Chứng khoán Mỹ đỏ lửa 2 phiên liền; Dầu tăng 3%

(ĐTTCO) - Phố Wall tiếp tục giảm điểm vào thứ Ba (6/5), sau những nhận định không chắc chắn của Tổng thống Trump về các thoả thuận thương mại toàn cầu, làm tiêu tan hy vọng rằng sẽ sớm đạt được tiến triển về thuế quan. Giá dầu tăng nhờ dấu hiệu nhu cầu tăng ở châu Âu và Trung Quốc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Chứng khoán Mỹ đỏ lửa 2 phiên liền; Dầu tăng 3%

Dow Jones mất gần 400 điểm

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones lao dốc 389,83 điểm, tương đương 0,95% xuống 40.829,00 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,77% còn 5.606,91 điểm và chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,87% xuống 17.689,66 điểm. Cả 3 chỉ số đều ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp.

Cổ phiếu Tesla “bốc hơi” 1,8% sau khi doanh số bán xe mới của công ty tại Anh và Đức giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm vào tháng 4/2025, mặc dù nhu cầu xe điện tăng. Cổ phiếu Goldman Sachs hạ 1,8%, góp phần khiến Dow Jones suy giảm. Cổ phiếu Nvidia và Meta Platforms cũng giảm.

Chứng khoán Mỹ biến động sau khi ông Trump có cuộc gặp với Thủ tướng Canada Mark Carney vào chiều thứ Ba, đánh dấu sự khởi đầu của các cuộc đàm phán giữa 2 nhà lãnh đạo kể từ khi ông Carney nhậm chức vào đầu năm nay.

Trong cuộc họp, ông Trump đã rút lại lời hứa rằng các thoả thuận thương mại đang ở ngay trước mắt, mà nói rằng “Chúng ta không cần phải ký các thoả thuận.” Tuyên bố của ông trái ngược với phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vào đầu tuần này. Ông Bessent nói vào ngày 5/5 rằng “chúng ta đang rất gần với một số thoả thuận”, lặp lại nhận định của ông Trump vào hôm 4/5 rằng các thoả thuận có thể đạt được sớm nhất là trong tuần này.

Ông Bessent đã nhắc lại quan điểm này trong phiên điều trần trước Uỷ ban phân bổ Hạ viện Mỹ vào ngày 6/5, lưu ý rằng: “Khoảng 97 hoặc 98% thâm hụt thương mại của chúng ta là với 15 quốc gia. 18% các quốc gia là đối tác thương mại chính của chúng ta. Và tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu chúng ta không hoàn thành hơn 80 hoặc 90% trong số đó vào cuối năm nay, và điều đó có thể sớm hơn nhiều.”

Chắc chắn là các thoả thuận thương mại chính thức giữa Mỹ và các đối tác vẫn chưa được công bố. Và trong khi dữ liệu từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM) hôm 5/5 cho thấy hoạt động của ngành dịch vụ vẫn mạnh hơn dự báo trong tháng 4, thì những lo ngại về thuế quan vẫn tiếp diễn.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày vào ngày thứ Ba, với quyết định sẽ được đưa ra vào ngày 7/5. Ngân hàng trung ương được dự báo sẽ giữ lãi suất ổn định, với dự báo cho thấy xác suất chỉ 3.1% Fed sẽ nới lỏng chính sách.

Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ lắng nghe phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell về triển vọng kinh tế.

Triển vọng nhu cầu tích cực từ châu Âu và Trung Quốc

Khép phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 1,92 USD, tương đương 3,19% lên 62,15 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1,16 USD, tương đương 3,43% lên 59,09 USD/thùng.

Cả 2 hợp đồng dầu đều tăng ra khỏi vùng quá bán về mặt kỹ thuật, một ngày sau khi khép phiên tại mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga, đã quyết định vào cuối tuần trước sẽ đẩy nhanh tăng sản lượng dầu trong tháng thứ 2 liên tiếp.

Bên cạnh đó, phí bảo hiểm rủi ro địa chính trị gia tăng khi Israel tấn công các mục tiêu của Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen để trả đũa cho một cuộc tấn công vào sân bay Ben Gurion.

Giá dầu cũng được hỗ trợ sau khi người tiêu dùng Trung Quốc tăng chi tiêu trong lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động và khi những người tham gia thị trường trở lại sau kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày.

Tại Mỹ, đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tuần, khi nhà đầu tư trở nên mất kiên nhẫn với các thỏa thuận thương mại. Đồng USD suy yếu khiến dầu được neo giá theo đồng bạc xanh trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.

Tại châu Âu, các công ty được dự báo mức tăng trưởng đạt 0,4% trong mùa báo cáo lợi nhuận quý đầu tiên, cải thiện so với mức giảm 1,7% mà các chuyên gia phân tích dự báo một tuần trước.

Trưởng phòng thương mại của Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này không chịu áp lực phải chấp thuận một thỏa thuận thuế quan không công bằng với Mỹ.

Trong khi đó, Uỷ ban châu Âu (EC) đã đề xuất bổ sung thêm nhiều cá nhân và hơn 100 tàu có liên quan đến đội tàu ngầm của Nga vào gói trừng phạt thứ 17 đối với Moscow để đáp trả cuộc xung đột tại Ukraine.

Ông Trump cho biết vào ngày 5/5 rằng ông sẽ công bố mức thuế dược phẩm trong 2 tuần tới, hành động mới nhất của ông đối với các khoản thuế đã làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu trong những tháng qua.

Fed được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất không đổi vào ngày 7/5 khi thuế quan làm đảo lộn triển vọng kinh tế.

Việc hạ lãi suất có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và do đó, làm tăng nhu cầu dầu mỏ. Tuy nhiên, thuế quan có thể khiến lạm phát cao hơn, và Fed sẽ sử dụng lãi suất cao hơn để đối phó với lạm phát.

Các tin khác