Mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, song xuất khẩu vẫn là bệ đỡ quan trọng để thực hiện mục tiêu kép về kinh tế-xã hội
Đáng chú ý, xuất siêu đạt được trong 11 tháng vừa qua ở con số kỷ lục cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và khai thác, tận dụng tốt các cơ hội mang lại nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Công nghiệp chế biến dẫn dắt tăng trưởng
Thống kê của Bộ Công Thương, cho thấy trong tháng 11, xuất khẩu đem về khoảng 25,14 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng của cả nước lên con số 254,93 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Có được kết quả trên là nhờ sự đóng góp tích cực của nhóm hàng công nghiệp chế biến với kim ngạch xuất khẩu đạt 20,97 tỷ USD trong tháng 11 (tăng 8,2% so với tháng 11/2019). Lũy kế 11 tháng, nhóm này đem về 216,35 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 11 cũng chứng kiến sự hồi phục của nhóm hàng nông, lâm thủy sản với giá trị thu về đạt khoảng 2,22 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Điểm nổi bật là giá nhiều mặt hàng trong nhóm nông, lâm thủy sản tăng trở lại cho thấy nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này của Việt Nam khởi sắc sau thời gian dài chịu tác động của dịch COVID-19.
Đơn cử mặt hàng càphê, xuất khẩu bình quân trong tháng 11/2020 đạt 1.963 USD/tấn, tăng 5,7% so với tháng 10/2020 và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, giá xuất khẩu hạt tiêu tăng 3,6% so với tháng 10/2020 và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2019 hay giá xuất khẩu cao su tăng 8,8% so với tháng 10/2020 và tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, sau 11 tháng đã đạt 10,883 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái và là 1 trong 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm 4,26% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết mặc dù tình hình kinh tế trong nước cũng như quốc tế chịu ảnh hướng không nhỏ từ dịch COVID-19 nhưng ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của nước ta vẫn đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của nước ta trong năm 2020, góp phần duy trì đà phát triển xuất khẩu trong bối cảnh trong nước và quốc tế đều gặp khó khăn.
Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, nếu như các tháng đầu năm 2020 xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là mặt hàng cá tra bị sụt giảm mạnh do tác động từ dịch bệnh thì tới nay xuất khẩu đã tăng tốc trở lại.
“Dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2020 có thể đạt khoảng 8,4 tỷ USD và thị trường sẽ có nhiều triển vọng hơn trong năm 2021,” ông Trương Đình Hòe nói.
Xuất siêu lên cao kỷ lục
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 11/2020 ước đạt 24,48 tỷ USD, tăng 14,7%. Tính chung 11 tháng năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 234,78 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao, cụ thể: nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 22%; điện thoại các loại cũng tăng 9,3%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 9,7%; sản phẩm hóa chất tăng 3,1%...
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng, với kim ngạch ước đạt 73,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Hàn Quốc đạt 42 tỷ USD (giảm 2,9%); thị trường ASEAN đạt 27,3 tỷ USD (giảm 6,9%); Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 4,8%; thị trường EU đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,3%...
Với kết quả trên, tháng 11 ước tính cả nước xuất siêu 660 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,16 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (năm 2019 xuất siêu 10,8 tỷ USD).
Như vậy chỉ còn gần 1 tháng là kết thúc năm 2020 và để hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra, lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất-kinh doanh.
Giải pháp trọng tâm được ưu tiên triển khai là các hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường sớm khôi phục sau đại địch COVID-19.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu, cũng như khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu.
“Lãnh đạo bộ đã yêu cầu các đơn vị bám sát yêu cầu thực tiễn để tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; nắm bắt kịp thời tình hình thực tiễn, xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp và trên từng địa bàn để có biện pháp, đối sách cụ thể; tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế,” ông Cao Quốc Hưng cho hay.