Bùng nổ mua sắm trực tuyến

(ĐTTCO) - Mua sắm trực tuyến ở Việt Nam đang được đánh giá có tiềm năng lớn khi số người sử dụng internet ngày càng tăng cao. Đó cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đổ vốn vào lĩnh vực này. 
 
Hấp lực thị trường 
Một trong những con số đang nhận được nhiều sự quan tâm khi nói về thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam là dự báo quy mô thị trường có thể đạt đến 10 tỷ USD vào năm 2020. Bất chấp việc nhiều ngành nghề khác đang khó khăn, tăng trưởng chậm, TMĐT vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 30%/năm.
Tại diễn đàn toàn cảnh TMĐT Việt Nam diễn ra hồi đầu năm, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen đã đưa ra những con số cho thấy mức độ hấp dẫn của thị trường TMĐT Việt Nam. Theo đó, đã có 45% dân số trong tổng số 91 triệu người tiếp cận internet. Con số này tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM còn cao hơn rất nhiều.
Và trong số người sử dụng internet, khoảng 28% đã tiếp cận TMĐT. Trung bình mỗi người Việt sử dụng internet chi 160USD cho TMĐT/năm. Trong đó số người sử dụng smartphone tăng lên nhanh chóng với tỷ lệ trên 70% dân số, tạo điều kiện phát triển TMĐT. 
 Việc nhiều doanh nghiệp TMĐT phải chia tay thị trường là đúng theo cơ chế thị trường. Lĩnh vực TMĐT nước ta đang trong giai đoạn đầu phát triển nên thách thức là lẽ đương nhiên. Vì thế, đầu tư cho TMĐT phải bài bản và chuyên nghiệp, không thể nóng vội, hấp tấp được. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt của TMĐT, đòi hỏi từng doanh nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn nữa. 
Ông Nguyễn Ngọc Dũng
Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam
Trong bối cảnh phát triển chung của thị trường, một số doanh nghiệp cũng ghi nhận những kết quả kinh doanh khá khả quan. Chia sẻ với ĐTTC, ông Huỳnh Văn Tốt, Phó Giám đốc kênh bán hàng phi truyền thống CTCP Đầu tư Thế giới di động, cho biết doanh thu 9 tháng năm 2017 của mảng TMĐT đạt 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng 85% so với cùng kỳ năm ngoái, dự kiến doanh thu cả năm đạt 6.600 tỷ đồng.
Còn theo ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc CTCP Sen Đỏ (sàn TMĐT Sendo.vn), cho rằng trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp đều đang trong giai đoạn đầu tư để mở rộng thị phần nhưng cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao, riêng với sendo.vn dự kiến năm 2017 sẽ có mức tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2016. 
Hấp lực thị trường TMĐT Việt Nam cũng trở thành động lực để Thế giới di động cho ra mắt thêm sàn vuivui.com vào đầu năm 2017, đặt mục tiêu trở thành trang TMĐT lớn ở TPHCM. Hay một cái tên mới khác cũng đang thu hút sự chú ý là badasa.com.vn, thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost). Điểm lợi thế badasa.com.vn là công ty mẹ VNPost sẽ cung cấp dịch vụ chuyển hàng và thu tiền trên toàn quốc, thông qua việc tận dụng hệ thống phương tiện vận chuyển công ty này đang sở hữu. 
Với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, dù sự ra đi của Zalora hay việc Lazada phải chuyển nhượng lại cho người “khổng lồ” Trung Quốc là Alibaba… song những nhà đầu tư ngoại khác vẫn mạnh bước tiến vào thị trường Việt Nam, trong đó Shopee đang là một trong những cái tên thu hút được nhiều sự quan tâm.
Sau hơn 1 năm có mặt ở Việt Nam, trang TMĐT Shopee.vn, trực thuộc công ty công nghệ đình đám của Singapore là SEA, đã có hơn 5 triệu lượt cài đặt phần mềm ứng dụng và đạt mốc 4 triệu sản phẩm được bày bán  hồi tháng 8 vừa qua. Shopee không tiết lộ con số doanh thu trong 1 năm hoạt động tại Việt Nam, nhưng cho biết đây là thị trường đứng thứ 3 trong khu vực về mức tăng trưởng, chỉ sau Indonesia và Đài Loan. 
 Lazada Việt Nam tiếp tục đa dạng ngành hàng với mức giá cạnh tranh, tập trung vào nâng cao tiện ích cho người sử dụng bằng cách cải thiện website, ứng dụng di động và rút ngắn thời gian giao hàng. Ngoài ra chúng tôi còn củng cố chương trình bảo vệ khách hàng và sẽ tiếp tục siết chặt chính sách không khoan nhượng, như chấm dứt hợp tác ngay lập tức với những nhà phân phối cung cấp sản phẩm kém chất lượng trên sàn giao dịch.
Ông Alexandre Dardy,
Giám đốc Điều hành Lazada Việt Nam
 
Cạnh tranh khốc liệt
Tiềm năng, nhiều cơ hội, nhưng để phát huy được tiềm năng này là một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng, trong đó sẽ có người thắng và kẻ thua. Theo đó, bên cạnh các trang TMĐT mới ra đời, thị trường cũng chứng kiến sự ra đi của nhiều trang TMĐT.
Ở khối ngoại, sau khi Rocket Internet bán lại 2 đứa con của mình là Zalora và Lazada cho Central Group (Thái Lan) và Ailibaba của Trung Quốc, không lâu sau Zalora đã biến mất khỏi thị trường Việt Nam. 

Khối nội cũng không thiếu những cuộc chia tay ngậm ngùi, như vào tháng 8-2016, sau khi tiêu tốn hơn 150 tỷ đồng, lingo.vn đã chính thức chia tay thị trường. Ngoài lingo.vn, hàng loạt trang TMĐT khác cũng nói lời chia tay như Beyeu.com, Lamdieu.com…
Hay gần nhất vào hồi tháng 5 vừa qua, trang topmot, sàn TMĐT tiên phong bán hàng theo mô hình flash sale - kết nối những nhà cung cấp muốn giải phóng hàng tồn kho, hoặc xả hàng cuối mùa với những người có nhu cầu mua sắm hàng giảm giá - cũng chia tay thị trường, dù trước đó đã gọi được vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. 
Thực tế hiện nay các doanh nghiệp trong mảng TMĐT, nhất là doanh nghiệp nội, đang nỗ lực tìm cho mình những ưu thế để có thể giành thị phần nhiều hơn. Song trong cuộc đua này, doanh nghiệp ngoại có vẻ đang chiếm ưu thế do có tiềm lực về tài chính và nhiều kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT. Bên cạnh đó, họ cũng tìm hiểu rất kỹ thói quen tiêu dùng của người Việt. Bằng chứng là đến thời điểm này, Shopee là nền tảng duy nhất cho phép người bán và người mua có thể trực tiếp giao tiếp với nhau khi mua sắm. 
Tuy nhiên, theo ông Trần Hải Linh, thị trường TMĐT rộng lớn nên cơ hội chia đều cho tất cả và bên nào có chiến lược hợp lý sẽ đạt được thành công. Thí dụ, nhà đầu tư nước ngoài thường bắt tay với các nhà cung cấp, sản xuất lớn, trong khi đó Sendo.vn tập trung phục vụ khách hàng trung bình (tỷ trọng khoảng 60%), phân khúc đang có sức mua ngày càng tăng mạnh.
Hay như chia sẻ của ông Huỳnh Văn Tốt: “Trong cuộc đua này một số doanh nghiệp nội không hề ngán ngại sự có mặt của nhà đầu tư nước ngoài. Thế giới di động hiện tại không cạnh tranh với những sàn TMĐT khác, vì chiến lược hoàn toàn khác. Theo đó, chúng tôi không cạnh tranh về giá và khuyến mại, nên không lo ngại nhiều về sự gia nhập của doanh nghiệp ngoại” – ông Huỳnh Văn Tốt chia sẻ.
Theo nhiều chuyên gia, thế giới đang phát triển mạnh mô hình TMĐT. Đặc biệt, mô hình TMĐT doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C) sẽ phát triển mạnh với mức tăng trưởng 20%/năm, đạt khoảng 3.400 tỷ USD, trong đó TMĐT xuyên biên giới chiếm 30% (đạt khoảng 1.000 tỷ USD). Tại Việt Nam, đến năm 2020 dự kiến có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt 350USD/người.
Theo đó, TMĐT trên nền tảng di động và TMĐT định vị sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới, chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ toàn cầu. Bên cạnh website TMĐT, các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook được sử dụng rất phổ biến ở Việt Nam. Hiện số người sử dụng các diễn đàn mạng xã hội để mua sắm trực tuyến không ngừng gia tăng. Số doanh nghiệp sử dụng nền tảng di động như kênh liên lạc giữa nhà bán lẻ và người tiêu dùng ngày càng nhiều, cho thấy sự sôi động của lĩnh vực TMĐT hiện nay tại Việt Nam.
Bùng nổ mua sắm trực tuyến ảnh 1 Thời công nghệ thông tin bùng nổ có thể ngồi ở bất cứ đâu, thời điểm nào chỉ cần chiếc smartphone là có thể chọn mua hàng. 
Hướng đến người tiêu dùng
Trong cuộc chiến khốc liệt của lĩnh vực TMĐT, dù là phương thức nào đích đến cuối cùng của các doanh nghiệp là làm sao thu hút ngày càng đông người tiêu dùng. Và muốn thu hút được người tiêu dùng, ngoài các phương pháp truyền thống như chạy đua khuyến mại, giảm giá, quảng cáo, các doanh nghiệp cần phải hiểu người tiêu dùng. Một khái niệm đang được nhắc đến nhiều chính là người tiêu dùng kết nối - những người thường xuyên kết nối với internet và đồng thời là những người sẵn sàng có mức chi tiêu cao.
Theo nghiên cứu của Nielsen, tại Việt Nam số lượng người tiêu dùng kết nối trong năm 2015 là 23 triệu người, dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi, đạt 40 triệu người trong năm 2025. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chi tiêu hàng năm của người tiêu dùng kết nối tại Việt Nam sẽ tăng từ 50 tỷ USD trong năm 2015 lên 99 tỷ USD trong năm 2025, chiếm khoảng 50% tổng tiêu dùng hàng năm.
Quan trọng hơn, đặc tính của người tiêu dùng kết nối hiện nay chính là mua sắm đa kênh cả online và offline (mua hàng tại các shop, cửa hàng). Chính hành vi mua sắm mới này của người tiêu dùng đã làm xuất hiện một xu hướng mới trong TMĐT: bán lẻ đa kênh. Ngay cả những ông lớn trong ngành TMĐT thế giới như Amazon cũng đã cũng mở cửa hàng sách đầu tiên của mình vào tháng 11-2015 tại Seattle (Hoa Kỳ) và khá thành công. Hiện nay Amazon, mở hàng loạt cửa hàng theo hình thức pop - up (cửa hàng xuất hiện rồi bất ngờ biến mất vài ngày sau đó) để tăng trải nghiệm cho khách hàng. 
Tại Việt Nam, nhiều nhà bán lẻ cũng đang phát triển thêm mảng online, như Lotte với việc ra đời trang mua sắm online, đã tuyên bố sẽ giành 20% thị phần TMĐT Việt Nam. Hay đại gia bán lẻ AEON (Nhật Bản) chính thức tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam khi vừa cho ra mắt website thương mại trực tuyến AeonEshop… Việt Nam là quốc gia thứ 3 AEON tham gia TMĐT sau Nhật Bản và Malaysia. Khi ranh giới giữa online và offline dần không còn, sẽ càng làm cho TMĐT Việt Nam thêm sôi động và quyết liệt. 

Các tin khác