Chọn kỹ trước khi click

(ĐTTCO) - Sự bùng nổ của TMĐT mang đến nhiều cơ hội cho người tiêu dùng trong mua sắm với giá cả hợp lý. Nhưng bên cạnh sự tiện lợi, người tiêu dùng cũng luôn gặp sự phiền toái khi mua sắm online. 
 
Nhanh, gọn, có ngay
Để chọn mua cục sạc dự phòng cho điện thoại, chị Hoàng Anh (quận 3, TPHCM) đã quyết định xem hàng và mua online. Một vài cái click chuột, chị vào trang bán hàng của các sàn TMĐT có cung cấp sản phẩm sạc pin dự phòng. Sau khi so sánh giá, chị quyết định chọn mua ở một sàn TMĐT có mức giá hợp lý và có độ tin tưởng với cá nhân chị. Kết thúc thao tác đặt hàng, chỉ khoảng vài giờ sau chị đã nhận được sản phẩm được giao đến tận nhà và khá hài lòng về chất lượng cũng như dịch vụ.
Đây không phải lần đầu tiên chị Hoàng Anh chọn hình thức mua sắm online, trước đó với rất nhiều sản phẩm như sách, mỹ phẩm, thực phẩm và một vài sản phẩm công nghệ chị cũng chọn kênh mua sắm này. 
 Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để buộc các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong TMĐT không được thực hiện một số hành vi có thể xâm hại tới quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Nhưng thực tế, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa có tính khả thi cao. Vì vậy, cùng với quá trình phát triển mạnh mẽ của TMĐT, Nhà nước cần đẩy mạnh hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn,
Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Bộ Công Thương
Trong cơn bão giảm giá của các sàn TMĐT, người tiêu dùng đang là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên. Mua hàng với giá rẻ hơn, lại có thể ngồi một chỗ so sánh giá của nhiều nơi khác nhau, tham khảo ý kiến của nhiều người đã từng mua qua các kênh online như diễn đàn, mạng xã hội…
Đây điểm thuận lợi khiến ngày càng có nhiều người tiêu dùng chọn kênh mua sắm này. Ngoài ra, mua hàng trực tuyến còn thu hút nhiều người bởi sự phục vụ 24/7. Theo đó, bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu, chỉ cần có mạng internet, khách hàng đều có thể lướt web và đặt hàng, không phải phụ thuộc vào giờ mở cửa hay đóng cửa của các cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị…
Đặc biệt khi ngồi trên máy tính hay smartphone, có một không gian trải nghiệm riêng tư khi mua sắm cũng là điều nhiều người mua online hiện nay mong muốn. Theo dự báo, trong 5 năm tới sẽ có khoảng 30% người tiêu dùng Việt Nam tham gia vào các giao dịch trực tuyến và mức chi tiêu cho TMĐT cũng gấp đôi hiện nay. 
Có thể thấy, các doanh nghiệp TMĐT đang dần xây dựng được niềm tin của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, đánh giá các công ty lớn, đầu tư bài bản đều nỗ lực mang đến những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng. Bởi để đầu tư một chiến dịch quảng bá nhằm thu hút người tiêu dùng rất tốn kém, nhưng khi có vấn đề lại phải tốn thêm chi phí cao hơn để lấy lại khách hàng. 

Thấy mặt đặt tên, tránh bị lừa
Anh Trương Hồ (Tân Bình, TPHCM) từng chia sẻ trên trang mạng xã hội câu chuyện mua hàng online bị lừa cách đây gần 1 năm trên trang TMDT eBay.vn. Theo lời anh kể, thời điểm đó ebay.vn có rao bán 1 đồng hồ Akribos giảm giá khoảng 93%, từ hơn 15 triệu đồng xuống chỉ còn gần 1,3 triệu đồng. Tin vào uy tín của eBay, không cần tham khảo giá của các trang bán hàng online khác, anh Hồ  đặt mua liền 1 sản phẩm, gần 1 tháng sau nhận được hàng. Nhìn bên ngoài sản phẩm không được long lanh như trên ảnh website, đã thấy ngờ ngợ.
Đặc biệt, khi đeo vào phát hiện khớp nối giữa 2 dây bị lỏng nên đồng hồ hay bị bung dây. Nhiều lúc đang đeo đồng hồ rớt ra khỏi tay lúc nào không hay. Gọi đến hotline của eBay.vn phàn nàn về sản phẩm, tổng đài liên tục báo bận, đành phải gởi email cho công ty. Sau đó ít ngày, nhân viên eBay.vn có gọi điện thoại xác nhận tình trạng của sản phẩm và hứa hẹn sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất. Sau 2 tuần chờ đợi trong mòn mỏi, đành viết thêm 2 cái mail phản ảnh nhưng rồi chả có “ma” nào trả lời mail hoặc gọi điện lại. Đến nay, tuy eBay đã rút khỏi thị trường TMĐT Việt Nam, nhưng sau cú đó anh Hồ dường như mất niềm tin vào mua sắm online. 
Chọn kỹ trước khi click ảnh 1
Không chỉ bực mình về chất lượng, không ít khách hàng còn quay lưng với sàn TMĐT vì dịch vụ. Chốt đơn hàng xong, email thông báo đã đóng hàng và giao đi, trong 3-5 ngày sẽ tới, nhưng sau vài ngày email thông báo hết hàng, là chuyện không hiếm ở Việt Nam. “Chả biết khi họ email đã đóng hàng thì họ đóng cái gì, chuyển đi cho ai mà sau mấy ngày lại báo là không có hàng” - chị Thu Hà, một nạn nhân của dịch vụ mua hàng online bực mình chia sẻ.
Đó chỉ là dịch vụ, còn chất lượng không ít lần mua quần áo online chị đành phải mang đi cho vì chất liệu, màu sắc hoàn toàn không như quảng cáo, còn số đo online cũng rất ảo. Và khi mua hớ hoặc bị vấn đề dịch vụ chị thường phàn nàn trên mạng xã hội chứ ít khi liên hệ lại nơi bán vì chán cảnh phải trình bày, rồi chi phí chuyển trả có khi còn tốn kém hơn. 
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), tình trạng người tiêu dùng khiếu nại liên quan đến mua hàng kém chất lượng trên các trang mạng ngày càng gia tăng. Thực tế, có khoảng 10% khiếu nại liên quan đến mua bán trực tuyến với các vụ việc phức tạp và nhiều rủi ro đều thuộc về người tiêu dùng. 
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Cục TMĐT- công nghệ thông tin, khuyến cáo người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về thương nhân, tổ chức sở hữu website TMĐT trước khi mua hàng, cũng như các chính sách bán hàng, điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận, sản phẩm...
Hiện nay có rất nhiều người chưa có đủ niềm tin vào hình thức bán hàng online, chính vì thế họ chọn mua theo kiểu thấy mặt đặt tiền để tránh bị lừa. Ông Thomas Harris, Giám đốc điều hành DHL, cho biết  trong TMĐT yếu tố quyết định là lòng tin của khách hàng đối với người bán. Do chưa có lòng tin đối với người bán nên đặt hàng xong, nhìn thấy hàng, đồng ý mới trả tiền.
Chính vì vậy việc giao hàng và trả bằng tiền mặt chiếm đến 85% trong giao dịch mua bán, chỉ có 15% khách hàng mua online tại Việt Nam trả tiền trực tuyến. Vì vậy, theo ông Harris, các nhà bán lẻ trực tuyến địa phương cần có giải pháp hậu cần vận chuyển chất lượng cao để mở rộng quy mô, phạm vi trên toàn quốc. Việc thanh toán bằng tiền mặt ngay khi giao nhận chính là yếu tố cần thiết giúp TMĐT thành công.

Các tin khác