Chênh lệch lãi suất tăng dần

(ĐTTCO) - Những ngày qua, một số NH tiếp tục tăng lãi suất huy động nhằm bù đắp thanh khoản cho vay. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng được dự báo đạt 18% trong năm nay. Việc tín dụng tăng cao có thể đẩy lãi suất tăng trong thời gian tới. Thực tế hiện nay chênh lệch lãi suất cho vay và huy động vẫn còn khá lớn.

(ĐTTCO) - Những ngày qua, một số NH tiếp tục tăng lãi suất huy động nhằm bù đắp thanh khoản cho vay. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng được dự báo đạt 18% trong năm nay. Việc tín dụng tăng cao có thể đẩy lãi suất tăng trong thời gian tới. Thực tế hiện nay chênh lệch lãi suất cho vay và huy động vẫn còn khá lớn.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa. 

Lãi suất tiếp tục tăng

2 ngày qua, các NH tiếp tục tăng lãi suất huy động. Tại NH An Bình (ABBank), lãi suất tiết kiệm tăng 0,2%/năm, lên mức 4,9%/năm đối với kỳ hạn 1 và 2 tháng và 5,1%/năm kỳ hạn 3 tháng. Trước đó vài ngày, Sacombank công bố biểu lãi suất tiền đồng tại TPHCM và Hà Nội tăng thêm 0,3-0,4%/năm ở nhiều kỳ hạn. Kỳ hạn 6-11 tháng, lãi suất huy động của Sacombank lên mức 5,5%/năm, từ mức 5,2-5,4%/năm trước đó. Eximbank cũng có chương trình cộng thêm lãi suất cho khách hàng bán vàng và USD chuyển sang VNĐ và gửi tại NH với mức thưởng 0,1-0,3%/năm, tùy theo mức gửi và kỳ hạn gửi. Tính từ đầu năm đến nay, nhiều NH đã có ít nhất 2-3 đợt tăng lãi suất huy động. Đặc biệt vào dịp cuối năm khi nguồn tiền đồng khan hiếm các NH sẽ phải đẩy mạnh huy động để bù đắp thanh khoản cho vay. Theo một khảo sát, lãi suất huy động bình quân tại thời điểm cuối tháng 11 đã tăng 0,03% lên 5,86% sau khi giữ ở 5,83% trong 2 tháng trước.

Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãi suất không thể giảm do chi tiêu ngân sách đã vượt quá phần của khu vực tư nhân. Đối chiếu với số liệu Bộ Tài chính, lũy kế 11 tháng bội chi xấp xỉ 155.600 tỷ đồng. Bội chi ngân sách cao buộc Chính phủ huy động tiền từ hệ thống tài chính cũng sẽ khiến lãi suất thị trường tăng.

TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Việc lãi suất huy động tăng sẽ khiến lãi suất cho vay khó có cơ hội giảm. Đồng thời tăng trưởng tín dụng cao cũng có thể đẩy lãi suất cho vay tăng trở lại. Mới đây, tại cuộc gặp mặt trực tuyến chủ đề “Làm ăn gì năm 2016”, ông Nguyễn Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, đưa ra dự báo năm 2015 tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 18%. Thực ra mức tăng trưởng này không khiến giới tài chính bất ngờ. Tuy nhiên, gần đây nhiều tổ chức liên tục dự báo lãi suất cho vay trong năm 2016 sẽ nhích lên chứ không giảm nhẹ như năm 2015. Nhiều dự báo có chung quan điểm về mức tăng cả lãi suất cho vay và lãi suất huy động tăng 0,5%. HSBC Việt Nam cho rằng khi áp lực giá cả tăng lên, NHNN có thể tăng lãi suất thêm 0,5% trong quý III-2016, đưa mức lãi suất thị trường mở từ 5% như hiện nay lên 5,5%.

Các phân tích gần đây cho thấy tăng trưởng tín dụng cao từ đầu năm chủ yếu nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh tại các NH lớn như BIDV, Vietcombank, VietinBank. Tăng trưởng tín dụng tại các đơn vị này đạt cao nhờ sự tăng trưởng mạnh cho vay cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp nhà nước, bất động sản (cả cho vay chủ đầu tư và người mua nhà) và cho vay cá nhân nói chung. Đặc biệt, nhiều đánh giá cho vay bất động sản và cho vay cá nhân đạt tăng trưởng tốt. Do đó nguồn vốn chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn chưa thực sự gia tăng trong khi hoạt động của nhiều doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào NH.

Theo NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2015 giảm 0,3-0,5%, là kết quả của hoạt động điều hành chính sách tiền tệ bám sát với tình hình chính sách kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, lãi suất cho vay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt hay doanh nghiệp hoạt động hiệu quả mới được vay với lãi suất thấp. Dù vậy, nhìn chung việc giảm lãi suất rất khó, nên NHNN mong doanh nghiệp có sự đồng cảm chia sẻ. Như vậy chi phí lãi vay ở một số doanh nghiệp vẫn còn là gánh nặng lớn và thực tế số doanh nghiệp niêm yết báo lỗ vẫn còn nhiều, dù tình hình kinh tế đã khả quan hơn.

Do chi phí NH cao

Theo một chuyên gia tài chính, lạm phát hiện nay đang ở mức thấp nhưng lãi suất lại đang ở mức cao bất thường. Vị này nêu ra lãi suất huy động bình quân 5%, còn lãi suất cho vay ngắn hạn 7-9%/năm, dài hạn 9-11%/năm. Chính vì lãi suất cho vay còn cao so với các nước trong khu vực chỉ ở mức 3-4%/năm, nên chi phí của doanh nghiệp Việt vẫn còn rất cao. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết chênh lệch lãi suất cho vay và huy động tại các nhà băng vẫn còn ở mức cao, trong khi đó doanh nghiệp hiện rất cần giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất. Hiện nay số lượng doanh nghiệp phải vay mức lãi suất cao 11%/năm vẫn còn nhiều.

Báo cáo về tình hình hoạt động của NH trong tuần cuối tháng 11 của NHNN cũng nêu rõ, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, 9-10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Từ thực tế doanh nghiệp, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco, cho biết nhờ tình hình vĩ mô ổn định, khó khăn của doanh nghiệp giảm đi rất nhiều trong năm 2015. Tuy nhiên, lãi suất NH vẫn còn ở mức rất cao đã làm giảm cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn NH.

Như vậy, lãi suất huy động và cho vay hiện đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, nếu so sánh chênh lệch lãi suất và lạm phát trong vài năm gần đây, mức lãi suất thực đang rất cao. Điều này cho thấy những người nắm giữ tiền mặt đang rất có lợi.

Một vấn đề đáng lưu ý khác là chênh lệch lãi suất cho vay và huy động cũng rất lớn. Thông thường ở các nước khác mức chênh lệch lãi suất trung bình chỉ 2-3%, trong khi đó ở Việt Nam 4-5%. Nguyên nhân, do chi phí hoạt động của NH Việt Nam cao. Điều này cũng phản ánh mức độ rủi ro trên thị trường tài chính của Việt Nam.

Các tin khác