Năm 2020 dịch Covid-19 mang đến nhiều thử thách cho nền kinh tế nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho TTCK nhờ sự kiểm soát tốt dịch bệnh và sự gia nhập của dòng tiền mới. TTCK Việt Nam đã tăng trưởng vượt qua mọi dự báo của giới chuyên gia cũng như sự kỳ vọng của nhà đầu tư.
Chính vì vậy, năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) lạc quan hơn khi dự báo tăng trưởng 6,7%, còn các ngân hàng quốc tế dự báo 6,8-7%.
Chia sẻ về nhận định TTCK năm 2021, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư (Tập đoàn VinaCapital), cho rằng những ngành bị tác động mạnh nhất do Covid-19 trong 2020 như bán lẻ, hàng không, du lịch, dầu khí sẽ phục hồi mạnh trong 2021.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đẩy mạnh đầu tư công và hạ tầng để thúc đẩy kinh tế, các ngành sắt thép, vật liệu xây dựng phục vụ cho việc đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng và bất động sản đi cùng với cơ sở hạ tầng cũng sẽ hưởng lợi trong năm 2021.
Cũng theo ông Andy Ho, với hiệu quả trong việc chủ động kiểm soát tốt dịch Covid-19, sự ổn định về kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, uy tín của Việt Nam được củng cố và nâng cao trên trường quốc tế, là cơ sở để các dòng vốn ngoại sẽ sớm quay lại Việt Nam.
Bên cạnh đó, khi lãi suất ở Mỹ và hầu hết quốc gia trên thế giới đang ở mức rất thấp, các quỹ đầu tư tại các nước này sẽ xem xét chuyển hướng đầu tư vào các thị trường mới nổi, cận biên trong đó có Việt Nam, để tăng hiệu quả về lợi nhuận.
Năm 2020, tăng trưởng tín dụng khoảng 12,13%, lãi suất điều hành giảm 1,5-2%/năm, trần lãi suất tiền gửi giảm 0,6-1%, lãi suất cho vay giảm 1,5%. Năm 2021, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%, tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. NHNN điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân 4%.
Trong khi đó, theo ông Andy Ho, yếu tố lãi suất sẽ ảnh hưởng nhiều tới suy nghĩ đầu tư. Khi lãi suất đi xuống, nhà đầu tư rút tiền từ bất động sản, tiết kiệm đổ vào chứng khoán. Do vậy, đầu tư lâu hay ngắn cũng phụ thuộc vào lãi suất, nên nhà đầu tư đa dạng hóa các kênh.
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những nước có triển vọng tăng trưởng khả quan nhất khu vực châu Á. Trong giai đoạn dịch bệnh, chúng ta đang có những điều kiện quan trọng nhất để doanh nghiệp vượt khó và phát triển sản xuất kinh doanh. Đó là những yếu tố nền tảng hỗ trợ TTCK phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo TS. David Gray, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và kinh tế (Đại học Lincoln, Vương quốc Anh), Việt Nam đã ký thỏa thuận thương mại với Anh và thỏa thuận thương mại với châu Âu có hiệu lực; đã tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (RCEP), cho thấy Việt Nam đang ngày càng mở cửa hướng tới tự do thương mại, thu hút thêm nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Những điều này mang đến kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội giao thương giữa Việt Nam với châu Âu. Điều đó sẽ dẫn đến việc các dòng tiền nóng chạy vòng quanh thế giới sẽ tìm tới thị trường tài sản Việt Nam. Nhưng hậu quả là bong bóng tài sản có thể sẽ diễn ra.