Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ lệ phí vận tải và bảo hiểm của Việt Nam khoảng 7% trong hàng nhập khẩu theo giá C.I.F.
Như vậy, về nguyên tắc xuất khẩu của nước A sang nước B phải nhỏ hơn nhập khẩu của nước B từ nước A. Tuy nhiên, báo cáo về nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc và báo cáo về xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam có sự khác biệt rất lớn và theo chiều hướng ngược lại.
Dù chênh lệc giữa xuất khẩu từ Việt Nam đi Trung Quốc và nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam không lớn lắm nhưng cũng không nhỏ.
Theo báo cáo của Việt Nam, nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2017 là 58,5 tỷ USD, trong khi báo cáo về xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam 71,6 tỷ USD, mức chênh lệch là 13,1 tỷ USD; năm 2018 mức chênh lệch giữa nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc và xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam tăng lên 18,5 tỷ USD. Mức chênh lệch này của năm 2019 theo báo cáo của 2 quốc gia lên đến 22,5 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc và nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam cũng có mức độ chênh lệch nhất định. Năm 2017 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đi Trung Quốc thấp hơn báo cáo về nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam là 15 tỷ USD; năm 2019 sự khác biệt này 22,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc theo báo cáo năm 2019 của cả 2 nước là 22,5 tỷ USD. Như vậy, dù xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc có khác biệt giữa xuất và nhập, nhưng chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa theo báo cáo của 2 nước cũng không thay đổi.
Thực ra việc chênh lệch số liệu thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc và cả các đối tác, là vấn đề phổ biến trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng. Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân do nhập khẩu bằng con đường tiểu ngạch rất lớn chúng ta không kiểm soát được, hoặc cơ quan hải quan kê khai sót vì năng lực kiểm soát yếu. Điều này không hoàn toàn đúng, vì xuất nhập khẩu tiểu ngạch cũng phải kê khai qua hải quan giữa 2 nước.
Một số ý kiến khác cho rằng chênh lệch số liệu này do xuất nhập khẩu lậu qua đường mòn lối mở. Điều này cũng không hoàn toàn đúng, vì hải quan phía Trung Quốc vẫn có thể kê khai được. Chưa thể khẳng định đó là do nhập lậu dù có sự chênh lệch khá lớn ở một số mặt hàng như dệt may, hoa quả, hàng tiêu dùng, vì không loại trừ có những mặt hàng như hàng tiêu dùng Trung Quốc nhập từ nước khác, sau đó xuất vào Việt Nam và Việt Nam tính xuất xứ từ nước khác.
Có nhiều lý do dẫn đến sự sai lệch này như cách hạch toán về xuất sứ hàng hóa. Bởi xuất khẩu thống kê theo “nước cuối cùng hàng đến”, nên trường hợp hàng Trung Quốc - bao gồm hàng xuất xứ Trung Quốc, hoặc xuất xứ nước khác - đưa sang Việt Nam được Trung Quốc thống kê là xuất cho Việt Nam, trong khi Việt Nam chỉ thống kê những hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc, các hàng hóa có xuất xứ nước khác được thống kê là nhập khẩu từ nước khác.
Nguyên nhân cũng có thể do phạm vi thống kê. Đó là việc một số luồng hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam nhưng không thuộc phạm vi thống kê, như hàng tạm nhập tái xuất, quá cảnh hoặc chuyển khẩu từ Trung Quốc.
Cũng có những nguyên nhân khác như trường hợp nhập khẩu hàng hóa (rác thải) nhưng không ai nhận nên hải quan không thể tính là nhập khẩu. Song không thể không đặt vấn đề có thể hàng hóa qua cửa khẩu bị “lách” luật và đánh giá trị không đúng so với thực tế, bởi nó liên quan đến thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng các doanh nghiệp phải chịu.
Một vấn đề nữa không thể không tính đến là sự chênh lệch này có thể do phía Trung Quốc muốn nâng cao thành tích tăng trưởng GDP.