Chấp nhận luật chơi mới khi bước ra sân chơi lớn

(ĐTTCO) - Ngày 10-11, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ nghe báo cáo và thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Chấp nhận luật chơi mới khi bước ra sân chơi lớn

Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Song, nếu không áp dụng Việt Nam vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia có áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) được hưởng mức thuế suất thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu (15%), đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nếu áp dụng, Việt Nam sẽ thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung đối với những doanh nghiệp có dự án đang được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế TNDN, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước từ những đối tượng này. Một số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài cũng sẽ đóng thêm thuế bổ sung về Việt Nam (trường hợp quốc gia sở tại mà họ đầu tư không áp dụng thuế này).

Theo số liệu quyết toán thuế năm 2022, có 6 tập đoàn của Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng, gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát. Số thuế TNDN bổ sung về Việt Nam dự kiến khoảng 73 tỷ đồng.

Ngược lại, những ưu đãi thuế mà Việt Nam đang áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài thuộc diện bị tác động bởi loại thuế này sẽ không còn nhiều ý nghĩa và do đó, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sẽ trở nên ít hấp dẫn hơn trong mắt họ. Hiện nay, Việt Nam có 619 tập đoàn đa quốc gia với 1.017 công ty thành viên tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất trong năm 2021 đạt khoảng 750 triệu euro trở lên (thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu).

Theo tính toán sơ bộ của Tổng cục Thuế, trên cơ sở số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022, có 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu loại thuế này được áp dụng từ năm 2024. Cả nước có khoảng 335 dự án với số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thấp hơn 15% (trong đó đa số là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron...).

Tuy chỉ chiếm khoảng 1% về số dự án nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD). Dòng chuyển dịch đầu tư từ các doanh nghiệp này, nếu xảy ra do việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, sẽ có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, trong đó có tăng trưởng xuất khẩu và dự trữ ngoại hối.

Giữ chân các doanh nghiệp này bằng cách nào là câu hỏi không dễ dàng mà Quốc hội phải cân nhắc, quyết định đồng thời với việc ban hành nghị quyết thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.

Tuy vậy, điểm đáng chú ý là, theo báo cáo về chỉ số môi trường kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ưu đãi về thuế TNDN đứng gần cuối danh sách những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài, trong khi khó khăn về thủ tục hành chính mới là yếu tố có trọng số lớn nhất (chiếm 70%) mà Việt Nam cần phải cải thiện để thu hút nhà đầu tư. Cải thiện thủ tục visa và cho phép chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng, phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển về tăng trưởng xanh cũng là những yếu tố được doanh nghiệp quan tâm hơn nhiều so với ưu đãi thuế.

Bước ra sân chơi lớn, ắt phải chấp nhận luật chơi của sân chơi đó. Thuế tối thiểu toàn cầu là một phép thử về bản lĩnh, mức độ chuẩn bị để Việt Nam bình tĩnh, tự tin tham gia vào cuộc chơi một cách sòng phẳng và không bị thua thiệt.

Các tin khác