Chỉ định thầu cao tốc Bắc-Nam: Không chia nhỏ, băm nát, chống lợi ích nhóm

(ĐTTCO)-Chỉ định thầu xây lắp cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 sẽ rút bớt được các thủ tục rườm rà. Tuy nhiên cần biện pháp loại bỏ cơ chế “xin-cho”, “chạy” thầu sau đó “bán” thầu, chống lợi ích nhóm…
Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, đoạn Mai Sơn-QL45 đang được thi công.
Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, đoạn Mai Sơn-QL45 đang được thi công.

Sau khi Bộ GTVT trình đề xuất chia gói thầu trong 12 đoạn cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) và điều kiện với nhà thầu được chỉ định thi công.

Xét báo cáo của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có ý kiến chỉ đạo bộ này không chia nhỏ gói thầu, vì quá nhiều gói thầu sẽ mất thời gian, khó kết nối, gây chậm trễ, tăng kinh phí. Việc chọn nhà thầu xây lắp phải có năng lực, kinh nghiệm, uy tín, công khai, minh bạch, đúng quy định; kiên quyết phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, thông thầu, chuyển nhượng thầu không đúng quy định...

Không chia nhỏ, "băm nát" gói thầu

Tại văn bản báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT kiến nghị phân chia gói thầu tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với phạm vi khoảng 20 - 40km/1 gói thầu và có giá trị dự kiến khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng.

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, đề xuất chia dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 thành 30 gói thầu giá trị từ 3.000-5.000 tỷ đồng của Bộ GTVT là hợp lý trong bối cảnh hiện tại.

“Thực tiễn cho thấy, nếu chia các gói thầu giá trị từ 5.000-10.000 tỷ đồng, hiếm có nhà thầu nào đáp ứng đủ điều kiện. Các nhà thầu sẽ rơi vào cảnh đáp ứng tiêu chí năng lực nhưng không thể đáp ứng điều kiện doanh thu và ngược lại”, ông Ngọc nói.

Việc phân chia này đảm bảo sự phân cấp rõ ràng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà thầu uy tín, có năng lực thi công tốt, kinh nghiệm tích lũy được từ quá trình triển khai các công trình tương tự, trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Các gói thầu còn lại phân chia giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng.

Phương án này cũng sẽ giúp các nhà thầu lớn tham gia được một khối lượng công việc liền mạch, thuận lợi trong việc đầu tư, huy động trang thiết bị và nhân lực.

Đồng quan điểm, TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi) cho rằng, việc phân chia gói thầu với giá trị 3.000 - 5.000 tỷ đồng theo đề xuất của Bộ GTVT là cơ bản hợp lý.

Mặc dù vậy, theo ông Chủng, các cấp chức năng cần nghiên cứu áp dụng mô hình tổng thầu, lựa chọn một nhà thầu đã từng thi công một tỷ lệ lớn đường cao tốc, hiểu được yêu cầu kỹ thuật thay vì lựa chọn hình thức liên danh để tối ưu hiệu quả, gói thầu không bị “băm” nát, khó quản lý.

“Tổng thầu này sẽ chịu trách nhiệm chỉ huy, huy động nguồn lực, tài chính, lựa chọn thầu phụ (cầu, đường...) có đủ năng lực tham gia gói thầu sao cho công trình đạt được chất lượng tốt nhất”, ông Chủng nói.

Ông Chủng lý giải, trường hợp áp dụng mô hình tổng thầu, các cấp chức năng có thể vận dụng linh hoạt hệ thống pháp luật liên quan hiện nay để giá trị gói thầu có thể được nâng lên cao hơn 5.000 tỷ, thậm chí là 10.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn được tham gia khối lượng công việc lớn và giảm áp lực cho bộ máy quản lý dự án.

“Yêu cầu đặt ra là cần phải xác định hợp đồng đó họ làm công trình gì? Có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện công trình cấp đặc biệt, yêu cầu kỹ thuật riêng như đường cao tốc để lựa chọn được một nhà thầu xứng đáng, đủ khả năng đưa dự án cao tốc lớn về đích đúng tiến độ với chất lượng tốt", ông Chủng nhấn mạnh. 

Trong khi đó, ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả nêu quan điểm: Tiêu chí cũng cần được được xây dựng riêng đối với từng giá trị gói thầu, đảm bảo yếu tố cuối cùng là tiến độ, chất lượng.

 “Việc phân chia gói thầu cần hài hòa giữa các nhà thầu có lợi thế về nguồn lực, kinh nghiệm, đủ khả năng đảm nhận khối lượng công việc lớn tại các dự án và các nhà thầu nhỏ hơn cũng không thể đòi các gói bằng các nhà thầu lớn, có kinh nghiệm, năng lực thi công lớn hơn được”, ông Thắng nói.

Ông Thắng lấy ví dụ, có 10 doanh nghiệp cam kết đủ năng lực thi công gói thầu giá trị từ 5.000 tỷ trở lên thì nên nghiên cứu chia 10 gói 5.000 tỷ đồng; 5 doanh nghiệp đủ năng lực đảm nhận gói thầu từ 3.000 tỷ trở lên thì chia 5 gói.

“Phép chia có thể thực hiện tương tự với giá trị tương ứng dựa trên năng lực các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia…”, ông Thắng phân tích.

Còn chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, ở ta lâu nay chia các gói thầu xây dựng chủ yếu theo giá trị, như vậy chưa khoa học. Các nước thường chia gói thầu theo tính chất kỹ thuật, đoạn ngắn nhưng yêu cầu kỹ thuật đặc biệt sẽ chia thành gói thầu riêng, còn đoạn dài nhưng yêu cầu đơn giản có thể gộp thành một gói.

“Chỉ tập trung vào giá trị là sai sách, vô tình loại nhà thầu có năng lực chưa trực tiếp làm các dự án lớn. Khi đó, có nhà thầu từng thi công gói lớn nhưng chủ yếu làm công việc đơn giản, phần việc phức tạp sẽ phải thuê nhà thầu khác làm”, ông Đức nói. 

Ông Đức đánh giá về liên danh nhà thầu ở Việt Nam hiện nay: chủ yếu là liên danh kiểu bắt tay nhau cho đủ điều kiện trúng thầu, sau đó tự chia gói thầu để thi công, mỗi đơn vị làm một đoạn.

“Về bản chất đó không phải liên danh. Kinh nghiệm cho thấy, với mỗi gói thầu xây lắp chỉ nên có tối đa 3 nhà thầu liên danh sẽ dễ quản lý, kiểm soát việc tổ chức thi công, nhiều nhà thầu dễ dẫn tới “không ai nói được ai”, ông Đức nói.

Từ thực tế trên, TS Nguyễn Hữu Đức đề xuất mỗi dự án thành phần chỉ thuê 1 tư vấn giám sát. Trong đó, phần việc của thành viên liên danh phải theo hạng mục từ đầu tới cuối gói thầu, như một nhà thầu làm toàn bộ nền móng, một nhà thầu làm mặt đường, một nhà thầu đảm trách công trình an toàn giao thông...

“Cùng với chia gói thầu theo tính chất kỹ thuật, nếu liên danh, trong quy định chọn thầu cần ràng buộc rõ phần việc từng thành viên. Từ đó, các nhà thầu sẽ phải giám sát lẫn nhau, vì phần việc này ảnh hưởng tới chất lượng phần việc khác. Còn mỗi nhà thầu làm 1 đoạn từ đầu tới cuối về bản chất không có sự liên kết công việc, dù mang mác liên danh”, ông Đức nhấn mạnh.

Nhà thầu phải chứng minh năng lực tài chính, có kinh nghiệp thi công

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ GTVT đã ban hành khung tiêu chí lựa chọn với nhiều quy định khắt khe để đảm bảo lựa chọn nhà thầu nhà thầu độc lập có chất lượng cho dự án trọng điểm quốc gia, cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2. 

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các nhà thầu tham gia lựa chọn thầu phải có thời gian hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông từ 5 năm trở lên và là nhà thầu độc lập, từng thành viên đối với nhà thầu liên danh phải đáp ứng các yêu cầu.

Về năng lực hành nghề xây dựng, Bộ GTVT yêu cầu đối với nhà thầu độc lập có năng lực thi công xây dựng công trình: Có Chứng chỉ năng lực của tổ chức thi công xây dựng công trình đường bộ Hạng I; chứng chỉ năng lực phù hợp cấp công trình cầu, hầm của gói thầu đang xét (tương ứng với cấp công trình cầu, hầm).

Đối với trường hợp liên danh, từng thành viên phải đáp ứng điều kiện tương ứng nội dung, phạm vi công việc đảm nhận theo thỏa thuận liên danh.

Đối với năng lực tài chính của các nhà thầu tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết: Nhà thầu phải có doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng trong 3 năm gần đây 2019, 2020, 2021 ở mức tăng trưởng dương.

“Kết quả tài chính của nhà thầu độc lập hoặc từng thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu về giá trị tài sản ròng của nhà thầu (Tổng tài sản - Tổng nợ) trong năm gần nhất, năm 2021 phải có lãi, tăng trưởng dương", Thứ trưởng Lâm cho hay.

Nhà thầu phải cung cấp văn bản cam kết tín dụng của tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Trong đó, nhà thầu cam kết sẽ cung cấp tín dụng cho nhà thầu để thực hiện gói thầu đang xét (không cam kết tín dụng chung cho gói thầu khác) trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. 

Đối với nhà thầu liên danh, từng thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính thực hiện gói thầu tại tiêu chí nêu trên.

Đồng thời, nhà thầu phải có tài chính lành mạnh. Nhà thầu độc lập và các thành viên trong liên danh phải có xác nhận của Cơ quan quản lý thuế tại thời điểm nhà thầu tham gia đấu thầu hoặc tài liệu chứng minh về việc nhà thầu không nợ đọng tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đến kỳ kê khai thuế gần nhất.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, từ thực tế cho thấy, nhiều nhà thầu chính tham gia một gói thầu thi công xây dựng (số lượng liên danh nhiều hơn 5 nhà thầu/gói thầu) việc quản lý thực hiện hợp đồng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo Thứ trưởng Lâm, vướng mắc như bộ máy quản lý, năng lực tổ chức điều hành trong liên danh khó đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; sẽ mất nhiều thời gian để các nhà thầu thỏa thuận, phân chia trách nhiệm, phạm vi công việc; có thể dẫn tới chia nhỏ công địa thi công…

"Tương ứng giá trị gói thầu xây lắp từ 5.000 - 15.000 tỷ đồng, gói thầu tư vấn giám sát sẽ có giá trị khoảng 40 - 60 tỷ đồng. Hiện nay, có không nhiều nhà thầu tư vấn giám sát đáp ứng được yêu cầu này", Thứ trưởng Lâm cho hay.

Các chuyên gia lo lắng, chỉ định thầu sẽ sinh ra cơ chế “xin-cho”, “chạy” thầu…Bên cạnh đó, làm sao tránh để nhà thầu “bắt tay” nhau rồi tự...chia gói thầu. Từ đó, có nhiều ý kiến cho rằng, việc chia gói thầu làm đường cao tốc không nên tính theo giá trị, nên căn cứ theo tính chất kỹ thuật và ràng buộc rõ các điều kiện với liên danh nhà thầu./.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được chia thành 12 dự án thành phần, tổng mức đầu tư hơn 146,9 nghìn tỷ đồng, từ ngân sách Nhà nước.

Về chỉ định thầu theo nghị quyết của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải sẽ thực hiện theo 2 bước:

Bước 1: căn cứ quy mô gói thầu được Thủ tướng chấp thuận, Bộ Giao thông vận tải sẽ đăng tải công khai tiêu chí lựa chọn nhà thầu để các nhà thầu đăng ký, bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu.

Bước 2: Căn cứ dự toán đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, chủ đầu tư phê duyệt, phát hành hồ sơ yêu cầu cho nhà thầu trong danh sách, đánh giá hồ sơ đề xuất của nhà thầu, thẩm định, phê duyệt kết quả chỉ định thầu.

Các tin khác