Châu Âu chật vật thoát khỏi năng lượng Nga

(ĐTTCO) - Các lệnh trừng phạt đối với Nga và việc đóng cửa vì Covid ở Trung Quốc đã làm giảm khối lượng vận chuyển hàng hóa ở Rotterdam, Hà Lan - cảng biển bận rộn nhất châu Âu. Nhưng một loại hàng hóa đang bùng nổ: khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Cảng Rotterdam, Hà Lan - cảng biển bận rộn nhất châu Âu.
Cảng Rotterdam, Hà Lan - cảng biển bận rộn nhất châu Âu.
Tăng công suất ở Đức và Italia
Nhập khẩu nhiều LNG hơn là một ưu tiên khi EU cố gắng cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt được cung cấp từ Nga. Nhưng nhà ga LNG của Rotterdam, Hà Lan đã kín chỗ, việc mở rộng nhà ga đang được tiến hành, nhưng sẽ không thể hoàn thành sớm.
Cách đó 1.500km, Tây Ban Nha là quốc gia chiếm phần lớn năng lực nhập khẩu LNG của EU, với 6 bến nhập khẩu đang hoạt động. Tuy nhiên, việc vận chuyển khí đốt đi khắp châu Âu rất khó khăn, khi chỉ có 2 đường ống xuyên dãy núi Pyrenees đến Pháp, có khả năng xử lý chỉ bằng 1/10 công suất nhập khẩu LNG. Trong khi đó, kế hoạch xây dựng đường ống mới Midcat đã bị đình trệ trong nhiều năm.
Có rất nhiều thí dụ về những khó khăn tương tự và những lỗ hổng về cơ sở hạ tầng, khiến lục địa già chật vật trong việc cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga, quốc gia cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của EU. Trong nhiều thập niên, EU phụ thuộc vào khí đốt của Nga chảy từ Đông sang Tây. Vì vậy, châu Âu đang nỗ lực để đảm bảo nhập LNG từ những nơi như Mỹ, sau đó đưa chúng từ Tây sang Đông và đến các nước không giáp biển ở Trung và Đông Âu.
Điển hình là Đức chưa có bến cảng LNG nên phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt Nga. Dù vậy, Đức là cửa ngõ tự nhiên cho các quốc gia châu Âu không giáp biển khác nhập LNG. Đức đã thuê 4 tàu để tái phân phối LNG, một số tàu sẽ hoạt động vào cuối năm nay, trước khi các cơ sở trên đất liền hoàn thành vào năm 2025 và 2026.
Ngày 18-5, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch trị giá 195 tỷ EUR nhằm cung cấp các biện pháp khắc phục, phát triển năng lượng tái tạo, giảm mức tiêu thụ và tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế Nga. Kế hoạch này sẽ đánh dấu nỗ lực trong việc kết hợp cơ sở hạ tầng năng lượng của EU theo cách gắn kết hơn, loại bỏ các nút thắt cổ chai và chấm dứt sự chậm trễ đối với các dự án như đường ống Midcat.
Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa cho biết: “Nếu chúng ta thực hiện những kết nối này khi đạt được sự đồng thuận với Pháp vào năm 2014, châu Âu sẽ không rơi vào tình trạng phụ thuộc Nga như hiện nay”. 
Để dòng khí đốt chảy ngược về phía Đông…
Sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng vật chất khiến một số quốc gia thành viên EU rất dễ bị tổn thương khi nguồn cung của Nga bị cạn kiệt. Những lo ngại ở Hungary, nước nhập dầu hoàn toàn từ Nga và có ít lựa chọn thay thế, đang khiến EU nỗ lực ngăn chặn các bước cấm vận đối với tất cả dầu thô của Nga. Phụ thuộc vào khí đốt cũng khiến các bến nhập khẩu LNG ở Rotterdam, Zeebrugge và Dunkirk gần hết công suất và dòng khí đốt từ Pháp sang Đức và các nước Benelux (Bỉ, Hà Lan và Luxembourg) bị hạn chế. 
Phần lớn mạng lưới đường ống của châu Âu được thiết kế riêng để bơm khí đốt của Nga từ Đông sang Tây. Từ năm 2009, EU đã cố gắng để cải thiện cơ sở hạ tầng khí đốt từ Tây sang Đông. Song những hạn chế về cơ sở hạ tầng ở Tây Bắc và Nam châu Âu sẽ ngăn cản lượng khí đốt bổ sung đến Trung và Đông Âu nếu Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt. Một trở ngại nữa đối với dòng khí từ Pháp sang Đức là mạng lưới truyền tải của Đức không chấp nhận khí đốt đã qua xử lý. 
Các nhà phân tích cho biết hầu hết dự án nhằm loại bỏ các điểm nghẽn sẽ mất nhiều năm. Trong số các phương án nhanh nhất là các phương tiện biến LNG trở lại thành khí, thêm máy nén vào các đường ống hiện có để khí có thể chảy theo hướng khác. Về lâu dài, cải thiện cơ sở hạ tầng để biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một trung tâm LNG và mang nhiều khí đốt Azeri và LNG của Hy Lạp đến Đông Nam Âu, cũng như xây dựng kho bãi và kết nối với Anh.
Tại Tây Ban Nha, Arturo Gonzalo, CEO của công ty truyền tải Enagás, cho biết nếu được phê duyệt nhanh chóng, đường ống Midcat có thể được hoàn thành trong 30 tháng và chi phí không quá 600 triệu EUR. Hiện công ty đang chuẩn bị mọi thứ để có thể bắt tay ngay khi dự án được phê duyệt. “Đã có cuộc cách mạng trong việc các chính phủ nghĩ về cơ sở hạ tầng” - Massimo Di Odoardo, Phó chủ tịch nghiên cứu khí đốt và LNG toàn cầu tại Wood Mackenzie, cho biết.

“Tài sản mắc kẹt”
Những cải tiến ở đây sẽ giúp đưa nhiều khí đốt từ Azerbaijan và LNG nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Đông Nam Âu. Tuyến liên kết Hy Lạp-Bulgaria bắt đầu hoạt động từ tháng 10, sẽ giúp Bulgaria giải phóng khỏi khí đốt của Nga. Các đường ống kế thừa để vận chuyển khí đốt của Nga từ Bulgaria đến Thổ Nhĩ Kỳ có thể được thay đổi theo thỏa thuận giữa 2 nước. Một bến LNG nổi tại Alexandroupolis ở phía Bắc Hy Lạp dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2023, kết nối với hệ thống đường ống xuyên Adriatic và cung cấp khí đốt cho Bulgaria và các quốc gia khác.
Hiện EU đã nới lỏng các quy định về viện trợ nhà nước, cho phép các chính phủ hỗ trợ tài trợ các dự án kết nối các quốc gia, cũng như sẵn sàng đưa một phần ngân sách của EU vào các dự án. Trong khi đó, Anh có thể đóng vai trò là cầu nối để đưa nguồn cung cấp LNG vào châu Âu.
Tuy nhiên, công suất đường ống không đủ và kho chứa khí đốt ở Anh đang ngăn cản nguồn cung từ các bến nhập khẩu ở Milford Haven đến lục địa già. Sự tắc nghẽn trong quá trình vận chuyển đã trở nên trầm trọng hơn do việc đóng cửa vào năm 2017 của kho chứa Rough ở Biển Bắc.
Chỉ trích việc thiếu tính tổng thể trong xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Âu, Ana Maria Jaller-Makarewicz, nhà phân tích tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích tài chính, nói: “Việc lập kế hoạch cho cả lục địa vẫn còn thiếu”. Ngoài ra còn có nghi ngờ về việc liệu đầu tư vào cơ sở hạ tầng để vận chuyển dầu và khí đốt dễ dàng khắp châu Âu có nhất quán với quyết tâm của EU trong việc phi carbon hóa nền kinh tế hay không.
Các kế hoạch của EU khuyến khích việc gia tăng khí đốt trong ngắn hạn, nhưng sẽ giảm dần trong dài hạn để đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Vì vậy, các nhà đầu tư tư nhân sẽ không mấy hào hứng, vì không muốn đầu tư vào “tài sản mắc kẹt” có thể bị dư thừa gần như ngay sau khi chúng được xây dựng. 
 Những lỗ hổng về cơ sở hạ tầng khiến lục địa già đang rất chật vật trong việc cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga, quốc gia cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của EU.

Các tin khác