Chấp nhận vay nợ để tăng đầu tư công

(ĐTTCO) - Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận xét, mục tiêu tăng trưởng kinh tế hơn 8% dù là con số tham vọng song không có nghĩa không đạt được, trong đó đầu tư công (ĐTC) sẽ là động lực quan trọng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong 2025 mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra?

Ông NGUYỄN BÁ HÙNG: - Tôi thấy Chính phủ khá lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025. Xét trên đà tăng trưởng tích cực của năm 2024, mục tiêu này có khả thi. Chẳng hạn như ĐTC, phải thúc giải ngân tốt hơn hoặc thậm chí nâng quy mô ĐTC lên sẽ mang lại cơ hội lớn tăng trưởng năm 2025. Nợ công hiện đang ở ngưỡng rất an toàn, năm 2024 khoảng 36% GDP, nên nếu cần thiết hoàn toàn có thể vay nợ thêm để đầu tư cho hạ tầng. Nợ công có thể tăng lên đến 40 - 50% GDP vẫn là mức an toàn.

Ngoài ra có một yếu tố thuận lợi là ý chí quyết tâm vào cuộc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cũng như các cơ quan ban ngành từ trung ương xuống địa phương, trên tinh thần nhìn thẳng sự thật, xác định điểm nghẽn, giải pháp cụ thể, chỉ bàn làm không bàn lùi. Mặc dù hiệu quả của việc này cần thời gian để kiểm chứng, nhưng trước mắt thấy rất tích cực và đúng hướng.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, kinh tế Việt Nam 2025 cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn khó lường nhất hiện tại là thương mại. Có thể trong thời gian ngắn trước mắt, thương mại vẫn duy trì được tăng trưởng tốt, do xuất khẩu sang Mỹ có thể tăng đột biến khi người dân Mỹ tích hàng, mua trước để tránh bị tăng giá do chính sách thuế quan của chính quyền D. Trump.

Nếu trong tình huống hàng Việt Nam bị áp thuế, đây sẽ là khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam. Một rủi ro kèm theo của chính sách thuế quan này là FDI. Khi thương mại kém đi FDI sẽ kém theo, vì FDI vào Việt Nam thời gian vừa qua chủ yếu là FDI xuất khẩu, xuất khẩu kém đi thu hút FDI cũng kém. 2 động lực xuất khẩu và FDI năm ngoái Việt Nam làm rất tốt, nhưng triển vọng của năm nay sẽ khó khăn hơn.

Đáng chú ý là yếu tố cầu nội địa, năm 2024 có tăng trưởng tốt nhưng vẫn chưa đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng, cần được tiếp tục kích cầu hơn nữa. Các doanh nghiệp trong nước mấy năm vừa qua vẫn đang khó khăn nên chủ yếu vẫn phải kích bằng ĐTC và tài khóa. Tóm lại, biện pháp có nhiều nhưng quan trọng nhất trong đó là hiệu quả thực thi.

- Vậy theo ông, chính sách tài khóa trong năm 2025 này cần chú ý điều gì, nhất là để tăng động lực ĐTC?

- Tôi cho rằng, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay vẫn phải dùng biện pháp tài khóa để kích cầu nội địa, do cầu nội địa vẫn yếu. Việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 6-2025 là rất đáng hoan nghênh. Nếu trong thời gian tới, tùy thuộc vào tình hình thực tế, cần thiết phải tiếp tục gia hạn thêm chính sách này để kích cầu. Nên nhớ, ĐTC là động lực, là bệ đỡ cho tăng trưởng khi tác động lan tỏa của ĐTC là rất lớn. Do đó cần quyết liệt thúc giải ngân ĐTC ngay từ những tháng đầu năm, để đạt kết quả giải ngân tốt hơn nữa.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, đơn cử như gói hỗ trợ cho tinh giản bộ máy; hỗ trợ cho những người thuộc diện chuyển đổi nghề nghiệp, cũng là tăng nguồn chi tiêu, đóng góp một phần vào kích cầu. Tiếp nữa là các chương trình xã hội hỗ trợ người lao động, đào tạo nhân lực hay các chương trình hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội. Các chính sách này đều rất tích cực, đúng hướng, quan trọng là phần thực thi cần được thúc đẩy hiệu quả hơn nữa.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng đang được xem là “then chốt” trong ĐTC hiện nay. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Tôi đồng ý về điều này. Đầu tư cơ sở hạ tầng với những dự án trọng điểm không những tạo ra động lực cho tăng trưởng về lâu dài, mà còn là yếu tố để tiếp tục thu hút mới và giữ chân các nhà đầu tư FDI. Thực tế cho thấy, thu hút vốn FDI của Việt Nam thời gian tới khả năng vẫn tích cực, nhưng phụ thuộc vào môi trường quốc tế. Thời gian vừa qua, cả Đông Nam Á nói chung chứ không riêng Việt Nam là nơi được hưởng lợi trong việc thu hút dòng vốn FDI.

Vì vậy, để tiếp tục thu hút FDI, Việt Nam còn phải cạnh tranh với các nước xung quanh. Nếu chỉ là những thứ có thể kiểm soát được, thì đương nhiên môi trường thông thoáng như thời gian vừa qua của Việt Nam là thuận lợi. Để nâng cao sự cạnh tranh đó thì phải giảm chi phí bằng cách đầu tư hạ tầng tốt hơn.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào hạ tầng còn giúp cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước “lớn” lên, qua đó thúc đẩy được đầu tư tư nhân, hỗ trợ cho tăng trưởng. Có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao sức cạnh tranh hơn để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, cung ứng đầu vào cho các doanh nghiệp FDI. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp FDI hướng ra xuất khẩu đều nhập khẩu đầu vào là chủ yếu, doanh nghiệp nội địa cung cấp được cho họ còn đang rất yếu.

- Trong phiên bế mạc của kỳ họp Quốc hội ngày 19-2, Quốc hội cho phép trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; cùng với đó nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Như tôi đã nói, cho đến thời điểm hiện tại các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng đang được xem xét đi đúng hướng, đặc biệt trong bối cảnh động lực tăng trưởng những năm qua chủ yếu đến từ xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài, trong khi doanh nghiệp nội địa và cầu nội địa còn gặp nhiều khó khăn. Bản thân ĐTC cũng như các biện pháp tài khóa là biện pháp kích cầu.

Tôi cho rằng, thời điểm này, các biện pháp kích cầu mạnh mẽ là bước đi phù hợp để làm nhu cầu nội địa mạnh hơn, từ đó doanh nghiệp nội địa có thêm lĩnh vực phát triển tốt hơn.

Đối với vấn đề nợ công không quá đáng lo. Thực tế nợ công của Việt Nam hiện nay đang “an toàn” quá, do đó có dư địa để tăng chi tiêu và ĐTC mà không gặp rủi ro về tài chính công. Việc Chính phủ đề xuất nâng cao đột biến ĐTC từ 27 tỷ USD lên 36 tỷ USD là một biện pháp mạnh dạn, và nếu thực hiện được sẽ có hiệu quả tích cực đối với tăng trưởng và ổn định vĩ mô.

- Xin cảm ơn ông.

Điều lo ngại nhất là ĐTC tăng mạnh nhưng chậm, tức là không có hiệu quả, làm cho phần tiền đầu tư đọng lại, khiến nợ công xấu đi. Quan trọng là nợ công phải được sử dụng hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các tin khác