Khó khăn tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng
Đại dịch này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng không, xuất khẩu thủy sản, bất động sản và các ngành kinh doanh khác.
Trong khi mọi hoạt động của doanh nghiệp bị ngưng trệ mấy tháng trời, thì ngân hàng vẫn không bỏ sót một ngày nào tính lãi suất cho họ. Khó khăn chất chồng nhưng lại không thể “chạm tay” đến gói hỗ trợ tín dụng hàng trăm ngàn tỷ đồng theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nước này, lãnh đạo các doanh nghiệp than trời, thậm chí muốn stress khi họ phải “rát cổ”, chạy mỏi cặp giò, rã cả tay để viết đơn nộp tới ngân hàng đề nghị được thực hiện giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất hoặc cho vay mới hay nới rộng “room” theo các gói ưu đãi (tổng cộng gần 300.000 tỷ đồng).
Thậm chí phải giải thích cụ thể và chứng minh thiệt hại kể cả vô hình hay hữu hình theo yêu cầu từ phía ngân hàng. Dù các doanh nghiệp nằm trong nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và sớm nhất bởi Covid-19.
Truân chuyên là vậy nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, thậm chí doanh nghiệp còn nghi ngờ chính sách này không được triển khai rộng khắp “mà chỉ có trên tivi”.
Bộ Công Thương mới đây cũng thừa nhận, các doanh nghiệp rất khó khăn để tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng như các ngân hàng đã rầm rộ loan tin.
Nhớ rõ, trước đây khi gói tín dụng 285.000 tỷ đồng được công bố, có hơn 10 ngân hàng thông báo trên truyền thông rằng họ tiên phong tham gia với lãi suất cho vay thấp hơn 0,5-2,5%. Tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước ngày 31-3, Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đã cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%/năm, và ngay sau đó đã công bố rộng rãi trên báo chí các gói hỗ trợ lớn với lãi suất thấp…
Thật vậy! Chỉ nghe gói tín dụng trăm ngàn tỷ đồng nhưng sao tiếp cận khó như "bắc thang lên trời", rất nhiều nhiều doanh nghiệp đang hỏi “bao giờ…”?
Dịch bệnh là bất khả kháng. Và nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền của hầu hết các doanh nghiệp. Lúc này “nhà băng” nên gấp rút cho vay hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp đã có lịch sử giao dịch tốt, uy tín - lãnh đạo doanh nghiệp tại TPHCM thẳng thắn đề nghị. Chứ nếu, ngân hàng vin vào cớ này nọ hay văn bản này kia thì “gói hỗ trợ” chỉ dừng ở ngõ truyền thông.
Làm sao để đẩy nhanh tiến độ?
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng nặng nề nếu doanh nghiệp không được cứu kịp thời. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước có lẽ nên điều chỉnh Thông tư 01 với hai điểm cần lưu ý. Thứ nhất là cho phép giãn nợ lâu hơn đối với các khách hàng vay trung và dài hạn để phù hợp hơn với khả năng phục hồi của dòng tiền của doanh nghiệp. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước nên có hướng dẫn chi tiết hơn về ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng và tiêu chí, phân nhóm đối tượng hỗ trợ, có thể là theo mức giảm doanh thu… để các ngân hàng nhất quán thực hiện.
Đặc biệt, các ngân hàng thương mại cần giảm thiểu thủ tục không cần thiết và minh bạch, nhất quán quy trình thực hiện.
Bên cạnh đó, để có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng, Ngân hàng Nhà nước có thể tăng cho vay tái cấp vốn với các ngân hàng, dù không nhiều, nhưng cũng hỗ trợ được ngân hàng thương mại phần nào trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, dòng vốn hỗ trợ này rất quan trọng để doanh nghiệp duy trì hoạt động. Đây là nhu cầu cần thiết nhất lúc này để doanh nghiệp thanh toán các khoản chi phí cố định như chi phí thuê mặt bằng, lương nhân công tối thiểu... Còn với doanh nghiệp sản xuất, nhu cầu vốn cần để thanh toán các nghĩa vụ tài chính và chuẩn bị nguyên liệu đầu vào chờ phục hồi sản xuất. Do đó, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ để tránh tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"...
Mới đây, trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị sử dụng công cụ tái cấp vốn với tỷ lệ chiết khấu phù hợp để hỗ trợ ngân hàng có nguồn vốn giá rẻ cho vay đối với doanh nghiệp.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết những ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận. Ví dụ Vietcombank năm ngoái đạt khoảng 22.000 tỷ đồng tiền lãi thì năm nay phải giảm 30-40%, tức đóng góp ít nhất 8.000 tỷ đồng dành cho việc hạ lãi suất và xem xét cho vay mới theo gói tín dụng hỗ trợ.