Chứng khoán vào sóng đón Tết

(ĐTTCO) - Chỉ trong 2 tuần đầu tiên của năm 2024, VN Index cũng đã tăng trưởng gần 3%, hứa hẹn một con sóng rực rỡ trước khi nhà đầu tư bước vào kỳ nghỉ dài của Tết Nguyên đán.

Giá trị giao dịch hàng ngày của nhóm CP NH trên sàn HoSE (tỷ đồng, cột trái) và tỷ trọng thanh khoản so với tổng giá trị sàn (%, cột phải).
Giá trị giao dịch hàng ngày của nhóm CP NH trên sàn HoSE (tỷ đồng, cột trái) và tỷ trọng thanh khoản so với tổng giá trị sàn (%, cột phải).

Sóng sớm ở CP NH

Có nhiều lý do để tháng 1 tăng trưởng tốt hơn là sụt giảm. Đầu tiên phải nói tới việc cơ cấu lại danh mục mới cho năm tài chính. Thông thường, cuối tháng 12 hàng năm các quỹ sẽ giao dịch để hoàn thành báo cáo tài chính và “chốt sổ”, nhưng đến đầu năm kế tiếp sẽ thực hiện giải ngân mới hoặc lựa chọn phân bổ tài sản.

Thứ hai là thời điểm hội tụ của các mạch thông tin quan trọng, bao gồm các số liệu tổng hợp vĩ mô cho cả năm trước và kết quả kinh doanh quý IV hàng năm.

Thứ ba là tâm lý “đón Tết” thường xuất hiện hơn là tâm lý “mất Tết”, nhất là khi thị trường không xuất hiện các sự kiện tiêu cực bất ngờ.

Mùa báo cáo tài chính quý IV-2023 được dự báo sẽ không có nhiều bất ngờ, nhưng 2 tuần qua thị trường đột nhiên xuất hiện sóng tăng giá dữ dội của nhóm CP NH. Thực ra nếu từ góc độ lợi nhuận, NH là nhóm dễ dự đoán nhất và có tính chắc chắn cao nhất.

Một số NH như VCB, CTG cũng hé lộ con số lợi nhuận trong các hội nghị tổng kết – dù chưa phải con số chính thức, nhưng cũng góp phần xác nhận triển vọng lợi nhuận tích cực trong quý IV và cả năm 2023.

Nói một cách đơn giản, dòng tiền lựa chọn nhóm CP NH vì kỳ vọng rõ ràng nhất, hoặc ít nhất là dễ tìm thấy lý do để mua.

Thực ra các CP NH đã vào sóng từ sớm hơn nhiều, khi dự báo kết quả kinh doanh sẽ tích cực. Một số CP như BID khởi động sóng tăng từ tháng 11 năm ngoái, và đã đạt mức tăng trưởng giá gần 34% cho đến nay.

ACB cũng vào sóng từ đầu tháng 12-2023 và đã tăng khoảng 16%. CTG tạo đáy đầu tháng 11-2023 và bắt đầu bứt phá từ đầu tháng 12-2023, tính chung đến nay đã tăng 26,5%.

Trái lại, VCB chỉ tạo đáy từ cuối tháng 12, đúng vào ngày họp tổng kết NH và báo cáo lợi nhuận, ngay sau đó thổi bùng đợt tăng 11,5% chỉ sau 8 phiên…

Một thống kê khác cũng cho thấy sự thay đổi lớn trong mối quan tâm của thị trường đối với nhóm CP NH. Giá trị giao dịch tổng hợp của tất cả các CP NH trên sàn HoSE đang gia tăng rất nhanh. Cụ thể, chỉ trong 2 tuần đầu năm 2024, mỗi ngày nhóm NH khớp lệnh trung bình 4.246 tỷ đồng. Mức trung bình trong tháng 12-2023 chỉ là 2.127 tỷ đồng/ngày, nghĩa là đã tăng gấp đôi.

Dòng tiền chuyển hướng đổ mạnh vào nhóm CP NH có thể thấy rõ nhất qua mức thanh khoản này. Đó là chưa kể tới thị phần giao dịch của nhóm NH đã lên tới 30% giá trị sàn, tức là cứ mỗi 100 đồng luân chuyển trên sàn có gần 30 đồng là ở CP NH. Tỷ trọng trung bình trong 6 tháng cuối năm 2023 chỉ khoảng 17%, còn trong tháng 12-2023 là 15,8%.

Điều này không có nghĩa là dòng tiền chỉ dồn vào NH mà bỏ rơi các nhóm CP khác. Mùa báo cáo tài chính về cơ bản sẽ tác động đến giá CP giống nhau. Tuy nhiên, hiện tại như đã nói thị trường hướng tới những gì dễ đoán nhất, chắc chắn nhất, thậm chí là sớm nhất, và CP NH hội tụ các tiêu chí đó.

Sau khi các CP NH tăng đủ nhiều và bão hòa, dòng tiền sẽ luân chuyển sang các nhóm CP khác. Điều này thường phù hợp với thời gian công bố kết quả kinh doanh khác nhau giữa các nhóm doanh nghiệp.

Dòng tiền cá nhân mạnh mẽ

Sự hào hứng của "con sóng" đón Tết cũng thường được thể hiện qua sự hưng phấn của nhóm NĐT cá nhân. Thông thường những cơ hội đầu cơ ngắn hạn mang tính mùa vụ đều thu hút chú ý của nhóm này, vì tính linh hoạt rất cao. Thống kê cho thấy các nhịp tăng gần Tết Nguyên đán đều có hoạt động mua ròng tích cực của NĐT cá nhân.

Hiện quy luật này cũng đang lặp lại, dù còn khá mờ nhạt do mới đi được 2 tuần đầu tiên của tháng 1-2024. Nếu như tuần chốt tháng 12-2023, NĐT cá nhân bán ròng rất lớn tới 6.582 tỷ đồng, thì tuần qua nhóm này đã mua ròng trở lại hơn 1.200 tỷ đồng. Khối tự doanh các công ty chứng khoán cũng đang mua vào ròng hơn 1.000 tỷ đồng.

NĐT cá nhân thường phản ứng rất nhanh với các cơ hội ngắn hạn, do không cần các tiêu chí quản trị rủi ro hay phân bổ danh mục một cách nguyên tắc. Thậm chí các NĐT cá nhân có thể “tất tay”, dùng đòn bẩy tối đa vào một vài CP để kiếm lời trong vài tuần rồi lại nhảy sang CP khác.

Chính các giao dịch đầu cơ ngắn hạn này sẽ thúc đẩy thanh khoản tăng lên. Dù các quỹ đầu tư, tổ chức đầu tư nói chung có quy mô danh mục lớn, nhưng lại không hoạt động thường xuyên hàng ngày.

Hiện tại tỷ trọng giao dịch của NĐT cá nhân vẫn đang chiếm gần 90% thị trường. Nhóm này giúp thanh khoản khớp lệnh HoSE và HNX trung bình 2 tuần đầu tháng 1-2024 vọt lên gần 19.000 tỷ đồng/ngày, trong khi mức trung bình trong tháng 12-2023 chỉ hơn 15.000 tỷ đồng/ngày.

Thị trường đang trong giai đoạn phục hồi tăng trưởng điển hình dựa trên kỳ vọng thông thường, khi bức tranh vĩ mô ổn định và không có sự kiện bất ngờ.

Vì vậy giá chạy trước thông tin là điều bình thường. Đà tăng giá của nhóm CP NH dẫn dắt xu hướng, nhưng cũng sẽ không thể kéo dài và điều cần là dòng tiền lan tỏa rộng hơn sang CP các ngành, lĩnh vực khác.

Thống kê lịch sử cho thấy, tháng đầu tiên của năm TTCK thường diễn biến tốt. Trong 10 năm gần nhất chỉ có tháng 1-2016 (-5,8%), tháng 1-2020 (-2,5%), tháng 1-2021 (-4,3%) và tháng 1-2022 (-1,3%) là tiêu cực. Thế nhưng, các tháng này dù giảm cuối kỳ vẫn xuất hiện một nhịp tăng tốt, thường là đầu tháng.

Các tin khác