Nhìn từ khối FDI
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đóng góp của khu vực FDI vào GDP tăng từ 15,2% trong năm 2010 đến 20,1% trong năm 2020. Như vậy trong 10 năm đóng góp của khu vực FDI vào GDP tăng gần 5%. Trong 5% tăng lên của khu vực FDI thay thế 2% giảm của khu vực nhà nước (từ 29,3% năm 2010 xuống 27,3% năm 2020) và 3% của khu vực kinh tế cá thể (từ 32% năm 2010 xuống khoảng 29% năm 2020).
Vậy chúng ta kỳ vọng gì vào đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi việc thu hút dòng vốn, chuyển giao công nghệ, phương thức quản lý, thu hút lao động… của khối DN FDI dường như không được như kỳ vọng trong hơn 20 năm qua...
Thực tế, khối DN FDI làm ăn có hiệu quả do phương thức quản lý hiện đại, nhưng cơ bản do những ưu đãi về chính sách thuế, tiếp cận vốn và đất đai… Đáng lo hơn khu vực này càng làm ăn có hiệu quả, luồng tiền chi trả sở hữu ra nước ngoài một cách hợp pháp càng nhiều, dẫn đến nội lực của nền kinh tế thông qua tiết kiệm quốc gia càng nhỏ lại và vay nợ tăng lên.
Trong tờ trình về “xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc” của Bộ KH-ĐT, cho thấy bộ này cũng nhận thấy hầu hết vấn đề. Tuy nhiên, trong dự thảo luôn nhắc đến sự hiệu quả của khu vực này. Câu hỏi đặt ra, Việt Nam được gì từ việc làm ăn có hiệu quả của khu vực FDI? Vấn đề nữa cần lưu ý là cần có chính sách ứng xử bình đẳng giữa các loại hình sở hữu. Bởi trong 20 năm nay thành phần kinh tế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP là kinh tế cá thể, dường như chưa được quan tâm nhiều.
Do vậy Bộ Tài chính cũng cần vào cuộc “xây dựng tiêu chí thu hút FDI có chọn lọc”, nếu không các tiêu chí dù có hay ho mấy cũng không nhiều ý nghĩa. Chẳng hạn, các DN FDI cơ bản làm gia công để xuất khẩu, năm 2021 xuất khẩu của khu vực FDI chiếm gần 74% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Theo tính toán từ bảng cân đối liên ngành, xuất khẩu hàng hóa lan tỏa thấp nhất đến giá trị gia tăng của nền kinh tế trong các nhân tố của cầu cuối cùng (tiêu dùng của dân cư và Chính phủ, đầu tư và xuất khẩu). Trong đó điều trớ trêu là nhóm ngành nông, lâm và thủy sản luôn được nói là ưu tiên, và thực tế nhóm ngành này có các chỉ số lan tỏa tốt đến nền kinh tế, nhưng các chính sách, đặc biệt chính sách về thuế dường như không hướng đến điều này, khi hiệu quả bảo hộ hữu hiệu của nhóm ngành nông nghiệp đang ngày càng giảm. Nếu năm 2012 tỷ lệ bảo hộ hữu hiệu của nhóm ngành nông nghiệp khoảng 0,27, đến năm 2019 là - 0,08. Điều này có nghĩa nhóm ngành này hoàn toàn không được bảo hộ về sản xuất.
Đến thiệt thòi lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn
Theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ, các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ được hưởng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước, như được ưu đãi và hỗ trợ thông qua miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở; cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Một vấn đề rất cơ bản mà các chuyên gia đã đề cập từ nhiều năm nay, là chính sách thuế đối với các ngành sản xuất sản phẩm là đầu vào cho nông nghiệp, như phân bón thuộc đối tượng không phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), DN sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế cho nguyên vật liệu đầu vào. Chính sách này của Bộ Tài chính nhìn bề ngoài tưởng ưu đãi, nhưng thực chất bất cập giữa DN trong nước và DN FDI. Đó là khi giá thành và giá bán phân bón tăng, nông dân lãnh đủ, trong khi ưu đãi thực sự cho các DN FDI khi họ chỉ chịu thuế suất thuế VAT hàng xuất khẩu 0%, tức không những không phải đóng thuế VAT mà còn được khấu trừ thuế VAT đầu vào.
Chính sách của Bộ Tài chính không chỉ khiến các DN sản xuất sản phẩm làm đầu vào cho nhóm ngành nông nghiệp gặp khó khăn, còn khiến nông dân khó khăn và giá thành sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tăng lên. Khi chi phí tăng lên sẽ khiến nông dân không còn lợi nhuận thậm chí lỗ, dẫn đến giá tiêu dùng tăng, sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp và cả các sản phẩm nông nghiệp ngày càng khó cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu. Nhất là khi sắp tới đây thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm về mức 0% theo cam kết hội nhập.
Điều này khiến bảo hộ sản xuất các nhóm ngành nông nghiệp âm, có nghĩa nhóm này không những không được bảo hộ, còn bị “bóp chết” bởi chính sách thuế của Bộ Tài chính. Nói cách khác, nhóm ngành sản xuất sản phẩm nông nghiệp không được Nhà nước khuyến khích, dường như trái ngược với Nghị định 57 về ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn.
Mới đây Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế VAT để hỗ trợ, phát triển DN sản xuất phân bón, đã đề xuất đưa mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế 5%. Đây dù là bước tiến nhưng chưa đủ để gọi là ưu đãi cho nông nghiệp. Hơn nữa, cái gì có lợi cho dân và nền kinh tế thường được thực hiện rất đủng đỉnh, trong khi những bất cập này không thấy tờ trình của Bộ KH-ĐT nhắc đến.
Thực tế, khối DN FDI làm ăn có hiệu quả do phương thức quản lý hiện đại, nhưng cơ bản do những ưu đãi về chính sách thuế, tiếp cận vốn và đất đai… |