Theo đó, đã xác định tài chính toàn diện là mọi người dân và doanh nghiệp (DN) được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững. Trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, DN nhỏ và vừa đến DN siêu nhỏ.
Đặc biệt, chiến lược này cũng yêu cầu sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của khu vực nhà nước và tư nhân, ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy tài chính toàn diện, đồng thời khuyến khích áp dụng kinh nghiệm quốc tế để đẩy nhanh việc ứng dụng tài chính toàn diện ở Việt Nam.
Vậy nhưng, đã hơn 4 năm từ khi có quyết định của Thủ tướng, có quá ít thông tin về quá trình thực hiện cũng như công tác giám sát. Đơn cử như đánh giá quá trình liên quan đến cách thức thực hiện, cung cấp các dịch vụ tài chính cho các tầng lớp dân cư, DN nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình; hiệu quả và lợi ích cho xã hội; tác động mong muốn tới người dân, hộ kinh doanh, cộng đồng DN nhỏ và siêu nhỏ… như thế nào.
Đó là các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản do các tổ chức được cấp phép cung ứng, bao gồm: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm cho mọi người dân và DN.
Trên thực tế, các DN fintech có mặt khá lâu tại Việt Nam như Momo, ZaloPay, Finviet… đang tích cực số hóa các kênh phân phối hiện đại này, nhằm mở rộng phạm vi cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính với chi phí thấp, đặc biệt là qua điện thoại di động cho các tầng lớp dân cư, hộ kinh doanh.
Và với hàng chục triệu người đang dùng, các nền tảng fintech này đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện của Chính phủ, như thanh toán qua thiết bị di động, phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, tài chính số cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trên cơ sở hợp tác với các tổ chức tín dụng có chi phí thấp, thuận tiện và an toàn, phù hợp với các giao dịch thanh toán cá nhân.
Tuy nhiên, cho đến nay có vẻ như hành lang pháp lý để khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính… chậm được rà soát, sửa đổi bổ sung. Một minh chứng là đến nay các DN fintech vẫn đang hoạt động theo mô hình “giấy phép thử nghiệm” với nhiều hạn chế.
Việc thiếu vắng các quy định của pháp luật do chậm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung đang tạo ra khá nhiều rủi ro pháp lý, nhất là khi tiến bộ của khoa học công nghệ diễn ra với cấp số nhân, tạo ra vô vàn cơ hội cho các DN công nghệ.
Mới đây, khi sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng 2024, đã có nhiều ý kiến của cộng đồng DN fintech và chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, cần quy định trong luật về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sandbox cho fintech nhưng chưa được chấp nhận.
Trong khi đó, nếu thiếu cơ chế sandbox cho fintech, khó có thể kết nối với một số bộ luật khác nhau; sự phối hợp của một số bộ, ngành và địa phương liên quan; sự liên thông giữa các tổ chức tín dụng với với các tổ chức công nghệ tài chính trong các giao dịch thanh toán điện tử; không thể xây dựng nền kinh tế gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Để các DN công nghệ tài chính có thể tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến thực hiện thành công Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ thích đáng về mặt thể chế của Nhà nước, sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan quản lý nhà nước, DN fintech, các tổ chức tín dụng, các hiệp hội nghề nghiệp...
Từ đó tạo tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính cho các đối tượng mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.