Theo Báo cáo về xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), tổng nhu cầu vàng đã tăng thêm 5% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.313 tấn, tương đương 100 tỷ USD. Nhu cầu đầu tư vàng trên toàn cầu cũng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 364 tấn, do sự thay đổi về nhu cầu đối với các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF) chủ yếu từ các nhà đầu tư phương Tây.
Trên toàn cầu, các quỹ ETF nắm giữ thêm 95 tấn vàng, ghi nhận đây là quý đầu tiên mà các quỹ ETF có sự tăng trưởng đáng kể từ quý I-2022. Mặc dù, nhu cầu vàng miếng và vàng xu giảm 9%, nhưng tổng nhu cầu tính đến thời điểm hiện tại vẫn ở mức cao đạt 859 tấn so với mức trung bình trong 10 năm qua là 774 tấn.
Nhu cầu vàng đi lên là nguyên nhân khiến giá vàng tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục trong quý III, đạt mức trung bình 2.474 USD/ounce, khiến nhu cầu toàn cầu đối với vàng trang sức sụt giảm. Tổng mức tiêu thụ vàng trang sức giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái về khối lượng, nhưng tăng 13% về giá trị, cho thấy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm vàng có khối lượng ít hơn.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc NHTW toàn cầu tại WGC, nhận định: “Giá vàng vẫn tăng mạnh khi nhu cầu đầu tư tăng. Rủi ro địa chính trị, lo ngại về suy thoái kinh tế và giá vàng tăng vọt là các yếu tố làm các con số này gia tăng đáng kể, ngay cả khi giá vàng cao kỷ lục có thể khiến một số người mua phải dè chừng.
Tuy nhiên, theo ông Shaokai Fan, giá vàng cao có thể sẽ tiếp tục làm giảm nhu cầu đối với vàng trang sức. Đầu tư vào vàng miếng và vàng xu suy giảm do một số thị trường chính giảm mạnh nhu cầu. Mặc dù sự sụt giảm ít hơn dự kiến trong quý III, nhưng tổng nhu cầu trong năm vẫn ở mức ổn định là 859 tấn, cao hơn mức trung bình trong 10 năm qua là 774 tấn.
Ngược lại, giá vàng đạt mức cao chưa từng thấy trong lịch sử khiến nhu cầu về vàng trang sức giảm tại các thị trường ASEAN mà WGC theo dõi. Sự mất giá của VNĐ đã góp phần làm cho giá vàng trên thị trường quốc tế tăng cao hơn và là lý do khiến nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam giảm 15% so với quý trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Căng thẳng địa chính trị toàn cầu, các lo ngại về tình hình chính trị và kinh tế trong nước cũng như kỳ vọng giá vàng tăng đã duy trì sự quan tâm của các nhà đầu tư ASEAN đối với vàng trong quý III.
Tuy nhiên, Việt Nam là một trường hợp ngoại lệ so với Thái Lan, Indonesia và Malaysia, các nước này đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số theo từng năm. Việt Nam chứng kiến mức giảm 33% theo quý và mức giảm 10% theo năm về nhu cầu vàng miếng và vàng xu. Sự sụt giảm về nhu cầu vàng tại Việt Nam có thể là do giá vàng tăng mạnh làm hạn chế hoạt động mua mới.
Theo bà Louise Street, Nhà phân tích thị trường cấp cao tại WGC cho rằng, quý III chứng kiến sự gia tăng đầu tư và hoạt động giao dịch phi tập trung thúc đẩy nhu cầu vàng toàn cầu và chi phối hiệu suất giá vàng. Trong khi giá vàng tăng cao làm giảm nhu cầu ở phần lớn các thị trường tiêu dùng, thì việc cắt giảm thuế nhập khẩu ở Ấn Độ đã giữ cho nhu cầu về vàng trang sức, vàng miếng và vàng xu ở mức cao đáng kể trong bối cảnh giá vàng phá mức kỷ lục.
Tâm lý FOMO trong giới đầu tư là yếu tố chính làm tăng nhu cầu vàng trong quý này. Nhiều nhà đầu tư vẫn muốn mua vào khi giá vàng tăng, cộng thêm khả năng lãi suất sẽ giảm trong tương lai và họ cũng đang cân nhắc vai trò của vàng như một kênh lưu trữ an toàn trước tình hình bất ổn chính trị tại Mỹ và các cuộc xung đột leo thang ở Trung Đông.
“Trong thời gian tới, sự gia tăng đột biến trong các khoản đầu tư vào vàng được dự đoán sẽ tiếp diễn, điều này có thể dẫn đến việc giá vàng và nhu cầu vàng duy trì ở mức cao. Mặt khác, chúng ta đã chứng kiến hơn 30 mức giá cao kỷ lục trong năm 2024 và giá vàng ở mức cao kỷ lục này sẽ tiếp tục là thách thức đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế là một yếu tố khác mà chúng tôi theo dõi có thể làm thay đổi tình hình”, bà Louise Street nhận định.