Đây là hội nghị lần thứ 3 trong 3 tháng qua mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì nhằm kiểm tra tình hình giải ngân cũng như tháo gỡ các vướng mắc khi giải ngân, một trong những yếu tố quan trọng tác động tới tăng trưởng kinh tế.
Nhanh hay chậm là do quyết tâm của người đứng đầu
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương tính đến hết tháng 10-2020 ước đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% so với kế hoạch giao. Mức giải ngân vốn nước ngoài đã tăng từ 21,26% trong 8 tháng lên 30,15% trong 10 tháng, cao hơn cùng kỳ năm 2019. Nếu tính theo số vốn kế hoạch năm 2020 đã điều chỉnh thì mức giải ngân này đạt trên 35%. Mức giải ngân này tuy cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 cả về giá trị (12.367 tỷ đồng) và tỷ lệ (27,09%), nhưng tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài như vậy là vẫn còn thấp.
Phần lớn các bộ, cơ quan Trung ương có mức giải ngân thấp, riêng Bộ GTVT có mức giải ngân cao nhất với tỷ lệ 44,8%. Các địa phương có mức giải ngân khá như Tây Ninh (91,74%), Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%), Hà Nam (61,64%), Bắc Kạn (60,66%), Lai Châu (60,61%). Đáng chú ý, vẫn có tình trạng chậm hoàn thành thủ tục rút vốn và chậm giải ngân với số vốn kiểm soát chi nhưng chưa giải ngân (trên 2.797 tỷ đồng) và khối lượng công việc đã hoàn thành nghiệm thu (khoảng 4.533 tỷ đồng) hoàn tất thủ tục rút vốn và giải ngân.
Nguyên nhân được chỉ ra là do hầu hết hoạt động của các dự án gắn với yếu tố nước ngoài nên tiến độ thực hiện dự án ODA chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát.
Nhiều dự án do chuẩn bị đầu tư không kỹ, áp dụng các công nghệ nhanh thay đổi, dẫn đến phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc gia hạn hiệp định vay tác động tới tiến độ thực hiện dự án do không triển khai các công tác đấu thầu xây lắp, giải ngân mà còn gây khó khăn cho việc bố trí kế hoạch. Năm 2020 chỉ còn 2 tháng cuối năm nữa nhưng khối lượng giải ngân ODA còn rất lớn, gần 70% (gần 41.000 tỷ đồng).
Hầu hết các ý kiến tại hội nghị đều nhấn mạnh, nhanh hay chậm là do quyết tâm của người đứng đầu; các địa phương lập tổ công tác, thường xuyên đôn đốc, giao ban, tháo gỡ vướng mắc thì tốc độ giải ngân nhanh hơn.
Không “đá quả bóng” từ tỉnh lên Trung ương
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc các địa phương trong cả nước tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công khi 9 tháng mới đạt tỷ lệ giải ngân 60%, còn lượng vốn rất lớn chưa giải ngân. Thủ tướng tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm giải ngân vốn ODA rất tốt của tỉnh Ninh Bình, đó là một tháng họp HĐND một lần để quyết định giá cả, quyết định chuyển vốn đầu tư, bởi nếu cứ để mãi cả 6 - 7 tháng không đề cập, bí thư, chủ tịch không đi kiểm tra đôn đốc, không đưa ra Ban Thường vụ để kiểm tra, phê bình, nhắc nhở thì không chuyển biến được.
Hay Hải Phòng đã giải quyết tốt những tồn tại trong việc giải phóng mặt bằng - có nơi phải giải phóng đến 1/10 dân số nhưng vẫn làm rất kịp thời. Cùng với đó, TPHCM, tuyến metro trước đây cũng bế tắc nhưng vừa qua đã tập trung tốt và một số tuyến ở Bến Thành - Suối Tiên đã chạy thử vào cuối năm nay. Hà Nội cũng đã làm khá tốt. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải rà lại các nguyên nhân xem chủ đầu tư, chủ dự án đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình hay chưa.
Thủ tướng nhấn mạnh, ODA là một nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Đất nước đang thiếu nguồn vốn phát triển, các bộ, ngành có trách nhiệm trong việc tìm nguồn lực để phát triển đất nước khi hiện nay còn nhiều vấn đề bức xúc về vốn mà nguồn ngân sách nhà nước chưa đủ như phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội, giao thông… Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, quan liêu, nhũng nhiễu. Lãnh đạo các cấp trực tiếp đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tập trung xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc các dự án đầu tư lớn để đẩy mạnh giải ngân.
Thủ tướng yêu cầu thẩm quyền của người nào, cơ quan nào, ban quản lý nào thì phải tự giải quyết, không “đá quả bóng” từ tỉnh lên Trung ương. Phải xắn tay vào cuộc, phải quyết chí trong lãnh đạo, phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt được tỷ lệ giải ngân cụ thể. “Địa phương nào không làm được thì báo cáo Thủ tướng điều chuyển vốn, cắt vốn, thậm chí sang năm 2021, 2022 không bố trí vốn nữa.
Phải có chế tài mạnh mẽ”, Thủ tướng lưu ý. Từ nay đến cuối năm còn lượng vốn khoảng 41.000 tỷ đồng, tương đương gần 70% kế hoạch giao chưa được giải ngân, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để giải ngân tối đa khoản vốn này. Cùng với đó, hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm đơn giản thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư. Hàng tháng, Bộ KH-ĐT tổng hợp trình Thủ tướng xem xét, điều chuyển nội bộ vốn ODA giữa các dự án trong bộ, ngành, địa phương, đặc biệt các hiệp định vay sắp kết thúc trong năm 2020-2021, đừng để mất vốn. Cần chấm dứt tình trạng ghi danh mục mà không có dự án.
“Các đồng chí đứng đầu các cấp phải quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo, không thể chấp nhận có tình trạng có vốn, có tiền mà không tiêu được, không phát triển được, cứ cam chịu nghèo, khó khăn, đó là nghịch lý của sự yếu kém về quản lý của chúng ta, phải kiên quyết thay đổi. Cuối năm sẽ kiểm điểm xem tỉnh nào, thành phố nào làm tốt, phê bình tỉnh, địa phương nào chây ì, không làm tốt”, Thủ tướng chốt lại.