Chú trọng hiệu quả thực sự của chính sách miễn giảm thuế

(ĐTTCO) - Ngày 16-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
 Dự thảo Luật Cư trú cũng đã được cơ quan lập pháp cho ý kiến. Chiều cùng ngày, các dự án Luật Thanh niên, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành (lần lượt) là 91,30% và 90,27% tổng số ĐBQH.
Gặp khó mà cố gắng trụ lại thì càng cần được hỗ trợ
Mặc dù tán thành thông qua nghị quyết để hỗ trợ DN, song nhiều ý kiến tại phiên họp đề nghị mở rộng diện hỗ trợ, không chỉ “gói” trong phạm vi DN có doanh thu dưới 50 tỷ đồng và số lao động dưới 100 người. ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) phân tích: “Không nên lấy tiêu chí dưới 100 người lao động mới được miễn giảm. Những DN gặp khó khăn mà cố gắng giữ được người lao động thì rất đáng quý, càng cần được hỗ trợ, vì góp phần đảm bảo an sinh xã hội”.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) thì cho rằng, việc giảm 30% thuế TNDN thực tế mang tính chất động viên nhiều hơn, chứ chưa hỗ trợ được nhóm DN khó khăn nhất. “Những DN có lãi (để nộp thuế TNDN) năm nay thực sự là anh hùng lao động. Nhưng những DN khó khăn nhất thì không thể có lãi. Xét từ góc độ hiệu quả hỗ trợ, chúng ta cần quan tâm đến nhóm DN tạm ngừng hoạt động. Năm nay số này tăng 36,4% so với cùng kỳ. Đó là những DN chưa bỏ cuộc, vẫn muốn giữ thương hiệu, giữ người lao động để chờ cơ hội, Chính phủ nên quan tâm đến họ, tạo cho họ cơ hội vượt khó bằng một số chính sách tiền tệ, tài khóa”, ĐB Trần Hoàng Ngân bình luận.
Chú trọng hiệu quả thực sự của chính sách miễn giảm thuế ảnh 1 ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phát biểu tại hội trường sáng 16-6
Ảnh: VIẾT CHUNG
Vẫn theo ĐB Trần Hoàng Ngân, những DN có doanh thu dưới 50 tỷ đồng thì lợi nhuận không cao, tổng số thuế TNDN được miễn cũng sẽ không lớn. Trong khi Việt Nam cũng rất cần những DN lớn mạnh, những con chim đầu đàn để có thể cạnh tranh với thế giới thì cần phải có thêm nhiều chính sách khác dành cho khối DN này để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo tác động lan tỏa mạnh mẽ hơn đến toàn bộ nền kinh tế.
Có quan điểm tương tự, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhận xét, nếu không mở ra được cho cả DN vừa thì diện hỗ trợ của nghị quyết nên bao gồm tất cả DN nhỏ theo định nghĩa trong Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa. ĐB Vũ Tiến Lộc lưu ý thêm, nếu xét theo tiêu chí hiệu quả thì nên quan tâm đến những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19 nhưng có tiềm năng hồi phục nhanh nhất; những DN lớn, dự án trọng điểm, cốt lõi trong nền kinh tế, giúp bảo vệ chủ quyền kinh tế của Việt Nam.
Chú trọng hiệu quả thực sự của chính sách miễn giảm thuế

Được mời giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, vừa qua, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài khóa hỗ trợ DN chứ không chỉ có giải pháp giảm thuế. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Về cắt giảm phí, lệ phí, đến nay Bộ Tài chính đã ban hành 18 thông tư, giảm các loại phí, lệ phí. Đặc biệt là giảm giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, cho nên trong thời gian vừa qua đã có tác động rất lớn, góp phần ổn định thị trường... Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng và sẽ trình Chính phủ quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước; trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay…

Các tin khác