“Nóng” từ xung đột và lạm phát
Khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, sự lo lắng lan nhanh khắp châu Âu vì rủi ro chiến tranh hạt nhân, bởi sát với biên giới của Ukraine là các nước thành viên của NATO. Châu Âu đã trải qua 2 cuộc đại chiến nên người dân các nước này đã quá sợ chiến tranh, và rất sợ vũ khí hạt nhân khi đã biết câu chuyện ở Nhật Bản trong lịch sử. Có những thời điểm, một số nước còn chuẩn bị đến phương án phòng độc và nhiễm xạ cho người dân.
Hiểu được nỗi khổ của người dân trong chiến tranh, nên nhiều nước đã đón nhận và giúp đỡ rất nhiều người tị nạn. Nhiều tổ chức, gia đình ở các nước như Pháp, Đức, Italia, Áo, Tiệp Khắc, Ba Lan, Anh… đã đón nhận các gia đình Ukraine và giúp họ sớm ổn định lại cuộc sống. Chính quyền địa phương nhiều nơi đón nhận người tị nạn còn hỗ trợ việc học, việc làm, tạo nhiều điều kiện để người tị nạn có thể tái hòa nhập với cuộc sống.
Sức nóng của cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến cho thị trường năng lượng, lương thực và một số nguyên vật liệu tăng nóng đột biến. Đầu vào của các loại hàng hóa này tăng khiến cho châu Âu trải qua một giai đoạn lạm phát nghiêm trọng, bỏ xa lạm phát mục tiêu của các ngân hàng trung ương (NHTW) khi lạm phát ước tính của các nền kinh tế phát triển trên 6% và các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực này 12%.
Riêng khu vực đồng Eur, tháng 9-2022 là thời điểm lạm phát cao kỷ lục, lên đến 10% mà nguyên nhân chính là do giá năng lượng tăng. Giá gas và điện tăng đã khiến rất nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn, các chính phủ như Đức, Pháp phải chi ngân sách để hỗ trợ khá nhiều, với các gói hỗ trợ lên đến hàng trăm tỷ USD. Các hình thức hỗ trợ rất đa dạng từ giảm giá trực tiếp từ các nhà cung cấp cho đến phiếu mua hàng hóa, xăng dầu, hay trợ cấp thu nhập.
“Lạnh” vì giá cả và suy thoái
Lạm phát đã khiến cho sức mua thực tế của người dân các nước châu Âu bị giảm đáng kể, đặc biệt là nhóm hàng hóa năng lượng và thực phẩm. Giá xăng dầu có lúc tăng quá cao buộc người dân ở một số nước châu Âu phải tìm cách thích ứng, như chuyển sang phương tiện giao thông công cộng, đi chung xe, hoặc gắn thêm thiết bị chuyển đổi cho xe có thể sử dụng ethanol với chi phí thấp hơn.
Một số địa phương của Pháp cũng có chính sách hỗ trợ người dân khi tài trợ lên đến gần 50% chi phí, chẳng hạn tổng chi phí là 1.000eur thì người dân chỉ trả gần 500eur, số tiền còn lại chính quyền địa phương thanh toán trực tiếp cho garage.
Giá lương thực thực phẩm tăng cũng đã khiến nhiều gia đình thay đổi kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm như tìm sản phẩm thay thế, giảm tỷ lệ sử dụng các sản phẩm hữu cơ đắt tiền, giảm tần suất đi ăn ở nhà hàng. Các nhóm mua chung giảm giá được quan tâm nhiều hơn, thu hút thêm nhiều thành viên.
Dưới sức ép của lạm phát và việc tăng lãi suất của NHTW Mỹ (Fed), NHTW châu Âu (ECB) cũng phải tăng lãi suất và đã tăng mạnh sau 4 lần từ 0% lên 2,5%. Mặc dù số điểm cơ bản của lãi suất tăng trong khoảng 50bps hay 75bps, nhưng về tỷ lệ là những mức tăng rất lớn. Kéo theo chi phí lãi vay của doanh nghiệp và người dân trở thành một gánh nặng lớn.
Xem ra triển vọng kinh tế năm 2023 của các nền kinh tế EU rất u ám. Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tăng trưởng của khu vực đồng Eur năm 2023 là 0,5%, riêng Đức và Italia có tăng trưởng âm lần lượt là -0,3% và -0,2%. Nếu tính chung cho các các nền kinh tế phát triển của châu Âu thì tăng trưởng của nhóm này 0,6%. Nếu nhìn lại tăng trưởng của năm 2022 chỉ bằng khoảng phân nửa của năm 2021, tức từ 5,6% xuống còn 3,2%, thì 0,6% của năm 2023 là một sự sụt giảm mạnh liên tục.
Hy vọng cơn bĩ cực sẽ sớm qua
Mặc dù bi quan về triển vọng của nền kinh tế trong năm 2023, nhưng bắt đầu có những hy vọng hồi phục cho năm 2024 và 2025 khi lạm phát đến cuối năm 2023 sẽ hạ nhiệt và tăng trưởng của 2 năm này được dự báo lần lượt là 1,9% và 1,8%.
Các biện pháp cấp bách của EU nhằm giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga cũng là một nguồn hy vọng để kịch bản tích cực xảy ra. Tuy nhiên trong trường hợp thận trọng, ECB cũng có một giả định nếu khủng hoảng năng lượng lại xảy ra vào mùa đông 2023-2024, thì tăng trưởng của 2024 chỉ còn là 0,2% và 2% trong năm 2025.
Một yếu tố khác cũng khá quan trọng cho cho hy vọng bĩ cực sẽ sớm qua, đó là các chính sách tài khóa khi mà các chính sách tiền tệ không còn cách nào hơn là phải tiếp tục thắt chặt trong giai đoạn tới. Cụ thể ở đây là tỷ lệ nợ của chính phủ so với GDP của nhiều nước EU đã có xu hướng giảm trong 2 năm liên tục 2021 và 2022.
Tỷ lệ nợ giảm là một trong những điều kiện quan trọng để các chính phủ có thể đưa ra các chương trình hỗ trợ nền kinh tế vì có thể tăng vay nợ trở lại. Với GDP ước tính của EU là khoảng 16.500 tỷ USD, thì vài % của GDP cũng đã là một con số hàng trăm tỷ USD. Con số này nếu được tiếp sức ở giai đoạn kinh tế khó khăn như năm 2023, thì triển vọng phục hồi trong năm 2024 và sau đó sẽ rõ ràng hơn rất nhiều.
Khi kinh tế rơi vào khó khăn thì khả năng chống chịu và phục hồi còn phụ thuộc vào khả năng tích lũy của khu vực dân cư. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình mặc dù có giảm trong năm 2021 nhưng có xu hướng tăng nhẹ trong năm 2022. Ở thời điểm quý II-2022, tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình lên đến 25%, trong khi các năm trước chỉ ở mức 10-12%.
Tính toán với tỷ lệ tiết kiệm ở mức 14-15% thì các hộ gia đình ở khu vực đồng Eur hoàn toàn có thể đương đầu với những khó khăn trong năm 2023 sắp đến. Hiện nay người dân và doanh nghiệp ở châu Âu đã được cảnh báo về viễn cảnh kinh tế khó khăn trong năm 2023, cũng như các chuẩn bị từ các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người dân đã khởi động.
Thế giới ngày càng có nhiều yếu tố bất định hơn, và sự thành công của các chính sách cũng cần một yếu tố không hề nhỏ là may mắn. Mong rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ sớm kết thúc, các cường quốc sẽ tìm được tiếng nói chung, đẩy lùi rủi ro phi toàn cầu hóa và phân cực ngày càng hiện rõ.