Thành phố công xưởng
Một trong những lý do khiến hoạt động sản xuất của Trung Quốc hiệu quả, là ưu thế của các “thành phố công xưởng”. Đó là những khuôn viên khép kín bao gồm các nhà máy, nhà kho, văn phòng và nhà ở. Những cơ sở này mọc lên vào những năm 1990 ở các tỉnh ven biển như Quảng Đông, Chiết Giang và Giang Tô. Các tỉnh này đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng hỗ trợ thương mại xuất khẩu, bao gồm đường sá và cảng container. Một trong những “TP công xưởng” là Công viên Khoa học - Công nghệ Longhua của Foxconn ở Thâm Quyến (nơi sản xuất khoảng một nửa số iPhone trên thế giới), có thời điểm lên đến 270.000 công nhân. Tại cơ sở lắp ráp điện thoại di động ở Đông Hoản, 15.000 công nhân lắp ráp 100.000 chiếc điện thoại thông minh mỗi ngày. Điều này đã biến Trung Quốc thành công xưởng của thế giới.
Ngoài đầu tư trong nước, tầm với của Trung Quốc mở rộng thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển giàu tài nguyên, đặc biệt là châu Phi. Nắm bắt nguồn cung cấp các nguyên tố đất hiếm (REE) đối với việc sản xuất các thành phần công nghệ, Trung Quốc đã chiếm vai trò quan trọng trong thị trường toàn cầu. Các công ty Trung Quốc hiện kiểm soát hoặc có ảnh hưởng trên 59% trữ lượng lithium toàn cầu, loại khoáng chất quan trọng để sản xuất pin và các thiết bị điện tử tiên tiến khác. Từ việc phát triển các mỏ nguyên tố đất hiếm, đến Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm kết nối các thị trường trên khắp châu Âu, châu Phi, châu Á và Australia, sự kiểm soát của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng rất lớn. Các ước tính hiện tại cho thấy chính phủ Trung Quốc đã chi hơn 1.000 tỷ USD cho nước ngoài để đầu tư vào Sáng kiến Vành đai và Con đường này.
Khó rời bỏ Trung Quốc
Đại dịch Covid-19 bùng phát và hoành hành khắp toàn cầu tạo ra cú sốc nguồn cung, đã khiến nhiều công ty và quốc gia suy nghĩ lại về việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Thật ra, các cuộc thảo luận về đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã bắt đầu từ rất lâu trước khi xảy ra đại dịch. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung năm 2018 đã khiến các nhà đầu tư cân nhắc việc giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Bởi các rào cản thương mại từ 2 quốc gia áp đặt lên nhau đã ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn thế giới, phơi bày những lỗ hổng của các khoản đầu tư tập trung vào Trung Quốc.
Nhiều công ty đã áp dụng chiến lược “Trung Quốc +1” để phòng ngừa rủi ro. Năm 2019, Đài Loan đã thông qua luật khuyến khích các công ty của họ xây dựng chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc và cung cấp tài chính giá rẻ, giảm thuế và đơn giản quản lý để đầu tư vào lãnh thổ của mình. Một nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, cho thấy 56 công ty đã chuyển cơ sở ra khỏi Trung Quốc từ tháng 4-2018 đến tháng 8-2019. Đại dịch đã tăng cường hơn nữa xu hướng này. Vào tháng 4-2020, Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD để tài trợ cho các công ty của mình rời khỏi Trung Quốc. Sự thay đổi chính sách này diễn ra trong bối cảnh nhập khẩu của Trung Quốc vào Nhật Bản giảm một nửa vào tháng 2-2020 do đại dịch, khiến các nhà sản xuất Nhật Bản rất cần linh kiện.
Bất chấp những thách thức này, Trung Quốc vẫn giữ vững lập trường của mình, bởi các mạng lưới cung ứng toàn cầu có xu hướng tuân theo các quy luật của thị trường. Các nhà đầu tư toàn cầu khó có thể bỏ qua thị trường nội địa Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và cơ sở người tiêu dùng rộng lớn của nước này. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng thương mại nước ngoài ở Trung Quốc khá hoàn thiện, với các cảng năng suất cao và hiệu quả để có thể tiếp nhận các tàu container lớn, các dịch vụ vận tải biển trực tiếp kết nối các thị trường lớn. Bên cạnh đó, lực lượng lao động lành nghề dồi dào, cùng với sự sẵn có của mạng lưới cung ứng sâu và hoàn thiện, càng mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi thế là công xưởng của thế giới.
Hậu zero Covid?
Chính sách zero Covid kéo dài của Trung Quốc đã tác động rất lớn đến các công ty trong lĩnh vực công nghệ. Đặc biệt, lệnh phong tỏa Thượng Hải vào tháng 4 và sau đó là nhiều thành phố khác, đã khiến nhiều công ty nước ngoài cảm thấy hối hận vì đã không nghiêm túc về việc đa dạng hóa cơ sở cung cấp của mình khỏi Trung Quốc. Apple mới đây đã cảnh báo về tình trạng thiếu hàng Giáng sinh. Các nhà phân tích cho rằng việc nhà máy sản xuất iPhone khổng lồ của Foxconn ở Trịnh Châu đóng cửa, có thể khiến Apple mất 1/3 hàng tồn kho trong dịp Giáng sinh. Tại nhiều cửa hàng Apple ở Mỹ, tình trạng thiếu hụt iPhone 14 Pro lên tới 35% hoặc 40%.
Apple không phải là công ty duy nhất bị ảnh hưởng, dữ liệu hậu cần và vận tải cho thấy sản xuất chung đang chậm lại. Cuối tháng 11, các chuyến hàng đường bộ và đường sắt ở Trung Quốc đã giảm 36%, vận chuyển của Trung Quốc đến Mỹ tiếp tục giảm và giảm 34% so với đầu năm. Honda đã tạm dừng sản xuất tại nhà máy của họ ở Vũ Hán, trong khi Volkswagen cho biết họ đã buộc phải tạm dừng sản xuất xe tại cơ sở của mình ở Thành Đô vì số ca mắc Covid gia tăng. Nhà sản xuất ô tô Đức cũng đã tạm dừng 2 trong số 5 dây chuyền sản xuất tại nhà máy Trường Xuân vì thiếu phụ tùng.
Kể từ ngày 13-12, Trung Quốc cho biết sẽ dỡ bỏ chính sách zero Covid. Thậm chí, hàng triệu công nhân được khuyến khích đi làm, nếu bị nhiễm Covid. Dù việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát được coi làm sáng tỏ triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong dài hạn, nhưng các nhà phân tích cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong những tuần tới, khi làn sóng lây nhiễm tạo ra tình trạng thiếu nhân viên và khiến người tiêu dùng cảnh giác.
Ting Lu, Nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Nomura, cho biết: “Sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm ở các thành phố lớn có thể chỉ là khởi đầu của làn sóng lây nhiễm Covid lớn. Việc công nhân về quê nghỉ Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1, kết hợp với việc dỡ bỏ zero Covid có thể gây ra sự lây lan chưa từng có của Covid”. Vì thế, nhiều người lo ngại việc khóa cửa cục bộ của Trung Quốc có thể quay trở lại.
Trải qua những bất ổn địa chính trị và chiến tranh thương mại với Mỹ và sau đó là Covid, nhiều công ty phương Tây vẫn giữ niềm tin vào Trung Quốc.