Chiến lược “mua rẻ, bán đắt”
Stephen Elop tốt nghiệp khoa Công nghệ và quản trị máy vi tính, Đại học McMaster, Canada. Ra trường ông làm việc tại công ty phần mềm Macromedia trong 7 năm, lần lượt trải qua các vị trí tổng giám đốc, giám đốc vận hành, phó giám đốc điều hành và cuối cùng là giám đốc điều hành vào năm 2005.
Những năm cuối của thập niên 1990, internet phát triển mạnh, trong đó world wide web (www) trở nên phổ biến trong việc liên kết các mạng lưới thông tin trên toàn cầu, kéo theo những nhu cầu về phát triển các phần mềm đồ họa, hỗ trợ các nhà thiết kế trang web. Khoảng thời gian này, Stephen Elop phát triển sản phẩm phần mềm có tên Macromedia Studio 8, một phần mềm hỗ trợ rất lớn cho các nhà thiết kế web. Tầm nhìn Stephen Elop hướng đến không chỉ giúp tạo ra lợi nhuận cho công ty từ Macromedia Studio 8, mà còn dùng sản phẩm này trở thành điều kiện đàm phán trước ý định thâu tóm công ty từ Adobe, “ông vua” đồ họa hàng đầu thế giới.
Những dự đoán của Stephen Elop về việc Adobe sẽ “khai mào” thương vụ sáp nhập bắt đầu thành hiện thực, khi Adobe đệ đơn kiện Macromedia vi phạm 2 bằng sáng chế trên bảng màu. Công ty phải bồi thường mức phí 2,8 triệu USD cho Adobe vì phán quyết của tòa án. Ngay sau khi phán quyết được đưa ra, 8 ngày sau Stephen Elop đã kiện ngược lại Adobe về việc thương mại phần mềm sử dụng 4 công cụ do Macromedia phát triển. Sau nhiều cuộc điều tra, tòa án phán quyết Adobe đã sử dụng 3 công cụ do Macromedia phát triển mà chưa thông qua thỏa thuận với Macromedia, buộc bồi thường 4,9 triệu USD. Ngay sau khi tòa án đưa ra phán quyết, Adobe tuyên bố hủy các cáo buộc đối với Macromedia và ngược lại, Macromedia cũng rút đơn kiện Adobe. Theo Economist, CEO Adobe và CEO Macromedia đã bí mật gặp nhau tại một quán rượu kín đáo ở Los Altos, California, nội dung cuộc gặp gỡ đến nay vẫn không được tiết lộ nhưng chỉ 3 năm sau các vụ kiện diễn ra, 2 bên đã đạt được thỏa thuận sáp nhập.
Theo thỏa thuận, Adobe chi 3,4 tỷ USD để sở hữu toàn bộ Macromedia, các cổ đông của Macromedia được nhận 0,69 cổ phiếu Adobe cho mỗi cổ phiếu Macromedia. Giá trị mỗi cổ phiếu sau sáp nhập là 41,86USD, cao hơn 25% so với giá trị cổ phiếu Macromedia trước khi đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng.
“Con ngựa thành Troy”
“Con ngựa thành Troy”
Ấn tượng với màn trình diễn Macromedia, năm 2008 CEO Microsoft thời điểm này Steve Ballmer đã đưa Stephen Elop về làm giám đốc kinh doanh. Ông nhanh chóng bắt nhịp với công ty và tạo ấn tượng tốt với ban lãnh đạo khi đẩy mạnh hoạt động kinh doanh phần mềm Microsoft Office 10. Tuy nhiên, tham vọng của Microsoft không chỉ dừng lại ở đó, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Apple và Samsung, Microsoft không thể ngồi ngoài. Với vị thế của mình, Microsoft đã lên kế hoạch thâu tóm cả Nokia để cùng thương hiệu này cho ra mắt thị trường dòng điện thoại thông minh Windows Phone. Người được lựa chọn cho tham vọng này không ai khác đó là Stephen Elop.
Microsoft sau khi đưa ra đề nghị hợp tác đã cho rằng vị trí CEO của Nokia cần phải thay đổi, và giới thiệu Stephen Elop có thể giúp họ bắt kịp Apple và Samsung trên thị trường. Nokia đã đồng ý thay CEO Phần Lan đương nhiệm là Olli-Pekka Kallasvuo để bổ nhiệm Stephen Elop trở thành CEO mới vào năm 2010. Giới công nghệ đón nhận thông tin này một cách tích cực bởi Nokia đang bắt đầu chậm lại trong cuộc chiến di động và cần cải tổ để có thể ngăn sự bành trướng của Apple. Lúc này, Nokia vẫn là hãng điện thoại di động số một thế giới nhưng phân khúc smartphone đã tỏ ra yếu kém so với các đối thủ. Nokia mạnh về phần cứng, nhưng lại không phải là hãng đi đầu về phần mềm di động. Do đó, Elop với kinh nghiệm và những mối quan hệ của mình có thể biến đổi Nokia theo hướng hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau khi được bổ nhiệm, Stephen Elop bắt đầu thực hiện một cuộc lột xác mới cho Nokia khi ông đã trực tiếp dẫn dắt một buổi thuyết trình có chủ đề “Nền tảng đang cháy”. Buổi thuyết trình này của Stephen Elop như một lời cảnh tỉnh đối với toàn bộ ban lãnh đạo Nokia rằng hiện nay cuộc cạnh tranh giữa các thiết bị điện tử thông minh không chỉ đơn thuần là cuộc cạnh tranh giữa các thương hiệu mà là cuộc cạnh tranh của một “hệ sinh thái” công nghệ. Để cạnh tranh với thị trường hiện nay, phần cứng và phần mềm là không đủ mà còn là các nhà phát triển hệ điều hành, ứng dụng… Vì vậy, xây dựng một hệ sinh thái công nghệ cùng các Big Tech là cách tồn tại và phát triển duy nhất của Nokia.
Chỉ vài ngày sau đó, Stephen Elop đã có một bài phát biểu tại London thông báo chiến lược tiếp theo của Nokia trong tương lai là sẽ hợp tác sâu hơn cùng Microsoft để thực hiện dự án Windows Phone, Nokia sẽ cung cấp thiết bị và phần cứng trong khi đó Microsoft sẽ đảm nhiệm phát triển hệ điều hành. Stephen thậm chí còn dẫn lời của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill để nói về mối quan hệ mới này: “Người bi quan nhìn thấy khó khăn trong mọi cơ hội, nhưng người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong mọi khó khăn”.
Dự án Windows Phone ngày càng đi vào bế tắc và không đạt được những thành công như mọi người kỳ vọng. Nokia chuyển sang Windows Phone khi phần cứng thật sự vẫn chưa sẵn sàng và kết cục đã gần như “giết chết” doanh số điện thoại chạy hệ điều hành Symbian 7 tháng liền, trước khi công ty này chính thức có phiên bản thay thế. Liên tiếp 5 quý sau khi hợp tác với Microsoft, Nokia chỉ toàn thua lỗ và làm bốc hơi 2,1 tỷ eur dự trữ. Cổ phiếu của họ xuống mức thấp nhất kể từ năm 1996. Đỉnh điểm của sự sa lầy này là cổ phiếu của Nokia đã trượt giá đến 85%. Cuối cùng tháng 9-2013, mảng thiết bị và dịch vụ cùng một số bằng sáng chế của Nokia bị Microsoft thâu tóm với giá 7,2 tỷ USD. Nokia chỉ còn là một công ty thiên về công nghệ và kinh doanh bản quyền chứ không còn sản xuất điện thoại nữa. Thương vụ này là dấu chấm hết cho công ty lừng lẫy một thời.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, Stephen Elop được mời về lại “mái nhà xưa” Microsoft với vị trí Phó Chủ tịch điều hành tập đoàn các thiết bị của Microsoft và về hưu chỉ 1 năm sau đó.