Hụt hơi vốn trung và dài hạn
6 tháng đầu năm 2018, cho vay khách hàng tại LienVietPostBank (LPB) tăng trưởng 13,82% so với đầu năm, lên mức 114,52 tỷ đồng. Trong đó, cho vay kỳ hạn ngắn tăng 32,42% (đạt khoảng 35.200 tỷ đồng), chiếm 30,74% tổng dư nợ, cho vay trung hạn tăng 6,01% (đạt 54.470 tỷ đồng), chiếm 47,56% tổng dư nợ và cho vay kỳ hạn dài tăng 9,7% (đạt 24.840 tỷ đồng), chiếm 21,7% tổng dư nợ.
Sở dĩ cho vay kỳ hạn ngắn của LBP tăng trưởng mạnh do NH đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) làm vốn lưu động với lãi suất thấp. Điều này khiến tỷ lệ NIM giảm mạnh 1,03% so với cùng kỳ, từ 4,06% xuống còn 3,03%.
Nguyên nhân do tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng cho vay trung, dài hạn đã ở mức 45% tại thời điểm cuối năm 2017. Theo đó, NH không còn nhiều dư địa để mở rộng cho vay trung, dài hạn.
Không chỉ LienVietPostBank mà hầu như NH đều đứng trước thách thức của bài toán vốn trung và dài hạn. Do đó, các NH cũng có xu hướng cơ cấu lại danh mục tín dụng theo hướng tăng cho vay kỳ hạn ngắn. Tại HDBank, 6 tháng đầu năm, cho vay kỳ hạn ngắn tăng 24,29% so với đầu năm, đạt 64.340 tỷ đồng, đóng góp 58,27% vào tổng dư nợ; cho vay trung, dài hạn tăng 6,48% so với đầu năm đạt 46.080 tỷ đồng, chiếm 41,73% tổng dư nợ.
Tương tự cho vay kỳ hạn ngắn tại MBB cũng tăng 14,4% so với đầu năm đạt 105.238 tỷ đồng, đóng góp 51,4% vào tổng dư nợ (cùng kỳ năm 2017 chiếm 50,8%); cho vay trung dài hạn tăng 8% so với đầu năm đạt 99.591 tỷ đồng, đóng góp 48,6% vào tổng dư nợ (cùng kỳ 49,2%).
Vay vốn ngoại sẽ tạo cho SHB có thêm nguồn vốn trung, dài hạn.
Tìm kênh vốn ngoại gỡ khó
Mặc dù 6 tháng đầu năm gặp một số khó khăn liên quan đến vốn trung và dài hạn, nhưng cuối tháng 8 vừa qua LPB đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 50 triệu USD, kỳ hạn 3 năm với JPMorgan Chase Bank, N.A. chi nhánh Singapore.
Mặc dù 6 tháng đầu năm gặp một số khó khăn liên quan đến vốn trung và dài hạn, nhưng cuối tháng 8 vừa qua LPB đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 50 triệu USD, kỳ hạn 3 năm với JPMorgan Chase Bank, N.A. chi nhánh Singapore.
Có thể nói, việc nhận được khoản vay từ JPMorgan Chase Bank sẽ mở ra cơ hội mới cho NH trong những tháng cuối năm. Bởi khoản vay sẽ tăng thêm dư địa để cho vay trung và dài hạn, giảm áp lực huy động kỳ hạn dài lãi cao, từ đó cải thiện tỷ lệ NIM, tăng lợi nhuận.
Hiện cũng khá nhiều NH được các định chế tài chính nước ngoài cấp các khoản tín dụng lớn để đáp ứng nhu cầu vốn cho vay trung và dài hạn. Chẳng hạn, hồi đầu tháng 9, NH Đầu tư Quốc tế (IIB) ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với SHB, cung cấp khoản vay trị giá 20 triệu USD kỳ hạn 5 năm để SHB có thêm nguồn vốn trung và dài hạn tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án liên quan đến DNNVV, năng lượng xanh… SHB cũng ký hợp đồng tín dụng khung với NH Hợp tác Kinh tế Quốc tế (IBEC). Theo đó, IBEC cấp khoản vay cho SHB với hạn mức ban đầu 20 triệu EUR để thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các nước thành viên của IBEC.
Một tổ chức tài chính quốc tế khác là IFC cũng liên tục cấp khoản vay trung và dài hạn cho các NH trong nước. Mới đây, IFC cho biết sẽ cung cấp khoản vay trị giá 100 triệu USD cho OCB nhằm giúp NH này mở rộng hoạt động cấp vốn dài hạn cho DNNVV, đặc biệt là DN có chủ sở hữu là phụ nữ. Gói tài trợ có kỳ hạn 3 năm bao gồm 57,16 triệu USD từ IFC và 42,84 triệu USD từ Chương trình Danh mục Đầu tư đồng cấp vốn được quản lý tập hợp các tổ chức đầu tư quốc tế do IFC quản lý.
Mới đây, TPBank cũng ký hợp đồng cho vay hợp vốn dài hạn với giá trị 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng) với tổ chức này. Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, cho biết việc tiếp nhận khoản vay kỳ hạn vay 5 năm từ IFC hỗ trợ NH tăng năng lực đáp ứng vốn cho DNNVV, cung ứng những sản phẩm với tính năng vượt trội và thiết thực cho khách hàng. Năm ngoái, IFC cũng cấp khoản vay tương tự trị giá 57 triệu USD cho VPBank và 185 triệu USD cho VIB.
Hiện vốn ngắn hạn chiếm đến 70-80% tổng vốn huy động của NH, nên một số NH đã tăng lãi suất mạnh huy động kỳ hạn 13 tháng, tạm gọi là vốn trung hạn, để tăng nguồn vốn trung và dài hạn. Nhưng thực chất đây chỉ là giải pháp đối phó. Vì vốn huy động phải từ 3 năm trở lên mới gọi là trung và dài hạn, mới đảm bảo sự ổn định cho hệ thống NH. Do đó, khi các NH vay vốn từ các định chế tài chính nước ngoài sẽ đảm bảo được một phần nguồn vốn trung và dài hạn để đáp ứng yêu cầu hoạt động. |