Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới

(ĐTTCO) - Đó là nội dung Diễn đàn Tài chính do Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp tổ chức chiều 24-8 với sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành; nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, bất động sản cùng hàng chục doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2022 đã tăng mạnh gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã đề ra và sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của lạm phát để có chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt. Vốn tín dụng theo đó được dự báo sẽ eo hẹp những tháng cuối năm, đặc biệt là vốn cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT giao thông thuộc những lĩnh vưc có chủ trương kiểm soát chặt để hạn chế rủi ro.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận sự suy giảm so với cùng kỳ năm trước, do những chính sách “nắn chỉnh” thị trường theo định hướng đi vào ổn định, để phát triển lành mạnh, bền vững và bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư sau một giai đoạn tăng trưởng nóng từ năm 2019-2021.
Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới ảnh 1 Các đại biểu dự Diễn đàn.
Thị trường đang chờ đợi những chính sách mới đặc biệt là Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020 khiến nhiều doanh nghiệp khó có thể lên định hướng huy động vốn cho hoạt động đầu tư, phát triển năm 2022 và xa hơn. Thị trường chứng khoán tuy đã được đánh giá về mức rẻ trong quý II-2022 với VN Index trượt dài, thanh khoản thấp, và chỉ mới khởi sắc gần đây nhưng đang được đánh giá chưa có đà tăng trưởng kéo dài.
Tìm vốn ở đâu cho doanh nghiệp phát triển và tiếp tục các kế hoạch đầu tư – kinh doanh năm 2022 lẫn trung, dài hạn? Doanh nghiệp, nhà đầu tư nên nhận diện về bối cảnh kinh tế với các biến số lạm phát, lãi suất, tỷ giá, đi cùng là nhận diện các kênh dẫn vốn ra sao để xây dựng định hướng khơi thông dòng vốn, nắm bắt vùng trũng đầu tư hiệu quả nào trong những tháng còn lại từ nay đến cuối năm?
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, ngày 11-8 vừa qua, tại Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp, Chủ tịch Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thay mặt cộng đồng doanh nghiệp đã nêu 4 kiến nghị nhằm tháo gỡ các nút thắt cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.
Kiến nghị đầu tiên của VCCI là về nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, sức ép tài chính cho các doanh nghiệp rất lớn để tái cấu trúc và phục hồi sau dịch. Vì vậy VCCI đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh chương trình hỗ trợ phục hồi đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ ban hành. Đặc biệt cần khai thông việc hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% theo Nghị định 32.
Bên cạnh đó là các kiến nghị về nhân lực, môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ các FTA. “Có thể thấy, ưu tiên về vấn đề nguồn vốn của doanh nghiệp đang được chú trọng. Trong những nỗ lực của Chính phủ với việc thực thi các mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ưu tiên nguồn lực để doanh nghiệp tiếp tục phục hồi cũng đang được đặt lên hàng đầu.
Hơn lúc nào hết, sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID và đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nguồn lực vốn, tài chính vẫn là đòn bẩy quan trọng để doanh nghiệp tiếp đà tăng tốc. Đó đồng thời cũng là cơ hội để nhà đầu tư tối ưu hóa nguồn vốn tài chính của mình”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhận định.
Theo TS. Cấn Văn Lực, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, tạo điều kiện và cơ hội để vừa phục hồi, vừa thu hút đầu tư, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; nhu cầu vốn nhằm đảm bảo phục hồi sản xuất – kinh doanh, bù đắp đà tăng của chi phí, giá cả đầu vào… là khá lớn; đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm của cả cơ quan quản lý, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.

Các tin khác