Chần chừ kế hoạch niêm yết

Nhà nước quyết tâm, nhà băng dùng dằng

(ĐTTCO) - Kế hoạch niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán đã được NHNN đôn đốc nhiều lần và các NHTM cũng hứa với cổ đông sẽ sớm niêm yết, song từ đầu năm 2014 đến nay vẫn chỉ có 9 NHTM niêm yết trên sàn. Trong bối cảnh đó, mục tiêu công khai, minh bạch để lành mạnh hóa hệ thống như kỳ vọng vẫn chưa thể đạt được.

Nhà nước quyết tâm, nhà băng dùng dằng

Tính từ năm 2013 đến nay, NHNN đã nhiều lần yêu cầu NHTM phải niêm yết cổ phiếu. Cụ thể, cuối năm 2013 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và NHNN đã hối thúc các NHTMCP đại chúng lên sàn để tăng cường kiểm soát và bóc tách dần tình trạng sở hữu chéo. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo NHNN buộc các NHTM phải niêm yết để giao dịch công khai minh bạch, hạn chế tình trạng sở hữu chéo. Đến tháng 7-2014, NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhắc lại chủ trương trên và đưa ra lộ trình trong năm 2015 tất cả NHTM phải niêm yết.

Cuối tháng 1-2015, NHNN tiếp tục ban hành Văn bản 657/NHNN-TTGSNH về việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các NHTMCP nhằm thực hiện giải pháp “Niêm yết cổ phiếu của các NHTMCP trên thị trường chứng khoán” tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp tục đôn đốc các NHTMCP đặt trụ sở chính trên địa bàn chưa niêm yết cổ phiếu hoàn thiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Cứ sau mỗi lần NHNN hối thúc NHTM lên sàn, thị trường lại chờ đón làn sóng niêm yết của các NHTM vì NHNN đặt ra hạn định rất cụ thể. Nhưng từ khi BIDV niêm yết vào tháng 1-2014 đến nay, con số 9 NHTM niêm yết trên sàn vẫn không thay đổi. Trong khi đó, nhóm NH chưa niêm yết hầu như năm nào cũng đưa ra kế hoạch lên sàn nhưng vẫn chưa có NH nào thực hiện được. Như DongABank đã lên kế hoạch niêm yết từ trước năm 2008 trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, đã được ĐHCĐ thông qua, nhưng chưa kịp thực hiện đã trải qua khủng hoảng tài chính khu vực và thế giới khiến thị trường chứng khoán lao dốc, kế hoạch lên sàn phải hoãn lại vô thời hạn.

Khi mới thành lập LienVietPostBank, lãnh đạo NH này cũng cho biết sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán khi đủ năm, tức sau 5 năm theo quy định. Tuy nhiên, đến nay đã qua 8 năm hoạt động nhưng NH này vẫn chưa đưa ra bất kỳ tờ trình nào để xin ý kiến cổ đông về việc xây dựng kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán. Năm ngoái tại ĐHCĐ, NamABank chính thức thông báo sẽ tiến hành niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán theo đúng quy định của NHNN và cho biết đã đủ các điều kiện để tiến hành hoàn tất thủ tục niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2015. Song kế hoạch này cho đến nay vẫn chưa hoàn thành, theo thông báo về chương trình nghị sự tại ĐHCĐ diễn ra ngày 15-4 tới đây, NH sẽ tiếp tục đưa ra tờ trình về việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Vẫn chỉ là kế hoạch

Trong các mùa ĐHCĐ gần đây, ngoài vấn đề lợi nhuận, cổ tức, cổ đông của các NH rất quan tâm và luôn đặt câu hỏi khi nào NH thực hiện niêm yết như đã hứa. Tại ĐHCĐ của VPBank vừa diễn ra, trong phần thảo luận chỉ có 1 cổ đông duy nhất tham gia chất vấn và nội dung liên quan kế hoạch lên sàn UPCoM của NH này. Với câu hỏi này, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết hiện tại theo quy định pháp luật chậm nhất đến cuối năm 2016 các NH phải lên sàn niêm yết hoặc UPCoM, VPBank hiện đang tiến hành thủ tục để đảm bảo đủ điều kiện lên sàn. NH này vẫn đang chờ các hướng dẫn cụ thể của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trước đó, năm 2015 các NH đã tái cơ cấu thông qua mua bán sáp nhập đều nói đã tính đến việc niêm yết nhưng phải chờ thời điểm thuận lợi. Thậm chí, lãnh đạo một NHTM thừa nhận dù NH có đặt ra mục tiêu sẽ niêm yết cụ thể, nhưng chỉ thực hiện trong điều kiện thị trường thuận lợi, còn nếu giá cổ phiếu chưa có lợi vẫn chưa niêm yết. Năm ngoái, khi cổ đông chất vấn về việc 3 năm không niêm yết được như kế hoạch đề ra, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB, cho biết VIB có kế hoạch niêm yết nhưng vì việc niêm yết có liên quan đến nhiều góc độ, cần theo dõi công việc, NH dựa theo những lựa chọn ưu tiên thí dụ như phát triển dịch vụ, thương hiệu.

Một chuyên gia tài chính nhận định việc niêm yết trên sàn chứng khoán mang lại lợi ích lớn trong hoạt động tái cơ cấu của NH vì cơ chế thị trường chứng khoán sẽ tạo ra công cụ giám sát sức khỏe NH hiệu quả nhất thông qua áp lực của công chúng, nhà đầu tư lẫn những quy định chặt chẽ của thị trường chứng khoán. Khi NH niêm yết trên sàn còn có thể tạo dựng được niềm tin đối với khách hàng và được hưởng những lợi ích của doanh nghiệp niêm yết. Rõ ràng, hiện nay cổ phiếu của các NH niêm yết đều cao hơn so với NH chưa niêm yết. Cụ thể, trên sàn OTC hiện cổ phiếu của nhiều NH được chào bán với giá rất rẻ, chỉ từ 3.000-5.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu các NH lên sàn minh bạch hóa thông tin, tạo dựng được sự tin tưởng của người gửi tiền lẫn nhà đầu tư giá cổ phiếu chắc chắn sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, các ông chủ NH lo ngại khi niêm yết, hoạt động mua bán cổ phiếu phải khai báo cụ thể và hoạt động của NH khi đó cũng chịu áp lực thay đổi chất lượng, quy mô hoạt động. Hiện nay, trên website của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, trong danh sách công ty nộp hồ sơ niêm yết mới chưa có NH nào đăng ký. Vì vậy, nếu muốn NH tham gia niêm yết để lành mạnh hóa hoạt động, xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo như kỳ vọng đặt ra, chắc chắn NHNN cần phải có biện pháp quyết liệt hơn thay vì chỉ đôc đốc, hối thúc.

Các tin khác