Phản hồi thông tin này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng - người phát ngôn Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành y tế thành phố ghi nhận những ý kiến của bạn đọc Báo SGGP và sẽ trao đổi với các quận, huyện để kịp thời chấn chỉnh.
Chậm trễ do quá tải
PHÓNG VIÊN: Thưa bà, liên tiếp thời gian qua, đường dây nóng báo SGGP đã nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về việc nhiều F0 gặp khó khăn khi tiếp cận y tế cơ sở. Bà nhận định sao về vấn đề này?
Bà NGUYỄN THỊ HUỲNH MAI: - Gần đây, Sở Y tế TPHCM cũng nhận được nhiều phản ánh của người dân, đặc biệt là những bệnh nhân F0 khó tiếp cận hoặc tiếp cận nhân viên y tế một cách chậm trễ. Qua tìm hiểu, ngành y tế cũng thừa nhận thực trạng này. Do số lượng F0 nhiều, nhân lực hạn chế nên nhân viên y tế có xuống chậm, ngành y tế đã và đang chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.
Qua đây sở cũng mong người dân khi biết mình là F0, điều đầu tiên cần làm là phải gọi về Trạm y tế phường, xã để ghi nhận là công dân ở tại địa phương bị F0. Nhân viên của ngành y tế, trạm y tế hoặc Ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương đó phải xuống kiểm tra xem F0 đó có đủ điều kiện cách ly tại nhà hay không? Nếu đủ điều kiện, cho cách ly tại nhà và phát túi thuốc A, dự phòng túi thuốc B trong trường hợp chuyển nặng.
Bên cạnh đó, cần hướng dẫn F0 hoặc người nhà tiếp cận với mạng lưới thầy thuốc đồng hành, cũng như thông tin về tư vấn sức khỏe của các trạm y tế lưu động để quản lý F0 tại nhà, cắm bảng cách ly tại nhà hoặc căng dây (tùy theo địa phương) giám sát người đó không ra khỏi nhà. Trong trường hợp F0 có nhu cầu hoặc cảm thấy cần phải vào bệnh viện do có nhiều bệnh nền thì trạm y tế phường, xã sẽ hỗ trợ, bố trí xe vận chuyển vào bệnh viện hoặc khu cách ly tập trung quận, huyện theo đúng quy định.
- Nhiều người dân cũng phản ánh gói thuốc C (Molnupiravir) bị thiếu, khó tiếp cận, thực trạng này hiện ra sao, thưa bà?
- Hiện gói thuốc C tại TPHCM không thiếu và Bộ Y tế đã cung ứng cho thành phố đủ để dùng. Tuy nhiên, phải sử dụng đúng mục đích. F0 là những người nằm trong chiến dịch bảo vệ người nguy cơ phải được sử dụng; còn những đối tượng khác không có triệu chứng thì không cần thiết sử dụng. Người từ 18-65 tuổi và không có bệnh nền như suy gan, suy thận; nhóm phụ nữ có thai, đang cho con bú, hoặc có kế hoạch có thai trong 6 tháng tới thì không dùng túi thuốc C. Do vậy không phải cứ F0 là sử dụng túi thuốc C. Ngành y tế đang tập trung ưu tiên cho đối tượng nguy cơ và các bác sĩ của trạm y tế là người chỉ định sử dụng thuốc, chứ không phải bệnh nhân chỉ định cho bác sĩ.
Trên thực tế, có những trường hợp khiến nhân viên y tế địa phương rất khó khăn. Đó là những người rất khỏe, không triệu chứng, không đủ điều kiện uống thuốc Molnupiravir, nhưng cho loại khác thì không chịu, đòi thuốc kháng virus mới chịu. Điều này không đúng, bởi hiện nay thành phố đang tập trung cho đối tượng người có nguy cơ cao.
Xuất hiện tình trạng lấy túi thuốc C để bán
- Có một thực trạng, khi người dân có nhu cầu gói thuốc C, tìm đến trạm y tế tại địa phương thì không có, nhưng lại xuất hiện nhiều ở “chợ đen”. Ngành y tế có biện pháp gì để chấn chỉnh?
- Bộ Y tế đã khẳng định đối với thuốc trong gói C là những loại chưa được cấp phép, nên việc lưu hành, trao đổi, buôn bán là trái phép, người mua và người bán đều vi phạm pháp luật. Nếu người dân phát hiện ai bán thuốc này, báo ngay cơ quan công an hoặc Sở Y tế để xử lý. Thuốc này là thuốc kiểm soát đang trong giai đoạn nghiên cứu lâm sàng, người uống tham gia vào chương trình này phải ký cam kết, sau khi được đánh giá đầy đủ, xác nhận là F0, đủ điều kiện thì mới được sử dụng.
Hiện có tình trạng lợi dụng việc phân phối thuốc, phản ánh với cơ quan báo chí là thiếu thuốc, để được hỗ trợ tiếp nhận và làm mục đích khác. Theo tìm hiểu của Sở Y tế, một số nhà thuốc tây báo cáo, nhiều F0 không biết có phải là F0 thật hay không, sau khi test nhanh đưa que thử có kết quả dương tính yêu cầu phải có túi thuốc C, không được cấp phát thì báo cấp trên. Sau khi có thuốc rồi thì chạy thẳng ra nhà thuốc, hoặc các đơn vị nào đó để bán lại. Sở Y tế cũng đã khuyến cáo đến hơn 6.500 nhà thuốc, đây là việc làm sai trái về sử dụng thuốc chưa được cấp phép lưu hành. Đơn vị nào tiếp tay sẽ bị xử lý nặng. Bên cạnh đó, Công an TPHCM đang theo dõi sát tình hình.
Báo SGGP tiếp nhận thông tin, bài viết ghi nhận, phản ánh về những trường hợp F0 được chính quyền, lực lượng y tế cơ sở quan tâm chăm sóc tận tình, hết lòng cứu chữa và cả những trường hợp chưa được quan tâm chăm sóc đúng mức, qua đường dây nóng (028) 39 294 075 - (028) 39 294 076 - (024) 39 433 933- 0908 033 044 (Zalo, Viber); email: bandoc@sggp.org.vn; website: http://www.sggp.org.vn |