Châu Âu “mỏi cổ ngóng” nguồn năng lượng từ Mỹ

(ĐTTCO) - Ngày 25-3, Mỹ công bố thỏa thuận tăng các lô hàng khí đốt tự nhiên nhằm giúp châu Âu loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Thỏa thuận này và những cam kết khác là nền tảng quan trọng để châu Âu có thể vững tâm đứng lên đối đầu với Nga, tung ra các biện pháp trừng phạt Moscow liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
Một trạm khí đốt tự nhiên ở Italia.
Một trạm khí đốt tự nhiên ở Italia.
Tăng giá gấp 4 lần
Thỏa thuận công bố tại Brussels có một số mục tiêu lớn: Mỹ sẽ gửi thêm 15 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu trong năm nay - tương đương 10-12% tổng xuất khẩu hàng năm hiện tại của Mỹ đến các quốc gia. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng khẳng định đến năm 2030, Mỹ sẽ đặt mục tiêu tăng nguồn cung cho châu Âu lên tới 50 tỷ m3 mỗi năm. Ông Biden nói: “Chúng tôi đảm bảo rằng các gia đình ở châu Âu có thể vượt qua mùa đông năm nay và mùa đông tiếp theo, trong khi chúng tôi xây dựng cơ sở hạ tầng cho tương lai năng lượng sạch, đa dạng và linh hoạt”.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Mỹ đã gửi gần 3/4 tổng lượng LNG sang châu Âu, tăng so với 1/3 năm ngoái, với các chuyến hàng hàng ngày đến khu vực này tăng hơn gấp 3 lần so với mức trung bình của năm ngoái. Sự gia tăng khiến Mỹ hiện chiếm gần một nửa nhập khẩu LNG của châu Âu, gấp đôi so với thị phần năm 2021. Châu Á, nơi từng là điểm đến của gần một nửa lượng hàng hóa LNG của Mỹ trong 2 năm qua, đã chứng kiến khối lượng giảm một nửa vào năm 2022 vì sự chuyển hướng của Mỹ.
Tuy nhiên, có một vấn đề là giá cả. Các nhà xuất khẩu khí đốt Mỹ chuyển hướng bán khí đốt sang châu Âu từ châu Á trong những tháng gần đây phần lớn do giá ở châu Âu cao hơn các nơi khác trên thế giới. Chính quyền Biden cũng có tác động một phần bằng cách nới lỏng các hạn chế xuất khẩu sang một số nước châu Âu, nhưng giá cả vẫn là then chốt. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire trong một bài phát biểu ngày 10-10, chỉ trích Mỹ đã “lợi dụng” tình thế khó khăn của EU để tăng giá xuất khẩu LNG lên gấp 4 lần. Đây là sự chênh lệch gây sốc với người châu Âu, vì trước đó họ nhập khẩu LNG từ Nga với giá rất rẻ. 
"Cuộc xung đột ở Ukraine không được kết thúc bằng sự thống trị kinh tế của Mỹ và sự suy yếu của EU. Không thể chấp nhận được việc Washington bán LNG với giá gấp 4 lần so với giá các nhà công nghiệp đặt ra. Sự suy yếu kinh tế của châu Âu không phải là lợi ích của bất kỳ ai. Chúng ta phải đạt được mối quan hệ kinh tế cân bằng hơn về vấn đề năng lượng giữa các đối tác Mỹ và lục địa châu Âu” - ông Le Maire phát biểu.

Giảm xuất khẩu dầu
Tuy nhiên, vào tháng 9 các ông trùm ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ cảnh báo các nước châu Âu đừng mong chờ được “ứng cứu” trong mùa đông này. “Mỹ không thể bơm thêm nhiều nữa. Sẽ không có gói cứu trợ nào, dầu mỏ không, khí đốt cũng không” - Wil VanLoh, một trong những nhà đầu tư lớn nhất của mảng đá phiến, cho biết. Các nhà điều hành nói xuất khẩu dầu và khí đốt hóa lỏng từ Mỹ đã tăng để tận dụng lợi thế của giá cao hơn ở châu Âu, hiện đã gần đạt mức tối đa. Còn các giám đốc điều hành cảnh báo tăng trưởng sản lượng dầu thô sẽ giảm so với dự báo của chính phủ Mỹ khoảng 1 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Khi được hỏi về triển vọng tăng sản lượng lớn từ ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ, Scott Sheffield, Giám đốc điều hành của Pioneer Natural Resources - một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất ở Mỹ, cho biết: “Không, tôi thấy điều đó sẽ không xảy ra. Chúng tôi sẽ không bổ sung thêm giàn khoan và tôi cũng không thấy bất kỳ ai khác bổ sung thêm giàn khoan”. Ông dự báo giá dầu thô có thể tăng trên 120USD/thùng trong mùa đông này do nguồn cung thắt chặt.
Sản lượng đá phiến tăng vọt trong thập kỷ qua đã khiến Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, với sản lượng trước đại dịch Covid-19 đạt 13 triệu thùng/ngày, hay hơn 10% nguồn cung toàn cầu. Sự tăng trưởng sản lượng mỗi năm trong suốt những năm bùng nổ đã đáp ứng nhu cầu chung toàn cầu tăng lên, giúp hạn chế giá dầu thô. Nhưng chính sách môi trường của Mỹ và đại dịch đã khiến sản lượng ngành này giảm mạnh. Dù đã được chú trọng hồi phục, nhưng sản lượng tính tới giữa tháng 9 chỉ đạt 12,1 triệu thùng/ngày. 
Ben Dell, giám đốc điều hành tập đoàn cổ phần tư nhân Kimmeridge Energy, cho biết các nhà đầu tư của ngành công nghiệp đá phiến ở Phố Wall không mặn mà việc tăng sản lượng lớn, họ thích mô hình “sản xuất thấp, lợi nhuận cao”. Ông nói: “Các nhà đầu tư thường không muốn các công ty đá phiến theo đuổi mô hình tăng trưởng bởi vốn rất hạn chế". Matt Gallagher, người đứng đầu công ty khoan tư nhân Greenlake Energy Ventures, cho biết sự gia tăng nguồn cung vừa phải từ Mỹ trong những tháng tới sẽ “không thay đổi mọi thứ ở quy mô thế giới”. 

Ván cược rủi ro
Trong bối cảnh hàng tồn kho trong nước thấp, chính quyền Mỹ đã thúc giục các nhà lọc dầu hạn chế xuất khẩu nhiên liệu của họ. Thư của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm gửi vào tháng 8 cho 7 nhà máy lọc dầu lớn viết: "Với mức độ lịch sử của xuất khẩu sản phẩm tinh chế của Mỹ, tôi kêu gọi các bạn tập trung vào việc xây dựng hàng tồn kho trong thời gian tới, thay vì bán bớt các kho dự trữ hiện tại và tăng cường xuất khẩu hơn nữa". 
Tính đến cuối tháng 9, xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ sang châu Âu vẫn chưa tăng, thậm chí giảm xuống. Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết: “Chúng tôi không thấy sự gia tăng dự kiến trong xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu. Thay vào đó, xuất khẩu sang châu Âu giảm xuống 71.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm 2022, trong khi xuất khẩu sản phẩm chưng cất của Mỹ sang Mỹ Latin tăng lên hơn 1 triệu thùng/ngày”. 
Chính quyền Mỹ giải thích điều này do lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ Nga bằng đường biển của EU sẽ không có hiệu lực cho đến tháng 2-2023. Tuy nhiên, thực tế là lạm phát cao nhất 40 năm đang khiến Mỹ phải tìm mọi cách để hạ nhiệt. Mỹ đã cố gây sức ép lên đồng minh Ả rập Xê út để khiến OPEC tăng sản lượng. Tuy nhiên, khối OPEC đã quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày. Điều này khiến Nhà Trắng tức giận dọa cắt đứt quan hệ với Ả rập Xê út. 
 Với Đạo luật Bảo tồn và Chính sách Năng lượng (EPCA) của Mỹ từng cấm xuất khẩu dầu thô, việc châu Âu trông chờ vào nguồn năng lượng thay thế từ Mỹ là một ván cược. 

Các tin khác