầu mùa, cua thường xuyên di chuyển nên rất khó đánh bẫy, chỉ có thể câu thôi. Hơn nữa, nếu mưa ban đêm, buổi sáng sớm đem cần ra những khu vực ven kênh, bàu cỏ ngập nước câu được nhiều cua bởi chúng đi kiếm ăn đang lúc quay trở về” - một người câu cua lâu năm cho biết.
Cua đồng có đặc điểm rất béo, thơm và chắc thịt hơn so với cua nuôi nên được nhiều người ưa thích, khiến giá cũng rất cao. Bên cạnh đó, ở tuyến đường ven Tỉnh lộ 8 chạy qua địa bàn huyện Hóc Môn, Củ Chi, nơi có nhiều vựa bán hải sản hiện có bán thêm cả cua đồng vì đang được thị trường ưa chuộng.
Theo một số người bán hàng, nhiều người ở trung tâm thành phố khi đi qua tuyến đường này đều muốn mua cua đồng vì nó được coi như một món quà quê ý nghĩa của vùng đất trũng thấp này.