Chúng ta đang tạo thế khó trong quản lý và điều hành xăng dầu

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, PGS.TS NGÔ TRÍ LONG, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận xét, hệ quả dẫn đến thiếu hụt nguồn cung xăng dầu tạm thời ở thị trường trong nước thời gian qua chủ yếu đến từ cơ chế quản lý và điều hành còn thiếu linh hoạt, chưa bám sát thực tế vận hành của thị trường.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, giá xăng dầu trong nước dù đã giảm so với hồi đầu năm song vẫn chưa hết “nóng” khi nhiều DN cho biết thiếu nguồn xăng dầu để bán ra. Về vấn đề này có ý kiến cho rằng Nghị định 95/2021/NĐ-CP (sửa đổi từ Nghị định 83/2014/NĐ-CP) có hiệu lực từ cuối năm ngoái, nay đã lỗi nhịp cần sửa đổi, bổ sung tiếp. Quan điểm của ông?
PGS. TS NGÔ TRÍ LONG: - Những bất cập của Nghị định 95 đã bàn nhiều. Tuy nhiên tôi cho rằng, ngay cả khi tiếp tục sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 vấn đề cũng vẫn khó giải quyết nếu không thay đổi về tư duy trong quản lý và điều hành xăng dầu hiện nay. Cơ chế có, vấn đề nằm ở sự vận hành, tức yếu tố con người. Vì thế, cần thay đổi cách điều hành cứng nhắc hiện nay bằng cách điều hành linh hoạt hơn. 
Thí dụ, các dịp nghỉ lễ kéo dài cả tuần lễ, trong khi giá xăng dầu của thị trường thế giới biến động mạnh, giá trong nước vẫn đứng yên vì còn chờ hết lễ cơ quan chức năng họp để điều chỉnh giá.
Điều này tác động trái chiều cho cả người tiêu dùng lẫn DN kinh doanh xăng dầu. Bởi nếu giá xăng dầu tăng DN chịu thiệt khi vẫn phải bán với giá thấp, còn khi giá hạ xuống người tiêu dùng thiệt khi phải chịu mức giá bán cao. Chỉ chi tiết rất nhỏ này cũng cho thấy cơ chế điều hành giá hiện nay còn cứng nhắc, chưa sát thị trường.
Chúng ta đang tạo thế khó trong quản lý và điều hành xăng dầu ảnh 1
- Theo ông có nên để giá xăng dầu trong nước vận hành theo giá thị trường thế giới?
- Để giá xăng dầu được vận hành đúng theo giá thị trường sẽ rất tốt nếu trên thị trường là sự cạnh tranh đầy đủ, đúng nghĩa. Song hiện nay chúng ta chưa có thị trường cạnh tranh đúng nghĩa.
Trong Luật Cạnh tranh có quy định 1 DN chiếm 30%, 2 DN chiếm 50%, 3 DN chiếm 60% thị phần 1 loại hàng hóa nào đó, tức các DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường, đóng vai trò chi phối. Khi đã đóng vai trò chi phối cần có sự điều tiết của Nhà nước, tránh trường hợp xảy ra thao túng thị trường. 
Hiện nay Petrolimex đang chiếm tới khoảng 47-48% thị phần trong nước, cùng với 2 DN kinh doanh xăng dầu nữa cộng lại, số này chiếm tới hơn 60% thị phần xăng dầu trong nước, chi phối thị trường. Khi có những DN giữ vị trí chiếm lĩnh thị trường như vậy, không bao giờ được phép thả nổi thị trường, để DN tự định giá, nhất là những mặt hàng chiến lược trọng yếu như xăng dầu.
Bởi khi để DN tự định giá họ sẽ lợi dụng sự chi phối để nâng giá lên khiến người tiêu dùng và các DN khác bị thiệt hại. Bởi thế cần có sự can thiệp của Nhà nước. Nhà nước quyết định giá là hợp lý.
- Nhưng điều này có xảy ra mâu thuẫn trong cơ chế điều hành, thưa ông?
- Theo tôi đây không phải là mâu thuẫn, mà nên gọi là thế khó của Nhà nước thì đúng hơn. Nếu muốn sát với thị trường phải là quyết định giá theo từng ngày, thay vì điều hành theo chu kỳ như hiện nay. Nếu như thả nổi sẽ bị DN chi phối.
Và khi không thể thả nổi giá xăng dầu để DN và người tiêu dùng tự quyết định, thì ở đây cũng như một sân chơi, cần có Nhà nước làm trọng tài. Chỉ khi nào thị trường có sự cạnh tranh đầy đủ khi đó mới có thể thả nổi được. 
Cái khó nữa ở đây là khi Nhà nước đã quy định về giá phải có chu kỳ để điều chỉnh. Trước kia từ 30 ngày, sau đó giảm xuống 15 ngày và hiện nay 10 ngày. Thậm chí, Bộ Công Thương gần đây còn muốn điều hành giá trong 2-3 ngày/lần. Tôi cho rằng nếu làm được điều hành giá như vậy quá tốt, song năng lực của Bộ Công Thương có làm được điều này hay không mới là vấn đề.
Một trong những tiêu chí để đánh giá nền kinh tế thị trường là tự do hóa giá cả. Tự do hóa giá cả không có nghĩa là tất cả đều do thị trường tự định đoạt, mà phải tùy theo từng loại sản phẩm, thị trường. Thí dụ, điện, xăng dầu là những mặt hàng thiết yếu, quan trọng để tự do hóa sẽ không ổn.
Đây cũng là nguyên tắc Nhà nước đóng vai trò trọng tài điều chỉnh, khắc phục những khiếm khuyết của thị trường. Đây là định chế giá trong quản lý kinh tế thị trường, khác với cơ chế bao cấp.
- Thời gian qua cũng có nhiều ý kiến đề xuất đến cần đầu tư xây dựng hệ thống kho dự trữ chiến lược xăng dầu, bởi đây là yếu tố phòng tránh những cú sốc về giá từ bên ngoài, giúp điều hành của Nhà nước với mặt hàng này được thông suốt hơn. Ý kiến của ông ra sao?
- Dự trữ xăng dầu ở Việt Nam hiện nay mới phổ biến ở mức gần 10 ngày và đây là điều nguy hiểm. Hiện nay, nhiều nước  đã có thể dự trữ xăng dầu lên đến thời gian 3 tháng. Dự trữ ở đây có 2 loại là dự trữ của DN và dự trữ của Nhà nước. 2 khoản dự trữ này hiện nay đang mất cân đối, chúng ta mới chỉ dựa vào dự trữ DN là chủ yếu.
Quan điểm của DN là họ muốn dự trữ với thời gian ít ngày, vì DN không muốn bỏ quá nhiều vốn vào đấy mà giá cả biến động thường xuyên, rủi ro sẽ cao. Nhưng dự trữ ít ngày sẽ gây ra hệ lụy cho cả an ninh năng lượng. Để khắc phục hạn chế này đòi hỏi Nhà nước cần có sự đầu tư.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua cho thấy khâu dự trữ của chúng ta quá mỏng nên ảnh hưởng đến vấn đề an ninh năng lượng. Vừa rồi Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành lập các kho dự trữ, song họ bảo muốn vậy cần phải có khoản đầu tư rất lớn lên đến khoảng 20 tỷ USD. Đây là con số rất lớn.
Chúng ta xây dựng nhà kho, nhưng nguồn lực không có thì lấy ở đâu? Nên ở đây là bài toán cân đo giữa 2 bên: mỏng về dự trữ sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia, nhưng dày quá lại thiếu hụt nguồn lực để đầu tư trong khi chúng ta còn cần đầu tư rất nhiều lĩnh vực khác nữa. Vì vậy cần phải tính toán kỹ. Bởi ngay cả khi đã có kho dự trữ mà không tính toán kỹ vẫn sẽ không hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông.
 Cơ chế có, vấn đề nằm ở sự vận hành, tức yếu tố con người. Vì thế, cần thay đổi cách điều hành cứng nhắc hiện nay bằng cách điều hành linh hoạt hơn.

Các tin khác