Vẫn còn nhiều lực cản trong ngắn hạn
Phiên ngày 16-6, hàng trăm mã CP quay đầu tăng giá sau chuỗi lao dốc kinh hoàng trước đó do lo ngại về những hệ lụy sau khi Fed tăng lãi suất. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư (NĐT) vẫn chọn giải pháp đứng ngoài thị trường để quan sát thay vì mua vào để đón đầu sóng tăng mới. Sự thận trọng của NĐT là hoàn toàn có cơ sở, bởi TTCK vẫn đang đối mặt với quá nhiều rủi ro, đặc biệt là các yếu tố bên ngoài.
Phiên ngày 16-6, hàng trăm mã CP quay đầu tăng giá sau chuỗi lao dốc kinh hoàng trước đó do lo ngại về những hệ lụy sau khi Fed tăng lãi suất. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư (NĐT) vẫn chọn giải pháp đứng ngoài thị trường để quan sát thay vì mua vào để đón đầu sóng tăng mới. Sự thận trọng của NĐT là hoàn toàn có cơ sở, bởi TTCK vẫn đang đối mặt với quá nhiều rủi ro, đặc biệt là các yếu tố bên ngoài.
Nhận định này đã được hàng loạt CTCK đưa vào trong báo cáo phân tích về TTCK trong tháng 6. Chẳng hạn, CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định cho rằng TTCK Việt Nam vẫn đang đứng trước khá nhiều rủi ro vĩ mô từ bên ngoài, đặc biệt là liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chặt trong bối cảnh diễn biến lạm phát toàn cầu khó lường, dẫn dắt bởi giá năng lượng và lương thực neo cao.
Yếu tố này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát của Việt Nam. Qua đó trở thành lực cản lớn đối với đà tăng của thị trường trong bối cảnh dòng tiền ngày càng thận trọng và khó có nhiều thông tin tích cực mang tính lan tỏa trên diện rộng trong tháng 6.
Tương tự, Trung tâm Phân tích của CTCK Sài Gòn (SSI Research), cho rằng trong ngắn hạn TTCK vẫn còn gặp nhiều thách thức trong bối cảnh Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc gián tiếp tác động đến TTCK Việt Nam.
Việc tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đang có xu hướng quay lại mức cao do thu hẹp giao dịch từ khối NĐT cá nhân, có thể khiến động lực hồi phục của thị trường suy yếu trong trường hợp dòng vốn từ khối ngoại đảo chiều. Đây là những yếu tố để SSI Research nhận định, chưa nhìn thấy động lực cho thị trường đi lên mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay.
Triển vọng trong dài hạn
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của CTCK VNDirect (VND) đưa ra quan điểm tích cực về biến động thị trường trong tháng 6, với kỳ vọng tốc độ phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế Việt Nam trong vài quý tới sẽ hỗ trợ đáng kể cho TTCK. Yếu tố tiếp theo hỗ trợ cho TTCK đến từ việc chính thức triển khai gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng. Gói cấp bù lãi suất có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình từ 20-40 điểm cơ bản trong năm 2022. Yếu tố quan trọng nhất là triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các công ty niêm yết trong giai đoạn 2022-2023.
Theo giới phân tích, việc VN Index hồi phục được thúc đẩy bởi TTCK toàn cầu đã giảm bớt tâm lý bi quan trong vài tuần qua và bởi những diễn biến tích cực tại Việt Nam. Mặc dù thị trường rơi vào tình trạng “con gấu” nhưng vẫn xuất hiện những tín hiệu tích cực. Đơn cử các NĐTNN đã mua hơn 150 triệu USD trong tháng 5 (bao gồm khoảng 125 triệu USD dòng vốn nước ngoài đầu tư vào quỹ ETF) sau khi bán hết số ròng khoảng 290 triệu USD trong quý I.
Động lực để khối ngoại mua ròng trở lại đến từ nhận định TTCK Việt Nam vẫn đang rẻ với P/E dự phóng chỉ ở mức 11,5x, so với mức tăng trưởng EPS dự kiến là hơn 20% cho năm 2022. Đặc biệt, nếu so với tỷ lệ P/E dự phóng trung bình 16,2x đối với các quốc gia ASEAN đang phát triển trong khu vực thì đây là mức định giá hấp dẫn.
Cơ hội phía trước
Nhận định về TTCK trong thời gian tới, ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, cho rằng tất cả những yếu tố kể trên sẽ tạo tiền đề để chỉ số VN Index tiếp tục tăng trong năm nay. Nhận định này được sự tán đồng từ các NĐTNN mà VinaCapital từng tiếp xúc. Cũng theo ông Michael Kokalari, những diễn biến mới hiện đang hỗ trợ tâm lý của NĐT trong nước là: thị trường nhận thức được làn sóng bán tháo do các lệnh dừng ký quỹ gần đây đã kết thúc, Chính phủ công bố gói hỗ trợ lãi suất 2% để hỗ trợ các doanh nghiệp, các diễn biến tích cực của nền kinh tế (bao gồm cả mức tăng kỷ lục của doanh số bán lẻ trong tháng 5) và nhận thức ngày càng tăng rằng các sự kiện kinh tế toàn cầu hiện tại sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam.
Một điểm sáng khác của kinh tế vĩ mô tháng 5 là lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Theo số liệu của IHS Markit vừa công bố báo cáo chỉ số Nhà Quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) của Việt Nam đạt 54,7 điểm so với mức 51,7 điểm trong tháng 4. Đáng chú ý, đơn đặt hàng mới và đơn hàng xuất khẩu đều tăng nhanh dù có dấu hiệu cho thấy nhu cầu thế giới bị hạn chế bởi các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc. Sự tích cực của lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam là khá nổi bật nếu so với chỉ số PMI của khu vực và thế giới.
Trong 7 quốc gia ASEAN được khảo sát, chỉ có PMI sản xuất của Việt Nam tăng nhanh hơn trong tháng 5. Trên toàn cầu, chỉ số PMI sản xuất toàn cầu không thay đổi nhiều so với tháng trước, đạt 52,4 điểm dù vẫn trên ngưỡng 50 điểm nhưng vẫn đang ở gần mức thấp nhất trong vòng 20 tháng. Đơn hàng xuất khẩu mới trên toàn cầu giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7-2020 cho thấy bức tranh thương mại toàn cầu không mấy khả quan. Trong bối cảnh như vậy, chỉ số PMI của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8 trong xếp hạng PMI toàn cầu, thấp hơn PMI của các nền kinh tế đã phát triển nhưng lại vượt trội so với PMI của nhóm nước đang phát triển.
Những diễn biến mới hiện đang hỗ trợ tâm lý của NĐT trong nước là: thị trường nhận thức được làn sóng bán tháo do các lệnh dừng ký quỹ gần đây đã kết thúc, Chính phủ công bố gói hỗ trợ lãi suất 2% để hỗ trợ các doanh nghiệp, các diễn biến tích cực của nền kinh tế. |