Rơi tự do
IBM được thành lập năm 1889 với lĩnh vực sản xuất các máy móc kỹ thuật số. Qua thời gian dài hoạt động và phát triển, IBM bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ máy vi tính trong những năm chiến tranh lạnh. Với tiềm lực mạnh và chủ động đón đầu xu thế, IBM đã trở thành “đầu tàu” trong lĩnh vực công nghệ máy vi tính những năm 1970-1980. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của cựu CEO John Akers, IBM đã “vung tay quá trán” khi đầu tư các lĩnh vực khoa học công nghệ mới để tạo thế độc tôn cho mình.
Việc đầu tư quá tay đã đưa IBM thành đoàn tàu có quá nhiều toa vượt tải trọng của đầu máy yếu ớt. Cuối thập niên 1980, IBM có đến 400.000 nhân viên với doanh thu thua kém, các công nghệ do công ty phát minh hoặc thương mại hóa bắt đầu bị mai một, hàng loạt tổ chức không cần thiết ngốn hàng triệu USD ngân sách. Chưa dừng lại ở đó, Intel và Microsoft đã có những bước tiến vượt bậc, đã bỏ xa IBM khiến tập đoàn ngày càng tiến gần hơn đến bờ vực sụp đổ.
Tập đoàn bắt đầu “rơi tự do”, John Akers đã tính đến tách IBM thành 2 mảng kinh doanh: chuyên sản xuất các sản phẩm công nghệ máy tính, và nghiên cứu, phát triển, kinh doanh các mặt hàng công nghệ kỹ thuật số phục vụ đời sống thường ngày như máy in, bàn phím, màn hình máy vi tính… Những nỗ lực đó vẫn không đủ. Đến cuối năm 1992, khoản lỗ của IBM cán mốc 8,2 tỷ USD, trở thành tập đoàn thua lỗ cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp tại Mỹ từ 1992 trở về trước, đánh mất 26% thị phần vào tay đối thủ.
Kết quả là IBM phải chia tay CEO John Akers, trải thảm đón về gương mặt hoàn toàn xa lạ với giới công nghệ, Louis Gerstner. Thời điểm đó, Louis Gerstner được biết đến trong giới tài chính với vai trò Phó Giám đốc Tập đoàn tài chính hàng đầu American Express. Ông giúp tập đoàn phát triển mảng kinh doanh thẻ tín dụng, cạnh tranh thị phần trực tiếp cùng Visa và MasterCard, tạo ra loại thẻ tín dụng đen đầy quyền lực.
11 năm tại American Express, Louis Gerst đã biến mảng kinh doanh thẻ tín dụng thành “con gà đẻ trứng vàng”, với số thành viên sử dụng thẻ từ 8,6 triệu lên đến 30,7 triệu. Tiếp theo, ông trở thành CEO Công ty RJR Nabisco và đạo diễn cho cuộc sáp nhập trị giá 25 tỷ USD, để sở hữu công ty đầu tư đa ngành Kohlberg Kravis Robert.
Sau buổi lễ nhậm chức đơn giản được tổ chức tại Khách sạn Hilton ở thành phố New York vào tháng 3-1993, Louis Gerstner đã được đưa thẳng đến tổng hành dinh IBM tại hạt Arkmonk cách đó 50km bằng trực thăng để bắt đầu công việc.
Dạy voi “khiêu vũ”
Việc đầu tiên CEO Louis Gerstner thực hiện tại IBM đó là yêu cầu các bộ phận tổng hợp báo cáo lợi nhuận trong năm. Sau đó ông trực tiếp tham gia hoạt động tuyển dụng nhân sự mới để tìm kiếm các nhân viên nhiệt huyết. Ông còn đích thân gặp gỡ các đối tác và các bộ phận nhân viên của công ty để lắng nghe những yêu cầu, mong muốn.
Sau khi trở thành CEO của IBM, Louis Gerstner đã lôi kéo được hàng loạt nhân vật nổi bật trong ngành, như anh trai Richard Gerstner, từng là chuyên gia của IBM tại châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, mang phong thái lãnh đạo từ trường quân sự lừng lẫy West Point quay trở lại sau khi nghỉ hưu để tham gia tư vấn cho Louis. Một nhân vật khác tạo ảnh hưởng rất lớn là Thomas Watson, CEO lừng danh của IBM vào những năm 1970, đã đích thân tìm gặp Louis Gerstner và cố vấn tường tận mọi “ngóc ngách” của IBM.
Louis Gerstner đã yêu cầu các thuộc cấp của mình nhanh chóng thiết kế một dòng máy vi tính mainframe có những chức năng tiên tiến nhất trên thị trường. Louis Gerstner cho rằng IBM vốn rất mạnh về các dòng máy mainframe hơn là các dòng máy vi tính cá nhân, tuy nhiên điều khiến cho IBM không thể bán được đó là các đối thủ trong lĩnh vực này đang hạ giá quá thấp. Điển hình là Hitachi và Fujitsu sẵn sàng hạ giá sản phẩm của họ thấp hơn 30-40% giá của IBM.
Louis Gernest nhận định, nếu tiếp tục để dòng máy của IBM quá cao, tập đoàn sẽ mất đi tài sản quý nhất của họ - các khách hàng, vào tay đối thủ nhưng nếu hạ giá sản phẩm sẽ khiến biên lợi nhuận của tập đoàn chịu ảnh hưởng tiêu cực. Louis đã yêu cầu bộ phận nghiên cứu của tập đoàn, tìm ra cách đơn giản hóa phần mềm và phần cứng của các sản phẩm IBM. Ông đã đặt cược tất cả vào chiến lược này và gọi nó là dự án S390.
Những bộ óc tài năng của bộ phận nghiên cứu IBM dưới sự dẫn dắt của Louis Gerstner đã tạo ra công nghệ CMOS, chất bán dẫn giúp thay đổi kiến trúc bảng mạch máy vi tính, thay thế cho hệ thống lưỡng cực trước đây, giảm chi phí sản phẩm mainframe của IBM từ 63.000USD xuống còn 2.500USD. Chi phí giảm giúp biên lợi nhuận tăng, 1 tỷ USD đầu tư vào năm 1992-1993 đã nhân lên 19 lần vào năm 1997, đem lại cho IBM 19 tỷ USD lợi nhuận.
Để giúp IBM dễ phát triển hơn, Louis Gerstner bắt đầu tinh gọn các bộ phận của IBM. Ông thậm chí còn quyết định từ bỏ hệ điều hành OS/2 của IBM dù các chuyên gia phân tích rằng những tính năng của hệ điều hành còn mạnh hơn Windows. Nhưng theo Louis, Windows vào những năm 1990 đã chiếm đến 90% thị trường, việc tiếp tục cạnh tranh trong cuộc chiến đã biết trước kết quả (thua) sẽ khiến tập đoàn tốn kém rất nhiều chi phí. Khoản phí để nghiên cứu OS/2 sẽ được dùng cho việc nghiên cứu các lĩnh vực khác có tiềm năng cạnh tranh lớn hơn của tập đoàn.
Những lĩnh vực khác có khả năng cạnh tranh lớn hơn của tập đoàn mà Louis Gerstner nhắc đến đó là dịch vụ doanh nghiệp. Sau khi lắng nghe khách hàng than phiền ông đã nhận thấy rằng chưa có doanh nghiệp nào có thể cung cấp hệ thống máy vi tính từ đầu đến cuối, họ phải tích hợp nhiều thiết bị khác nhau từ nhiều hãng khác nhau.
Nhận thấy cơ hội kinh doanh rất lớn dành cho IBM, ông phát triển lĩnh vực này, cung cấp một hệ thống máy vi tính gồm toàn bộ sản phẩm của IBM cho khách hàng. Đến năm 1996 chiến lược trên đã giúp IBM thu được lợi nhuận. Vốn hóa thị trường của IBM vào năm 1993 nằm ở mức 29 tỷ USD, nhưng đã tăng lên 168 tỷ USD vào năm 2002 nhờ vào dịch vụ này.
Trong cuốn tự truyện về quá trình lãnh đạo IBM, cựu CEO Louis Gerstner đã ví IBM như một “chú voi” vì quy mô đồ sộ, và diễn tả cuộc vượt thoát khủng hoảng của IBM như một “điệu nhảy”, thể hiện sự uyển chuyển, mượt mà. |