Dinh dưỡng trong mùa dịch
Theo PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, tác động của đại dịch Covid-19 vượt ra ngoài phạm vi nguy cơ về lây nhiễm virus. Thay đổi trong lối sống do lệnh giãn cách ở nhà có thể tác động lên sức khỏe và tâm lý của bạn. Các nghiên cứu cho thấy đại dịch gây tình trạng căng thẳng và lo lắng, điều này cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta ăn, động lực tập luyện vận động cơ thể và cả chất lượng giấc ngủ. Thí dụ, chất lượng giấc ngủ kém dẫn đến tăng cảm giác đói, giảm nhạy cảm insulin…
Thống kê cho thấy tình trạng giãn cách tại nhà dẫn đến tăng nguy cơ thừa cân và béo phì. Các rối loạn này là tiền đề dẫn đến các bệnh mạn tính không lây như tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường type 2, bệnh khớp… Người thừa cân cũng có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn khi nhiễm virus SARS-CoV2. Để sống khỏe mạnh trong giai đoạn ở nhà, cần lưu ý có chế độ ăn lành mạnh, cân bằng, đủ chất đạm, sử dụng chất bột đường tốt (tránh đường đơn giản), đủ chất xơ, sử dụng chất béo lành mạnh (hạn chế béo bão hòa có trong mỡ, chất béo có trong thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn), ăn nhiều rau quả để cung cấp vi chất dinh dưỡng giúp hỗ trợ hệ miễn dịch.
Ngoài ra cũng duy trì lối sống tích cực, kiểm soát căng thẳng. Mỗi ngày nên vận động ít nhất 30 phút, nên chọn hình thức tập luyện tại nhà. Một người 70kg sẽ đốt cháy khoảng 100calo cho mỗi dặm (tương đương 1,6km). Do đó nếu đi bộ 8km với 10.000 bước chân có thể đốt cháy 500calo. Đều này vừa giúp rèn luyện thể chất, kiểm soát cân nặng và kiểm soát stress.
Lưu ý người tăng huyết áp trong dịch
ThS.BS Nguyễn Đình Sơn Ngọc, Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, người mắc các bệnh lý về tim mạch nói chung và tăng huyết áp nói riêng là một trong những đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng nếu nhiễm Covid-19. Một nghiên cứu trên người nhiễm Covid-19 cho thấy, tỷ lệ tử vong ở người có bệnh nền tim mạch cao gấp 5 lần so với người bình thường. Do vậy, bên cạnh việc tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch của Bộ Y tế, người bệnh cần kiểm tra lại ngay cơ số thuốc mình hiện có. Nếu còn ít cần gọi điện thoại cho bác sĩ điều trị hoặc phòng khám chuyên khoa mình đang được theo dõi để bổ sung kịp thời, uống thuốc đầy đủ theo chỉ định.
Cần kiểm tra và chắc chắn rằng đã có các trang thiết bị y tế cơ bản như nhiệt kế, máy đo huyết áp… Trong trường hợp có chỉ định tái khám, phải đeo khẩu trang và thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của cơ sở y tế. Nếu có các triệu chứng khó thở, nặng ngực, mệt mỏi ngày càng tăng dần hoặc huyết áp, tần số tim không ổn định, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị để nhận được hướng dẫn xử trí phù hợp. Nếu bị các triệu chứng nặng như khó thở, đau ngực nhiều, tím tái, lú lẫn… cần gọi ngay đơn vị cấp cứu để được chuyển đến bệnh viện gần nhất.
Về chế độ sinh hoạt, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ. Nên vận động vừa sức, đảm bảo hạn chế tiếp xúc theo các quy định phòng chống dịch và có chế độ ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất. Bên cạnh đó, người bệnh nên ngủ đủ giấc, không căng thẳng quá mức và không lạm dụng bia rượu, các chất kích thích.
Chăm sóc người thoái hóa khớp
Theo TS.BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, thoái hóa khớp là nguồn gốc của những cơn đau mạn tính kéo dài và có thể gây ra nhiều biến chứng. Biến chứng tại khớp như thoái hóa khớp làm tổn thương sụn khớp và gây đau, suy yếu gân cơ, hoại tử xương, tổn thương dây chằng, gây biến dạng khớp… làm cho người bệnh suy giảm chất lượng cuộc sống và giảm khả năng đi lại, giảm năng suất lao động, một số trường hợp nặng có thể gây tàn phế. Ngoài ra, thoái hóa khớp còn gây các biến chứng khác như rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác.
Không có chế độ ăn uống nào có thể tránh hoàn toàn hay chữa khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp. Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất có thể giúp cho khớp gối khỏe mạnh, làm chậm quá trình thoái hóa: Ăn uống cân bằng chất dinh dưỡng, không ăn quá nhiều chất béo, giảm lượng tinh bột, giảm lượng đường, giảm lượng calo thu nhập vào sẽ giúp giảm cân hoặc giữ cân nặng ở mức lý tưởng để tránh thừa cân/béo phì. Thừa cân/béo phì là 1 yếu tố làm cho bệnh thoái hóa khớp nặng lên.
Ăn nhiều trái cây và rau củ vì những thực phẩm này chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp làm giảm tổn thương các tế bào trong cơ thể trong đó có tế bào sụn. Ngoài ra những thực phẩm chứa nhiều vitamin C, acid béo không bão hòa cũng có thể giúp giảm viêm và giảm đau do bệnh thoái hóa khớp gây ra. Bên cạnh chế độ ăn, người thoái hóa khớp cần có chế độ sinh hoạt - nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục điều độ tại nhà, không tập cường độ quá cao nhưng cũng tránh lối sống không vận động, phòng tránh những tư thế không đúng trong sinh hoạt hàng ngày để làm giảm tải lên hệ thống cơ xương khớp.
Nhiều người quan tâm, bệnh nhân thoái hóa khớp có nên tiêm chủng ngừa Covid-19 không. Tất cả người dân nếu không có những yếu tố nguy cơ hoặc chống chỉ định của việc tiêm ngừa như dị ứng, bệnh cấp tính, suy gan, rối loạn đông máu... đều nên chủng ngừa Covid-19. Chủng ngừa là biện pháp hữu hiệu bảo vệ cơ thể khỏi bị bệnh nặng và giảm nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh. Đối với những người bị thoái hóa khớp nếu đang sử dụng thuốc Paracetamol hoặc thuốc kháng viêm không steroid để giảm đau thì ngày tiêm ngừa nên ngưng thuốc, sau đó thì có thể uống lại theo chỉ định của bác sĩ. Tất cả những thuốc khác như thuốc tăng huyết áp, thuốc đái tháo đường... người bệnh vẫn có thể sử dụng bình thường.